Đôi mắt trũng sâu vì nhiều đêm thức trắng, chúng tôi hiểu rằng, sự hy sinh thầm lặng của anh và đồng đội đã vạch trần cái xấu, cái ác, đưa lại niềm tin trong quần chúng nhân dân. Để qua vụ án này cả cộng đồng xã hội và ngành chức năng quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Anh trải lòng, đến thời điểm này, cơ quan Công an đã soát xét trên 400 đối tượng liên quan đến khai thác, vận chuyển, thu mua gỗ trái phép, phát hiện 300 cưa xăng, 160 xe chuyên dùng chở gỗ lậu trên tuyến biên giới thuộc địa bàn 3 xã Sơn Lâm, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng (huyện Hương Sơn), thu giữ 488,516 m3 gỗ xẻ, quy tròn gỗ là 781,62m3 gỗ, trị giá trên 4 tỷ đồng, đã bổ sung vụ án các tội “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”, “vi phạm các quy định về quản lý rừng”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”, khởi tố 15 bị can, trong đó có 3 cán bộ ngành kiểm lâm, 4 chủ rừng, 6 đối tượng khai thác, 2 chủ “đầu nậu” gỗ với 5 tội danh khác nhau…
Nước mắt của rừng…
Cách đây gần 8 tháng, lúc đó vào tháng 3/2012, các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm m3 gỗ, từ nhóm 2 đến nhóm 6 đã bị triệt hạ, nằm ngổn ngang ở rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, gần biên giới Việt – Lào. Vụ phá rừng này được xem là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh, đã tốn không ít giấy mực của các cơ quan báo chí. Thời điểm đó, chúng tôi đã mục sở thị tại hiện trường. Trên con đường nối thẳng qua nước bạn Lào xuất hiện những gốc cây nhiều năm tuổi trơ trọi, đã được chặt hạ từ lúc nào. Cạnh đó là những dấu vết vận chuyển gỗ của lâm tặc vẫn còn mới, những khúc gỗ lớn chưa kịp vận chuyển đang được ngụy trang bên đường. Đi sâu vào các cánh rừng tại các tiểu khu 2, 12,21, 22 sát ngay mốc km số 0 giáp biên giới Việt – Lào, rất nhiều phiến gỗ người ôm không xuể được lâm tặc cất dấu khắp nơi trong rừng.
Trong các cánh rừng, xuất hiện chi chít những “đường máu”, những con đường đã được lâm tặc làm sẵn từ lâu để vận chuyển gỗ. Hai bên những tuyến đường xương cá này, hàng chục phiến gỗ đã được cưa vuông thành sắc cạnh được nguỵ trang, chờ ngày vận chuyển về. Dù không thể đi sâu đến được tận các “sào huyệt” của lâm tặc nhưng khi chứng kiến những thân gỗ có đường vành hàng ba mét bị đốn hạ ngổn ngang; những phiến gỗ vuông rộng khoảng 30- 40 cm, dài 3-4 mét, những khúc gỗ tròn cỡ bằng cột nhà… nằm rải rác khắp nhiều vùng rừng…mới biết được rừng đầu nguồn đã bị tàn phá khủng khiếp như thế nào. Bên cạnh đó còn xuất hiện nhiều gốc cây mà dấu vết còn mới. Sau khi hạ xong cây, thân cây chưa kịp xẻ và được vứt chỏng chơ giữa rừng. Cạnh đó là những cây thân gỗ rất lớn đã được lâm tặc đánh dấu, chưa kịp chặt hạ.
Lực lượng chức năng thu hồi gỗ tại Sơn Hồng
Tuy nhiên, dư luận đã đặt ra câu hỏi để vào được cánh rừng có ý nghĩa quan trọng này phải trải qua 5 cửa ải có đầy đủ các lực lượng chức năng chốt chặn kiểm tra 24/24h. Đầu tiên là sào chắn của xã Sơn Lĩnh, tiếp đến Trạm kiểm soát lâm sản Sơn Lĩnh, thuộc Hạt kiểm lâm Hương Sơn, tiếp nữa là rào chắn của xã Sơn Hồng, rồi đến Ban quản lý bảo vệ và xây dựng rừng Hồng Lĩnh, đến trạm biên phòng Đá Gân, thuộc đồn biên phòng Sơn Hồng và gần với khu vực rừng bị phá nhất là Trạm bảo vệ rừng khe Sinh – thuộc Cty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn, nhưng tại sao tình trạng chặt phá rừng ở đây lại diễn ra rầm rộ đến vậy?
Lần theo dấu vết tội phạm…
Nhận thấy tính chất nguy hiểm của việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo đồng thời nhanh chóng xác lập chuyên án mang bí số LS 0312 để đấu tranh làm rõ những kẻ đã và đang phá rừng. Một ban chuyên án đã được thành lập do Đại tá Bùi Đình Quang – Phó Giám đốc – Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra trực tiếp làm trường ban chuyên án. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ được giao nhiệm vụ làm đơn vị chủ công phá án. Tham gia cùng ban chuyên án còn có một số đơn vị nghiệp vụ khác như phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, phòng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, công an huyện Hương Sơn…
Tất cả các mũi trinh sát đều đồng loạt lên đường, tập trung xâm nhập địa bàn có rừng thuộc 3 xã Sơn Hồng, Sơn Lâm và Sơn Lĩnh. Điều khó khăn của cơ quan điều tra là số người dân sống bằng nghề rừng thuộc 3 xã này rất lớn, cao điểm có khi lên đến 300-400 người, vì thế xác định đâu là thủ phạm gây ra các vụ phá rừng trên là hết sức khó khăn.
Sau một thời gian dài thu thập chứng cứ liên quan, cơ quan điều tra đã tập trung vào một số đối tượng chính là cán bộ nhà nước đang công tác trên các lĩnh vực liên quan đến rừng. “Vì đụng chạm đến nhiều cán bộ đang làm việc nên ban chuyên án đã hết sức cân nhắc trước khi quyết định bất kỳ một vấn đề gì” – Thượng tá Phạm Văn An – Phó trưởng phòng PC46 Công an Hà Tĩnh cho biết..
Để lần tìm dấu vết tội phạm và xác định thủ đoạn phá rừng, các điều tra viên đã tìm hiểu thực tế ngay từ những xưởng chế biến gỗ thành phẩm có mặt trên thị trường. Để có một sản phẩm gỗ thành phẩm cần rất nhiều gỗ nguyên liệu và câu hỏi được đặt ra: gỗ nguyên liệu từ đâu mà có. Tại một số xưởng chế biến gỗ thành phẩm, các điều tra viên đã phát hiện nhiều loại gỗ nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Từ những thông tin do các chủ xưởng chế biến gỗ thành phẩm khai nhận, các điều tra viên đã bắt đầu hé lộ dần về một đường dây cung cấp gỗ nguyên liệu lớn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các vùng phụ cận.
Một điều dễ dàng nhận thấy rằng: để đưa được gỗ nguyên liệu ra khỏi rừng chắc chắn phải có sự tiếp tay của một số đối tượng đang khoác màu áo bảo vệ rừng. Vì thế đối tượng kế tiếp mà cơ quan điều tra nhắm đến chính là một số cán bộ thuộc các công ty quản lý rừng và lực lượng kiểm lâm đang có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Sau một thời gian dài âm thâm điều tra, tập trung vào các đối tượng chính đang là các cán bộ nhà nước, cơ quan điều tra đã bước đầu nhận định về thủ đoạn của nhóm tội phạm này. Trong một thời gian dài, một nhóm đối tượng gồm cả cán bộ cơ quan nhà nước và một số đối tượng đầu nậu ngoài xã hội đã sử dụng thủ đoạn tuy không mới nhưng đã vận chuyển trót lọt được hàng trăm m3 gỗ quý ra khỏi rừng.
Các đối tượng là cán bộ thuộc Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn đã cho người của các đầu nậu vào phá rừng tại các tiểu khu do mình quản lý. Sau khi nhiều cây gỗ đã bị triệt hạ, lập tức nhóm đối tượng này cấu kết với nhóm đối tượng là cán bộ kiểm lâm tổ chức vây bắt quả tang việc phá rừng sau đó lập biên bản thu hồi tang vật là các loại gỗ đã bị đốn hạ. Tại hiện trường phá rừng, nhóm đối tượng này vẫn lập một biên bản với số lượng gỗ bị thu giữ đúng với số lượng gỗ thực tế và cho chở gỗ tang vật ra khỏi rừng và đưa về trụ sở. Những việc làm này đã che mắt được nhiều người và tô thêm thành tích phòng chống phá rừng cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên thủ đoạn của bọn chúng chính là sau khi gỗ tang vật đã được đưa ra khỏi rừng. Sau khi đường hoàng đưa số gỗ gọi là tang vật ra khỏi rừng, số đối tượng này lập tức cho hủy toàn bộ biên bản và hồ sơ đã lập trong rừng và được thay bằng một bộ hô sơ xử lý vi phạm khác với một biên bản thu giữ tang vật; và con số trong biên bản này đương nhiên đã bị thay đổi với số lượng ít hơn rất nhiều so với số gỗ tang vật đã được đưa về. Mấy ngày sau, các đầu nậu Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Hữu Huân đường hoàng đến nộp tiền xử phát hành chính và đưa số gỗ còn lại không có trong hồ sơ về nhà mình. Đơn cử như vụ 35,32m3 gỗ thu tại khoảnh 7, tiểu khu 2, sau khi đã tổ chức cho đầu nậu Huân, Bình chuyển về xưởng thì toàn bộ hồ sơ đã được “phù phép” chỉ còn 0,93m3 gỗ vô chủ. Đây là thủ đoạn hết sức thô sơ song nó được thực hiện nhiều lần trót lọt chính là do sự thông đồng từ đầu đến cuối của những kẻ mang danh mang danh là bảo vệ rừng.
Xuân Lý – Đình Vũ – Văn Hùng – Sỹ Quý
CAHT