Mới đây, hình ảnh hơn 40 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh cầm giấy, băng rôn ra trước cổng bệnh viện "cầu cứu" khi bị nợ lương trong thời gian dài khiến dư luận quan tâm.
|
Nhiều cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh cầm băng rôn, giấy ghi chữ yêu cầu trả lương.
Trước sự việc hàng chục nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam) căng băng rôn đòi lương, chiều 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có chỉ đạo về vấn đề này.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động.
Bộ trưởng cũng yêu cầu giải quyết sự việc sớm, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1.
Trước đó, vào chiều 11/1, sau giờ làm việc, hơn 40 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã cầm giấy, băng rôn với khẩu hiệu "Đề nghị trả lương cho chúng tôi… Hãy cứu lấy Blouse trắng" ra trước cổng bệnh viện "cầu cứu" khi bị nợ lương trong thời gian dài.
Trước đó, chị Đặng Thị Thu Hiền (36 tuổi), công tác tại Khoa Nội, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đơn vị thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam phản ánh suốt nửa năm qua chị cùng hơn 160 cán bộ bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện chỉ nhận được 50% số lương. Do vậy, cuộc sống của mọi người vô cùng khó khăn, có người phải bán thêm rau, quả mưu sinh.
|
Chị Hiền đã làm việc tại đây được 12 năm, bình thường hàng tháng chị nhận được 6,6 triệu đồng. Thế nhưng, kể từ tháng 5/2021 tới nay, mỗi tháng chị chỉ nhận được 3,3 triệu đồng.
Chị cho biết, vợ chồng chị có 2 con nhỏ, chỉ với số lương nhận được ít ỏi trên sẽ không đủ duy trì cuộc sống.
Chị Lê Thanh Bình (36 tuổi, công tác tại Phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Tuệ Tĩnh), cho biết 6 tháng qua cán bộ, y bác sĩ tại bệnh viện đã làm đơn phản ứng việc chỉ nhận được 50% lương. Ban giám đốc Bệnh viện cho biết, trong tháng 6, sẽ thanh toán đầy đủ.
Khi thấy không đủ điều kiện tài chính để trả lương đủ 100% cho cán bộ, Ban giám đốc Bệnh viện đã họp với các Tổ trưởng Công đoàn tại bệnh viện Tuệ Tĩnh để đưa ra ý kiến sẽ chỉ trả 50% lương cho cán bộ.
“Thậm chí, dù chỉ còn 50% lương nhưng trong tháng 10 vừa qua, Bệnh viện cũng không trả đúng hạn. Chỉ đến khi cán bộ, nhân viên phản ứng và có ý định ngừng việc tập thể, thì đến ngày 29/10, Bệnh viện mới chi trả lương”, chị Bình chia sẻ.
Các nhân viên, y bác sĩ tại đây đã bị nợ lương suốt 6 tháng qua. |
Vợ chồng chị Bình có 3 con nhỏ, chồng chị làm nghề lái xe công việc cũng ảnh hưởng nhiều tháng nay. Cả gia đình 5 người trông chờ vào đồng lương 4,8 triệu nay giảm xuống một nửa.
“Nhiều đồng nghiệp của tôi phải thuê nhà hay cách bệnh viện mấy chục km khổ hơn. Không thể tin được bệnh viện ngay giữa thủ đô mà lại xảy ra tình trạng này", chị Bình nói.
Cũng trong tình cảnh khốn khổ, chị Lê Thanh Huyền (điều dưỡng của khoa Phụ Sản) nhiều ngày nay phải bán thêm kiếm thêm thu nhập. Chị cho biết, bất đắc dĩ mới phải làm công việc này, với số lương ít ỏi chỉ được 2,3 triệu mỗi tháng như hiện tại, chồng chị không có việc làm, 2 con đang tuổi ăn, học. Mọi chi phí, tiền nhà, tiền điện, tiền sinh hoạt, tiền ăn đều phụ thuộc vào thu nhập của chị.
“Hiện công việc bán rau là nghề chính của gia đình, cũng không biết với tình trạng kéo dài như vậy, gia đình tôi sẽ phải sống như thế nào”, chị Huyền nói.
Chị Lê Thanh Huyền nhiều ngày nay phải bán thêm kiếm thêm thu nhập. (Ảnh: G.K). |
Theo chị Huyền, thời điểm trước khi có dịch bệnh Covid-19, từ năm 2019, sau khi bệnh viện xin cơ chế tự chủ, mọi người đã bị cắt hết thưởng chỉ còn lương.
“Hiện tại, dịch bệnh khiến chúng tôi càng lâm vào bần cùng hơn. Nhiều người còn phải chạy grab và ship hàng, cứ thế long đong, lận đận 6 tháng qua", chị Huyền chia sẻ.
Hàng ngày sau 17h chiều tan ca làm tại bệnh viện, chị Huyền lại ra chỗ bán rau tại phố Phan Đình Giót, quận Hà Đông, Hà Nội. Hàng hóa được chồng chị về quê tại Chương Mỹ từ sáng sớm, lấy của gia đình và một phần của anh em, người thân chở lên. Chị bán đủ thứ mặt hàng để kiếm thêm thu nhập như rau, bưởi, trứng, nem chua, giò...
Ngồi nhẩm tính số tiền phải chi cho một tháng, chị cho biết, mỗi tháng tiền nhà và điện nước đã hết gần 4 triệu, tiền ăn xăng xe và điện thoại khoảng 6 triệu/tháng. Chưa kể tiền học cho 2 con nhỏ,… Nghĩ đến số tiền ấy, chị Huyền lại thở dài.
Tác giả: Tùng Nguyễn
Nguồn tin: saostar.vn