UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đề án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030 tâm nhìn 2050.UBND TP đề nghị 2 Bộ nghiên cứu, cho ý kiến thống nhất làm cơ sở để UBND TP báo cáo thông qua HĐND TP phê duyệt triển khai thực hiện.
Trong đề nêu rõ các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn TP được bố trí tại khu các trục đường hướng tâm giao với vành đai 4; bố trí kết hợp các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng, gắn với các nhà ga các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô…
Các bến xe khách liên tỉnh quy hoạch gồm 7 bến phục vụ khu vực trung tâm gồm các bến: Nội Bài, Đông Anh, Cổ Bi, bến phía Nam, Yên Nghĩa, phía Tây, Phùng.
Tuyến đường cửa ngõ phía Nam Hà Nội thường xuyên bị ùn tắc kéo dài |
Ngoài ra, trong quy hoạch Hà Nội vẫn cho xây dựng thêm bến xe Yên Sở tại vị trí giáp vành đai 3 thuộc địa phận phường Yên Sở (Hoàng Mai) với diện tích khoảng hơn 3 ha trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến quy hoạch xây dựng mới.
Về phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2018 -2025, TP dự kiến xây dựng 5 bến xe gồm các bến: Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài, bến phía Nam và bến Sơn Tây. Như vậy, bến xe Yên Sở không có kế hoạch đầu tư trong giai đoạn này.
Trong giải trình gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 20/8 vừa qua, UBND TP Hà Nội cho biết, bến xe Yên Sở được quy hoạch là bến xe khách liên tỉnh trung hạn, trong giai đoạn trước mắt, bến xe này sẽ tiếp nhận xe khách từ bến Giáp Bát và để giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1A hiện nay.
Về lâu dài, khi hoàn thành bến xe khách phía Nam ở khu vực Ngọc Hồi - vành đai 4 thì bến xe Yên Sở và bến xe Nước Ngầm sẽ được chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển xe buýt và bãi đỗ xe.
Xây bến Yên Sở lãng phí
Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc cho xây bến xe Yên Sở ngay vành đai 3 là đi ngược lại chủ trương di dời bến xe ra ngoài vành đai 4 của thành phố và không giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông khu vực nội đô.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội băn khoăn với việc Hà Nội cho xây bến xe ngay vành đai 3 trong khi TP đang có kế hoạch chuyển các bến xe sát vành đai 3 ra vành đai 4. Hơn nữa, vì trí xây bến xe Yên Sở nằm sát đường vành đai 3, sát khu dân cư vốn thường xuyên ùn tắc, vì thế nếu “nhét” thêm bến xe sát đường gom vành đai 3 chỉ khiến khiến cho giao thông khu vực này trở nên phức tạp hơn.
Việc Hà Nội "nhồi" thêm một bến xe vào sát đường vành đai 3 khiến nhiều người lo lắng tình trạng ùn tắc nghiêm trọng hơn |
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Phát triển bền vững cho rằng, bến xe Yên Sở được cơ quan quản lý nhà đầu tư thông báo có quy mô hiện đại nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư hàng 100 tỷ đồng nhưng theo quy hoạch chỉ là bến xe Trung hạn (2018 -2025).
Và nếu tiến độ đầu tư các bến xe quy hoạch mới hoàn thành trong khoảng thời gian 2018-2025 việc di chuyến các bến xe phía Nam ra vành đai 4 phải thực hiện thì việc đầu tư bến xe khách Yên Sở sẽ lãng phí.
Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nói thêm, bến xe Yên Sở với vai trò là bến xe tạm, có thời gian hoạt động ngắn nhưng lại được xây dựng với quy mô bến xe hiện đại nhất cả nước điều này không chỉ gây lãng phí về đầu tư mà còn gây lãng phí quỹ đất.
Thiếu công khai minh bạch
Trong báo cáo giải trình Thủ tướng hôm 20/8 vừa qua, UBND TP Hà Nội khẳng định dự án bến xe Yên Sở chỉ đang giải phóng mặt bằng, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, UBND thành phố sẽ làm thủ tục cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và chính sách phát triển bền vững kiến nghị Hà Nội cần làm rõ tính pháp lý của dự án. Bởi đồ án quy hoạch bến xe Hà Nội chưa trình HĐND phê duyệt song dự án xây dựng bến xe đã được phê duyệt, chủ đầu tư đã thi công lấp hồ, san lấp mặt bằng và ép cọc móng công trình.
Hơn nữa, quy hoạch bến xe, bãi đỗ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030 xác định Yên Sở là bến xe khách liên tỉnh trung hạn, tuy nhiên, dự án được cấp phép hoạt động 50 năm là chưa hợp lý.
Cũng theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và phát triển bền vững, dự án Bến xe Yên Sở thuộc trường hợp phải đấu thầu chọn nhà đầu tư nhưng lại được chỉ định thầu cho Công ty CP Bến xe Thanh Trì. Trong 3,4 ha đất được thành phố giao cho doanh nghiệp có 0,9 ha thuộc Bến xe tải Thanh Trì cũ phải được đấu giá nhưng nay lại chỉ định thầu mà không qua đấu giá.
Điều đáng nói công ty này mới được thành lập được 20 ngày (Công ty CP bến xe Thanh Trì được thành lập ngày 12/7/2016, đến ngày 2/8/2016 sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo TP cho nhà đầu tư nghiên cứu đu tư xây dựng bến xe khach Thanh Trì), chưa có kinh nghiệm trong quản lý bến xe nhưng lại được TP chỉ định đầu tư dự án hơn 3ha đất vàng trong khoảng thời gian thần tốc.
“Việc xây dựng bến xe Yên Sở cần được nhận định lại về tính hợp lý của dự án, nếu không phù hợp thì nên điều chỉnh hoặc hủy bỏ”, văn bản kiến nghị nêu.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí