Khi biết tin, Bảo tàng Hà Tĩnh đã tới vận động, giải thích để người dân giao nộp những khẩu thần công. Tuy nhiên, để mang được 3 khẩu thần công triều Nguyễn về phục chế và bảo quản tại Bảo tàng Hà Tĩnh không phải chuyện dễ dàng.
Hơn 2 tuần vật lộn giữa biển sâu
Giữa tháng 8/2003, một chiếc tàu đánh cá xa bờ của ngư dân Quảng Nam – Đà Nẵng, khi đang thả lưới trong vùng biển thuộc ngư trường đảo Mắt, cách Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) khoảng 36 hải lý thì bất ngờ lưới bị mắc vào một vật, không sao di chuyển được.
Dù tìm mọi cách để gỡ lưới khỏi vật cản nhưng bất thành, thuyền viên trên tàu đã thuê những thợ lặn có tiếng ở làng chài xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên để trợ giúp.
Khẩu thần công số 2 sau khi được phục chế. |
Thỏa thuận xong giá cả, những thợ lặn lành nghề Cẩm Lĩnh mang dụng cụ bảo hộ rồi lặn xuống, tìm vị trí nơi chiếc lưới mắc phải.
Tuy nhiên, vừa xuống tới nơi, họ phát hiện chiếc lưới không phải bị mắc vào đá ngầm mà thay vào đó là một con tàu cổ bị đắm.
Biết ý, những thợ lặn này “nháy mắt” với nhau, chỉ gỡ lưới rồi nổi lên, còn thông tin về chiếc tàu đắm họ không hề “hé răng nửa lời”.
Chờ khi tàu đánh cá đã đi xa, nhóm thợ lặn liền trở lại vị trí nơi con tàu đắm mà họ đã xác định trước đó.
Suốt những ngày sau đó, nhóm thợ lặn đã đào bới chỗ con tàu bị đắm để tìm kiếm cổ vật và phát hiện một số cổ vật quý, trong đó có 3 khẩu thần công.
Các hoa văn trang trí trên thân súng đều được nạm bạc rất tinh xảo. |
Tuy nhiên, vì những khẩu thần công này có trọng lượng quá nặng (mỗi khẩu nặng gần 1,3 tấn) lại nằm sâu gần 30 mét dưới đáy biển nên sau hơn 1 tuần loay hoay tìm cách trục vớt, nhóm thợ lặn cũng “bó tay”.
Cực chẳng đã, họ đành hợp tác với một chủ tàu ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) có cần cẩu ra trục vớt súng với phương thức ‘ăn chia cổ vật’.
Dù vậy, con tàu có trọng tải 45 tấn cũng mất mấy ngày mới đưa được ba khẩu thần công lên thuyền. Để trả công cho chủ tàu, các thợ lặn liền giao cho người này một khẩu thần công. Hai khẩu còn lại, họ mang về xã Cẩm Lĩnh.
Suýt bị bán qua Trung Quốc
Kể từ khi đưa những khẩu thần công về làng, người này bảo người kia, thông tin làng chài xã Cẩm Lĩnh trục vớt được thần công đồn xa nên hầu như ngày nào cũng có khách buôn đồ cổ các tỉnh tìm đến hỏi mua.
Gia đình các anh Phạm Tiến Phương và Trần Trọng Thưởng (cùng xã Cẩm Lĩnh), nơi cất giữ “báu vật” không khi nào yên ổn, cả nhà mất ăn mất ngủ vì suốt ngày phải để mắt tới “thần công”.
Có người còn bảo rằng, những khẩu thần công mà nhóm thợ lặn tìm thấy còn đẹp hơn cả những khẩu súng thần công ở cố đô Huế, vì chúng chưa hề sử dụng.
Nhiều người còn đồn đoán rằng, những khẩu thần công “Bảo quốc an dân Đại tướng quân” này được triều Nguyễn đúc để mang tặng cho nhà Thanh nhằm giữ mối bang giao, đang trên đường đi thì thuyền bị đắm.
Vì nằm lâu dưới đáy biển, những khẩu thần công này bị rêu mốc bám nhiều. |
Còn khẩu thần công mà chủ thuyền người Thạch Kim được trả công, sau khi đưa về nhà, vị chủ thuyền này đã mang bán cho dân buôn đồ cổ mang sang Trung Quốc tiêu thụ.
Tuy nhiên, khi đang vận chuyển khẩu thần công tới địa phận thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) thì bị cơ quan công an phát hiện và thu giữ. Sau đó, công an Can Lộc đã nhanh chóng báo cho Bảo tàng Hà Tĩnh về tung tích của những khẩu thần công.
Qua thông tin từ vị chủ thuyền người Thạch Kim cung cấp, Bảo tàng Hà Tĩnh đã tìm tới nhà những thợ lặn ở xã Cẩm Lĩnh để vận động, khuyến khích người dân giao nộp các khẩu còn lại.
“Khi chúng tôi tìm tới gia đình các thợ lặn thì 2 khẩu thần công đang được bảo quản tại…vườn rau của gia đình họ. Tuy nhiên, họ nhất quyết không chịu giao lại “báu vật” trục vớt được dưới biển sâu.
Phải mất rất nhiều ngày thương lượng, các gia đình này mới đồng ý trao trả súng thần công nhưng đòi 40 triệu đồng, gọi là chi phí mà nhóm thợ lặn đã bỏ công để đưa những khẩu thần công lên bờ”, ông Lê Bá Hạnh, PGĐ Bảo tàng Hà Tĩnh kể.
Ông Hạnh cũng cho hay, mặc dù bị chìm dưới đáy đại dương gần 200 năm nhưng nó vẫn còn giữ được sự nguyên vẹn, kể cả những họa tiết nhỏ nhất trên thân súng. Bao quanh thân súng là những vòng bạc được chạm khắc rất tinh xảo.
Tuy vậy, vì nằm dưới biển quá lâu, những khẩu thần công “Bảo quốc An dân Đại tướng quân” đã bị rêu mốc, hàu bám xung quanh. Quá trình phục chế và bảo quản những khẩu thần công này cũng mất rất nhiều thời gian, công sức.
Văn Đức – Duy Quangư