LTS: Sau khi sự việc cái chết tức tưởi của hai mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Thuận tại Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên được Hội đồng chuyên môn, Sở Y tế Hà Tĩnh kết luận. Khi đó Phó GĐ Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn đã thông tin, vụ việc xảy ra có liên quan đến trình độ chuyên môn hạn chế của bác sỹ trưởng khoa.
Và rồi những thông tin liên tiếp về hàng loạt cái chết “bất thường” khác diễn ra tại bệnh viện này trong 4 tháng vừa qua đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng yếu kém về chuyên môn của y bác sỹ bệnh viện này nói riêng và bệnh viện tuyến tỉnh, huyện nói chung.
Phóng viên VietNamNet có chuyến tìm hiểu dài ngày về thực trạng này tại bệnh viện, lắng nghe tâm sự của những gia đình mất người thân, đặc biệt là liên quan đến khoa sản.
Nỗi ám ảnh thực sự đang diễn ra ở đây khi chỉ trong mấy tháng qua, những con số mà chúng tôi có được, đã có tới 6 trường hợp chết liên quan đến bệnh viện, trong đó có 3 trẻ sơ sinh.
Bác sĩ không cho sinh sớm, bé sơ sinh tử vong?
Giữa tháng 8/2011, theo nhiều nguồn tin cung cấp về những cái chết “bất thường” của các bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Cẩm Xuyên, chúng tôi đã đến tìm hiểu về sự thật này.
Chúng tôi về thôn 7, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên tìm gặp đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Trọng Hưng (SN 1987) và Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1986). Trong căn nhà nhỏ nằm ở cuối thôn, không khí ảm đạm và buồn đến não ruột khi đứa con đầu lòng của anh chị vừa mất cách đó không lâu.
Nằm trên chõng để xông hơi sau khi đẻ như bao người mẹ khác, nhưng bên cạnh chị Hà không có đứa con mà là cả một khối u buồn nặng trịch.
Chị cho biết, buổi chiều ngày 3/8, thấy đau bụng dữ dội tưởng như bị ai đánh, nghi là bị vỡ ối nên đến 22h cùng ngày, hai vợ chồng lập tức vào Khoa sản BV Cẩm Xuyên. Sau đó hai vợ chồng có hỏi bác sĩ trong khoa sản để xin cho sinh cháu sớm, nhưng bác sĩ bảo tử cung còn mở, để đẻ tự nhiên.
Tuy nhiên, chờ mãi mà vẫn chưa sinh được, trong lúc bụng vẫn liên tục đau dữ dội. Theo kinh nghiệm mà chị Hà biết thì khi vỡ ối phải mổ hoặc tiêm thuốc thối thai nếu không đứa con sẽ gặp nguy hiểm. Tuy vậy, đã nhiều lần chị xin bác sĩ cho mổ thì vẫn nhận được câu trả lời: Không cần, tử cung vẫn còn mở.
Được bác sĩ cho 4 viên thuốc kháng sinh, nhưng chị chỉ dùng hai viên.
“23h, em đau dữ dội, chờ mãi đến 0h, do đau quá nên bác sĩ cho em lên bàn mổ. Em hỏi: Chị ơi, có đẻ được không thì bác sĩ vẫn bảo tử cung mới được 5 phân”, chị Hà tiếp tục kể.
Đến 1h30 ngày 5/8, chị Hà vẫn chưa đẻ được. Trong cơn đau đẻ quằn quại, hình ảnh đứa con bụ bẫm nặng chừng 3,2kg mà chị vừa đi siêu âm trước đó như tiếp thêm sức mạnh cho chị.
2h30, bác sĩ vẫn buộc chị Hà phải sinh tự nhiên. “Em nói trong cơn đau và tức tối là không sinh được khi đó bác sĩ mới chịu tiêm thuốc thối thai. Khoảng gần 3h sáng mới sinh con ra.
Nhưng khổ lắm, con em sinh ra không cử động, người tím đen, các bác sĩ phải cho đi cấp cứu thở bình oxy, đến 7h sáng mới thở tự nhiên được”, chị Hà nói trong nước mắt.
Quãng thời gian sáng hôm đó quá nặng nề đối với đôi vợ chồng trẻ và người nhà. Cháu bé sinh có biểu hiện yếu hẳn sau khi thở bình oxy, thậm chí khi bác sĩ tiêm 1 mũi kháng sinh nhưng cháu vẫn không có cảm giác, không đau.
Tuy nhiên, khi các hộ sinh và bác sĩ xúm lại để cấp cứu lần 2 trước khi chuyển lên tuyến trên thì cháu bị mất, lúc đó vào khoảng 10h ngày 4/8.
Nghĩ lại cái chết bất thường của đứa con chưa đầy ngày tuổi, đôi vợ chồng trẻ xiết chặt nhau mà không thành tiếng.
Lén tiễn con về với đất!
Trước cái chết bất đắc của đứa con trai bụ bẫm, anh Hưng chỉ biết nín lặng trong nỗi đớn đau của một chàng trai trẻ tuổi mới có đứa con đầu. Lén giấu vợ cho vợ khỏi sốc, lén trốn bà con họ hàng trong chòm xóm, anh mang con ra nghĩa địa, chờ mặt trời đứng bóng rồi chôn con (một tập tục của người Hà Tĩnh, khi con trẻ chết, họ kiêng cữ cho người ngoài biết khi đi chôn).
Theo những con số mà chúng tôi nắm bắt được, đã có tới 6 nạn nhân tử nạn liên quan đến bệnh viện này chỉ trong mấy tháng vừa qua. Trong đó có 3 trẻ sơ sinh. Tự tay bốc từng nắm đất đen chôn con, những giọt nước mắt của người bố quyện vào đất thay cho bao lời muốn nói. Nén cái run môi, anh Hưng kể lại mà như nói với đứa con: “Chôn con mà cha đau đớn lắm, chôn con mà không biết con chết vì sao…!”.
Bây giờ, họ chỉ biết nghĩ về con qua những hình hài mờ ảo, chen lẫn trong đó là cái tức đến xé lòng vì đội ngũ bác sĩ đã không tròn trách nhiệm đỡ đẻ cho mình.
Chị Hà kể tiếp: “Con mất rồi nhưng chồng không cho em biết mà nói con đang điều trị. Mãi khi thanh toán viện phí về, em mới biết là con bị mất”.
Anh Hưng còn chưa hết buồn: “Đêm đó, vợ em khóc đến ngất lên ngất xuống, con vừa mất xong, em lại sợ vợ có mệnh hề gì vì bị sốc nên phải an ủi mãi”.
Cả chòm xóm đến thăm hai vợ chồng trẻ, ai cũng tiếc thương và thắc mắc cho cái chết của cháu trai. Trong khi đó, khi ra về anh chị chỉ nhận được giấy thanh toán viện phí hết 600 ngàn, ngoài ra không có giấy tờ hay một lời giải thích nào khác.
Nỗi đau đớn khôn nguôi của anh Nguyễn Hữu Quân (xã Cẩm Nhượng) sau khi vợ và con chết do trình độ hạn chế của y bác sỹ Bệnh viện Cẩm Xuyên
Từ ngày cháu mất đến nay đã 3 tuần. Chừng đó thời gian qua đi nhưng cả 2 vợ chồng trẻ vẫn chưa tin rằng, niềm hạnh phúc mừng mừng tủi tủi khi đứa con trai ra đời đang mong chờ lại trở nên oan nghiệt như thế. Họ vẫn chưa thể tin được rằng đứa con chưa tròn 1 ngày tuổi đã vội lìa xa cha mẹ.
Chị Hà vẫn chưa hết bức xúc: “Nếu họ cho mổ sớm hoặc tiêm thuốc thối thai thì con em đã không mất. Rõ ràng biết em vỡ ối mà họ không chịu làm gì cả!”.
Trong căn nhà nhỏ, tuy ở cùng cha mẹ còn khỏe mạnh nhưng anh Hưng vẫn ngày ngày hương khói cho một bàn thờ không di ảnh, không tên. Những buổi chiều vùng núi âm u, nhìn lũ trẻ con chơi đùa ngoài ngõ, đôi vợ chồng chỉ biết nhìn nhau mà khóc.
“Bây giờ em chỉ mong sao vợ khỏe lại và không nghĩ tới chuyện đau buồn này nữa. Bởi một lần nghĩ tới là một lần đau đớn lẫn tức tối. Một năm, hay hai năm nữa, nếu đủ tâm lý sinh con, em sẽ đưa vợ đi nơi khác sinh. Em quá sợ bệnh viện này rồi!”, anh Hưng tâm sự.
Cả hai vợ chồng anh Hưng đều đi làm thuê. Cưới nhau từ năm 2010, những tưởng rằng họ sẽ có một mái ấm hành phúc khi đứa con chào đời. Cả hai đang dự tính sẽ cố gắng tích cóp tiền để cho con một cuộc sống tốt hơn thời của mình. Nhưng rồi mọi tính toán đều tiêu tan.
Và họ cho rằng, tai họa vừa giáng xuống gia đình họ là do lỗi của y bác sỹ ở Bệnh viện Cẩm Xuyên đã không làm tròn trách nhiệm.
Cạnh bên, mẹ anh Hưng vừa thắp nén nhang cho đứa cháu nội, bà thều thào: “Nhà tui (chúng tôi) là dân làm ruộng, chữ nghĩa không nhiều, giờ muốn hỏi cho ra lẽ cũng chẳng biết hỏi ai. Thôi thì đành ngậm đau mà “làm thinh” chứ biết mần răng chú!?”.
Duy Tuấn – Sỹ Tứ
(còn nữa)
VietNamNet