Theo đại diện Tổng cục Đường bộ, cơ quan này được Bộ Giao thông Vận tải giao tiếp thu ý kiến của dư luận, nghiên cứu tên gọi trạm thu giá dịch vụ đường bộ. "Tên gọi được chỉnh sửa cũng phải theo đúng luật định, nếu có đề xuất khác luật chúng tôi sẽ trình lãnh đạo Bộ", đại diện Tổng cục cho hay.
Cuối tuần qua, Bộ Giao thông đã báo cáo Chính phủ về việc sử dụng tên gọi "trạm thu giá đường bộ". Theo Bộ, việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ phí sang giá có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua.
Nhiều chuyên gia cho rằng thuật ngữ "trạm thu giá" là tối nghĩa. Ảnh: Hoàng Nam. |
Cụ thể, giai đoạn trước 1/1/2017, Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Phí và lệ phí, theo đó “Phí sử dụng đường bộ” nằm trong danh mục phí, lệ phí quy định tại Pháp lệnh này và do Nhà nước quản lý, ban hành (đối với quốc lộ thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính, đối với đường địa phương thẩm quyền UBND cấp tỉnh).
Giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Phí và lệ phí. Theo danh mục sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, ban hành kèm theo Phụ lục 02 của Luật Phí và lệ phí này thì có 17 loại phí được chuyển thành giá sản phẩm, dịch vụ. Trong đó “Phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “Giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh".
“Như vậy, kể từ ngày 1/1/2017 dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được quản lý theo cơ chế giá là phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Giá và Nghị định”, Bộ Giao thông khẳng định.
Cũng theo Bộ Giao thông, các thông tư của Bộ đã quy định rõ, đầy đủ “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trong dư luận vừa qua”.
Tác giả: Đoàn Loan
Nguồn tin: Báo VnExpress