Ngày 6/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, đã trả lời câu hỏi về hiện tượng giao dịch đất ngầm không kiểm soát được trên địa bàn huyện Phú Quốc - nơi dự kiến xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho hay, Thanh tra Chính phủ đang triển khai thanh tra theo kế hoạch trên toàn tỉnh, trong đó có Phú Quốc, về quản lý đất đai, khoáng sản... "Ở cấp độ biện pháp quản lý của địa phương, chúng tôi đã công khai quy hoạch và khuyến cáo người dân về các giao dịch không đúng pháp luật. Nội dung này cũng đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội", ông Nghị nói.
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Kiên Giang đã rà soát, kiểm soát các diện tích đất chuyển đổi mục đích sao cho đúng quy hoạch, "không cho phép quy hoạch như thế này mà chuyển sang mục đích khác".
Theo ông Nghị, trên thực tế tình hình đất đai ở Phú Quốc hiện có chuyển biến tốt. Tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo chính thức gửi Thanh tra Chính phủ. "Cơ quan thanh tra đang trong quá trình làm việc, cứ đợi kết thúc, có kết quả thì mọi việc sẽ được công bố rõ ràng, cụ thể", Bí thư Kiên Giang nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: PV |
Lý giải quyết định dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất với các trường hợp phân lô, tách thửa diện tích dưới 500 m2 ở Phú Quốc vừa qua, ông Nghị cho rằng việc này cũng để rà soát trong khi chờ khung pháp lý của luật Đặc khu.
"Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị để khi Luật thông qua thì mô hình đặc khu có thể vận hành được ngay. Hiện chúng tôi đã triển khai một bước chuẩn bị cho quá trình này. Khi nào luật thông qua cụ thể, địa phương sẽ thực hiện", ông Nghị thông tin.
Bên cạnh dự Luật nêu trên, tỉnh còn xây dựng đề án về đặc khu kinh tế phù hợp với tinh thần của dự Luật. Quốc hội quyết ra luật như thế nào, đề án sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện theo. Đề án này sẽ được xem xét thông qua ở kỳ họp sau, chứ không thông qua cùng với dự Luật như dự kiến ban đầu.
Trả lời câu hỏi ngoài cơ chế đất đai, cần thêm đột phá gì để Phú Quốc thành công nếu trở thành đặc khu, ông Nghị cho rằng dự Luật thể hiện rất rõ, quan trọng nhất là chính sách và ở góc độ địa phương, Phú Quốc vẫn phải tiếp tục thu hút nhà đầu tư.
Về nhân sự Trưởng đặc khu, địa phương chờ chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, do vậy trước mắt chỉ rà soát để đánh giá cán bộ của mình "xem ai đảm đương được nhiệm vụ".
Khi được hỏi quan điểm về thời hạn cho thuê đất 99 năm, ông Nghị nói "việc điều chỉnh thời hạn đất Quốc hội chưa quyết, chúng ta nên đợi Quốc hội".
Tháng 4/2018, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về thanh tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Theo đó, trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở huyện Phú Quốc diễn ra phức tạp (chuyển nhượng, san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp), nguy cơ phá vỡ quy hoạch nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Phó thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ bổ sung nội dung trên vào quyết định 106 của cơ quan này theo quy định, đồng thời lưu ý, cần tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp; việc giải quyết tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nông nghiệp được tách. Ông cũng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang kiểm tra và xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại huyện Phú Quốc theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 1/7.
Trước đó ngày 2/4, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quyết định thanh tra số 106.
Tác giả: Anh Minh
Nguồn tin: Báo VnExpress