Hoàng hôn biển Xuân Thành
Biển vào hè
Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hà Tĩnh nhiều bãi tắm đẹp: Xuân Thành (Nghi Xuân), Thạch Hải (Thạch Hà), Kỳ Xuân (Kỳ Anh)… Trong số đó, Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến là một điểm du lịch – tắm biển – nghỉ dưỡng lý thú.
Bãi biển Thiên Cầm |
Cách TP Hà Tĩnh tầm 20 km về phía Đông Nam, bãi tắm Thiên Cầm là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều người dân, đặc biệt, trong những ngày cuối tuần với cái nóng gần chạm đích 40oC. Có người kể, Vua Hùng thứ 13 đi qua đây, nghe tiếng gió, tiếng sóng biển rì rào, tiếng lá thông xào xạc, những âm thanh này hòa vào nhau, dội vào vách núi, vang lên như một bản nhạc du dương, ngỡ như tiên gảy đàn. Nhà vua lệnh cho quần thần leo lên núi thấy giống chiếc đàn tỳ bà nên hạ bút phê ba chữ Thiên Cầm Sơn (Thiên Cầm có nghĩa là đàn trời).
Một truyền thuyết khác cho rằng, sở dĩ có tên gọi này là bắt nguồn từ chuyện Hồ Quý Ly bị quân Minh đuổi, chạy đến đây thì bị bắt nên gọi là Thiên Cầm (nghĩa là trời giữ). Chỉ nguồn gốc của tên gọi bãi biển thôi cũng đã có biết bao điều hấp dẫn. Thiên Cầm không chỉ cuốn hút du khách bởi bãi cát trắng trải dài, bởi màu nước xanh ngọc bích mà còn bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, sự kết hợp tuyệt vời giữa biển – đảo và núi.
Nhắc đến Thiên Cầm, nhiều người nhớ ngay đến Hòn Én – một đảo nhỏ trông như bàn tay che chở cho ngư dân vạn chài tránh khỏi giông tố, bão bùng của biển cả từ bao đời nay. Hết Hòn Én lại đến Hòn Bớc, đều là những đảo gần bờ, du khách có thể tiện đường ghé thăm mà không cần mất nhiều thời gian. Trước khi thả mình thư giãn trong làn nước biển mát lành, du khách có thể tản bộ lên núi Cầm Sơn có độ cao 108m so với mực nước biển để chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh của bãi biển này. Du khách cũng có thể ghé chùa Yên Lạc để chiêm ngưỡng bộ tranh “Thập Điện Diêm Vương” nổi tiếng.
Thiên Cầm đẹp mà không đơn điệu là vậy! Chính bởi những tiềm năng thiên nhiên ban tặng mà Khu du lịch Thiên Cầm đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch thành khu du lịch quốc gia và là một trong 46 khu du lịch quốc gia trọng điểm của cả nước.
Không chỉ Thiên Cầm mà các bãi tắm khác như Thạch Hải, Thạch Bằng, Kỳ Xuân, Xuân Thành… cũng được đầu tư phát triển du lịch. Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, tăng cường quản lý VSATTP… Nguồn nhân lực phục vụ du lịch cũng được đào tạo, bồi dưỡng. Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, giới thiệu du lịch biển được mở rộng. Phát triển du lịch biển, đảo là hướng chiến lược quan trọng trong định hướng phát triển của đất nước. Hà Tĩnh đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng chung và tập trung khai thác hết những tiềm năng còn bỏ ngỏ, coi đây là thế mạnh của địa phương.
“Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”
Xin được mượn lời thơ của thi sĩ Huy Cận trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” để tô rõ hơn niềm vui của bà con ngư dân trong vụ cá bắc năm nay. Kéo dài 6 tháng (từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau), vụ cá bắc năm nay được xem là thắng lớn của ngư dân Hà Tĩnh. Ngay từ đầu năm, các xã ven biển từ Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà cho tới Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đều có “lộc biển” kéo dài đến tận bây giờ. Xã Xuân Hội (Nghi Xuân) có 26 tàu công suất lớn và hàng trăm tàu thuyền nhỏ. Đối với thuyền lớn, trung bình mỗi chuyến đi về thu hơn 50 triệu đồng, cao điểm có thuyền thu được 200-250 triệu đồng.
Biển Xuân Hải (Thạch Bằng – Lộc Hà) |
Không chỉ thuyền lớn, các thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ một ngày đêm cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng. Không khí được mùa cá sôi nổi cũng lan sang các xã khác như Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Thạch Kim (Lộc Hà). Đặc biệt phải kể đến xã Thạch Lạc (Thạch Hà), niềm vui nhân lên gấp bội bởi đây là một trong những địa phương của tỉnh nhờ thắng lớn mùa cá năm nay mà đời sống của bà con được cải thiện đáng kể. Thôn Bắc Lạc có gần 200 tàu thuyền các loại, trong 2 tháng đầu năm đã thu về trên 200 tấn cá, bằng 3/4 sản lượng cả năm 2013.
Đối với Thạch Kim, vụ cá bắc năm nay cũng được xem là được mùa nhất từ trước đến nay. Thạch Kim có hơn 2.000 hộ dân với khoảng 10.000 nhân khẩu. Nhờ có cảng Cửa Sót nên mọi hoạt động giao thương buôn bán trên biển đều rất thuận lợi. Xã có hơn 800 lao động ngư nghiệp với hơn 150 tàu thuyền lớn nhỏ các loại. Sản phẩm của bà con là các loại cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như cá mú, chồi, thu…
Để phát huy hết lợi thế có cảng biển nằm trong địa bàn xã, Thạch Kim xây dựng 6 tổ hợp tác câu khơi. Những tổ hợp tác này đã phát huy hiệu quả trong việc khai thác, tìm ngư trường mới trên biển. Đồng thời, hằng năm, các tổ hợp tác đều họp bàn cùng nhau để sửa chữa, mua sắm thuyền, ngư cụ mới và tìm các ngư trường để khai thác bền vững. Thời điểm này, cũng như nhiều vùng đánh bắt cá trong tỉnh và cả nước, ngư dân Thạch Kim đang bước vào vụ cá nam với nhiều hứa hẹn.
Nhìn những bãi cá trải dài trên cát mới hiểu hết niềm vui của bà con ngư dân. Những xã thuộc vùng bãi ngang bao giờ cũng chịu nhiều khó khăn nhưng với mùa cá năm nay, đời sống bà con ít nhiều đã được cải thiện. Đặc biệt, những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh trong việc cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn đã khuyến khích nhiều địa phương có biển tích cực nâng công suất tàu thuyền để đánh bắt xa bờ.
Phát huy tiềm năng và lợi thế biển
Với chiều dài 137 km, biển Hà Tĩnh là cửa ngõ Vịnh Bắc bộ và có 4 cửa lạch đổ ra biển: cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu. Tổng diện tích các vùng biển là 18.400 km², trải dài qua 30 xã thuộc 5 huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Bên cạnh đó, biển Hà Tĩnh còn được đánh giá cao với nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế và chiến lược QPAN với các cảng nước sâu Sơn Dương, Vũng Áng.
Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm đẹp để phát triển ngành du lịch như Thiên Cầm, Thạch Hải, Xuân Thành. Biển lại nằm trong khu vực nhiệt đới, có tính đa dạng sinh học cao nên thuận lợi cho việc đánh bắt. Vùng ven biển cũng thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích tiềm năng trên 20.000 ha, trong đó diện tích có khả năng nuôi tôm trên cát hơn 4.000 ha.
Đa dạng nguồn khoáng sản cũng là tiềm năng đã và đang được khai thác ở vùng biển Hà Tĩnh. Theo các số liệu nghiên cứu cho thấy, vùng biển Cửa Nhượng có độ sâu 50-65m là khu vực giàu triển vọng về sa khoáng đáy biển ti tan. Tài nguyên mỏ sắt Thạch Khê lớn nhất Đông Dương với trữ lượng 540 triệu tấn, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh còn có cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương. Đây được xem là hạt nhân của Khu kinh tế Vũng Áng. Tiềm năng của cảng Vũng Áng là một cảng nước sâu kín gió. Thêm vào đó, quỹ đất để xây dựng khu vực dịch vụ hậu cảng là một yếu tố “vàng” để phát triển cảng nước sâu. Trong khi đó, Sơn Dương tuy được nhìn nhận là vũng nước sâu nhưng quỹ đất để xây dựng dịch vụ hậu cảng hạn chế hơn. Và để phát triển cảng, cần phải xây dựng đê chắn sóng. Hiện Tập đoàn FORMOSA đã đầu tư gần 10 tỷ USD (giai đoạn 1) để xây dựng khu liên hợp luyện cán thép và cảng nước sâu Sơn Dương với hệ thống kè chắn sóng, cầu cảng, bến cảng, hạ tầng kỹ thuật của nhà máy luyện cán thép, nhà máy nhiệt điện và nhiều công trình khác. Tổng công suất tiềm năng của cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương đạt khoảng 48 triệu tấn hàng hóa/năm.
Hiểu rõ và đánh giá đúng lợi thế của cụm cảng biển là bước đi đầu cần thiết cho công cuộc phát triển lâu dài. Những năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành T.Ư và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, khu kinh tế Vũng Áng đã “thay da, đổi thịt”, tạo thành khu kinh tế động lực, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế vùng ven biển Việt Nam.
Chính nhờ nguồn tiềm năng dồi dào nên việc phát huy lợi thế của một địa phương có biển bằng cách kết hợp phát triển kinh tế biển với QPAN phải trở thành một chiến lược lâu dài, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phan Thế Cải.