Giáo dục

Biên chế hay biến chất?

Vụ việc cô giáo tố Phó Hiệu trưởng gạ "đổi tình lấy biên chế" đang xôn xao trên báo chí khiến dư luận phẫn nộ, bất bình. Một lần nữa "biên chế" lại được xem như một tội đồ.

Năm 2006, một vụ việc được cho là chấn động lúc bấy giờ xảy ra tại một trường báo chí. Một ông Phó trưởng Khoa đã "gạ tình" cô sinh viên với "miếng mồi" là nâng số điểm bài thi.

Đó được cho là vụ "đổi chác" om sòm nhất trong môi trường giáo dục lần đầu tiên tôi biết đến. Những tưởng chỉ là cá biệt nhưng càng về sau những vụ "gạ tình" như thế xảy ra ngày càng nhiều. Sự phẫn nộ của dư luận dường như không làm giảm đi những vụ việc tương tự, thậm chí nó ngày càng tệ hại hơn.

Dư luận chỉ trích và yêu cầu Bộ Giáo dục phải có giải pháp, nhưng rõ ràng ai cũng biết rằng nếu chỉ bằng những văn bản hành chính thì vĩnh viễn không thể ngăn chặn được những ái ố như "gạ tình đổi điểm".

Biên chế chỉ là cái bình phong cho sự biến chất

Mấy bữa nay dư luận lại ồn ào về vụ việc xảy ra ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Một cô giáo đã gật đầu đồng ý vào nhà nghỉ cùng ông Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn với lời hứa sẽ giúp cô vào biên chế.

Vụ việc bị khơi ra đúng vào thời điểm nhạy cảm, bởi cách đây chưa lâu, ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tuyên bố sẽ bỏ biên chế giáo viên, rồi thì đầu vào vào ngành sư phạm "rớt" thảm hại khiến dư luận xã hội lo lắng, bất bình. Việc "đổi tình lấy biên chế" như thanh củi khô ném vào đống lửa đang cháy.

Biên chế là gì? Hấp lực của nó ghê gớm đến mức biến 2 con người được gọi là "thầy" trở thành đốn mạt như thế sao?

Xin lỗi, trong vụ việc này tôi chưa thể nói ai là nạn nhân của ai. Một ông Phó Hiệu trưởng vào nhà nghỉ với cấp dưới, rồi quay "cảnh nóng", dùng để bôi xấu người tình có đốn mạt hay không? Đã quan hệ bất chính với vợ người khác còn nhắn tin cho chồng người ta để tố thì có trơ trẽn, hèn hạ hay không?

Còn người phụ nữ đang được cho là nạn nhân kia, trên bục giảng cô sẽ dạy gì cho học sinh? Chẳng lẽ cô sẽ dạy lũ trẻ sẵn sàng bán rẻ đạo đức, nhân phẩm của mình để đổi, để đoạt lấy cái gọi là "biên chế" ư?

Cô đâu phải là những nữ sinh ngây thơ, non nớt bị kẻ tự xưng là thầy kia mang điểm ra để dụ dỗ, gạ gẫm. Cô hoàn toàn có thể từ chối lời đề nghị "bẩn thỉu" đó thay vì cởi áo lên giường với cấp trên.

Nếu không có sự bất hòa, nếu không có những mâu thuẫn, nếu không vì "cái kim trong bọc" thì liệu rằng mối quan hệ "mèo mả gà đồng" này có được tung hê cho thiên hạ biết? Hẳn nhiên là không bao giờ.

Bản chất của vụ việc này căn nguyên không phải là "biên chế". Biên chế chỉ là cái bình phong cho sự biến chất của những kẻ núp dưới cái danh nhà giáo.

Tôi luôn kính trọng những người thầy và tôi cũng biết rằng những người trăn trở với nghề giáo sống chật vật như thế nào. Tuy nhiên, họ luôn hướng đến sự chính trực, trong sáng chứ không nhem nhuốc như thế này đâu.

Suốt những năm làm báo, về những làng quê chỗ nào tôi cũng nghe râm ran câu chuyện chạy biên chế. Những tiêu cực chạy chọt, sự thiếu công bằng trong thi tuyển là vấn nạn thực tế và không chỉ riêng trong ngành giáo dục. Nhưng vì sao ra nông nỗi ấy?

Xin thưa vì chính những người như cô giáo trong vụ việc ở Đắk Lắk. Những người luôn nghĩ trong đầu phải bỏ tiền, hoặc sẵn sàng đánh đổi để "mua" một suất biên chế khiến định giá về nó trở nên đắt đỏ. Chính cái tham vọng phải có bằng được ấy đã dung dưỡng những kẻ lấy "biên chế" để trục lợi, để đổi chác.

Đừng phàn nàn về biên chế nữa, nó không phải là tội đồ. Chính bản thân chúng ta, xã hội chúng ta đã làm nó bị méo mó, biến dạng.

Tác giả: Biên Thuỳ

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP