Sáng 25-11, Bộ Công an tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Công an, những năm qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đang diễn ra phức tạp trong tất cả lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và sức khỏe người dân.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm trong hoạt động sản xuất công nghiệp diễn ra nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất. Cụ thể, ô nhiễm nguồn nước mặt do chất thải không được xử lý, xả thẳng ra môi trường; ô nhiễm đất do chất thải rắn và chất thải nguy hại; ô nhiễm không khí do khói, bụi từ các nhà máy.
Tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, phế liệu chưa được làm sạch vào Việt Nam diễn ra phức tạp, mỗi năm có hàng trăm ngàn chất thải phế liệu được nhập khẩu, nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác của các nước công nghiệp và các nước trong khu vực.
Cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung do hậu quả từ việc xả chất thải của KCN Formosa. Ảnh: Đ.LAM
Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch ven biển đi vào hoạt động hoặc vận hành thử nghiệm, sục rửa hệ thống nhưng chưa hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, lợi dụng thủy triều xả chất thải chưa qua xử lý ra biển, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển, ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội và an ninh trật tự, điển hình như sự cố môi trường biển bốn tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra tháng 4-2016,…
Trong 10 năm qua, Bộ Công an đã phát hiện, điều tra, khám phá trên 100.000 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Trong đó, đã khởi tố hơn 3.000 vụ, hơn 4.200 bị can; xử phạt vi phạm hành chính gần 98.000 vụ, số tiền phạt hơn 1,1 tỉ đồng.
Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực khoáng sản diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt tại các tỉnh Tây Bắc, miền Trung, khu vực Tây Nguyên. Tình trạng khai thác đá, cát, sỏi lòng sông và cửa biển chưa được kiềm chế hiệu quả. Tình trạng khai thác rừng trái phép có dấu hiệu lợi ích nhóm, có sự tiếp tay, làm ngơ, buông lỏng của một số cán bộ ở địa phương; xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn, các đối tượng phá rừng, vận chuyển gỗ manh động, chống người thi hành công vụ, kể cả sử dụng vũ khí nóng.
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm diễn ra phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, uy tín, thương hiệu của hàng hóa, thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Những vi phạm phổ biến như: vận chuyển, kinh doanh trái phép các loại gia súc, gia cầm, thủy sản chưa qua kiểm dịch; sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất bị cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm…
Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Lê Quý Vương đã trao huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và nhiều đơn vị có thành thích xuất sắc khác.
(theo PLO)