Khi các cấp chính quyền đang loay hoay tìm phương án giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động của Ban quản lý Bến xe Hà Tĩnh thì nhiều người đặt ra câu hỏi: Những bến xe khách tiền tỷ gây lãng phí trên địa bàn tồn tại đến bao giờ?
Bến xe Hồng Lĩnh trong tình trạng đìu hiu, hoạt động cầm chừng… |
Đìu hiu bến xe tuyến huyện
Số liệu từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Tĩnh cho thấy, theo quy hoạch được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 18 bến xe các loại. Hiện đã có 10 bến xe được đầu tư xây dựng nhưng mới có 8 bến hoạt động. Giai đoạn 2011 - 2017, Hà Tĩnh đầu tư xây dựng 4 bến xe đúng vị trí, bảo đảm diện tích quy hoạch với tổng mức đầu tư gần 92 tỷ đồng. Mặc dù đã được xây dựng với số tiền đầu tư khá lớn nhưng hiệu quả hoạt động tại các bến xe còn thấp.
Bến xe huyện Cẩm Xuyên được đầu tư xây dựng năm 2014 với diện tích 5.000m2, có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng. Sau thời gian triển khai thi công, đến năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương giải thể Ban Quản lý Bến xe Hà Tĩnh (Chủ đầu tư dự án). Vì vậy, dự án xây dựng bến xe huyện Cẩm Xuyên cũng bị tạm dừng từ năm 2015.
Khi có quyết định dừng thi công, các đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành khối lượng các hạng mục hạ tầng đầu tư trong giai đoạn 1, với tổng số tiền giải ngân hơn 10 tỷ đồng. Chỉ cần hoàn thành thủ tục đấu nối với Quốc lộ 1A, công trình này có thể đưa vào sử dụng giai đoạn 1 nhưng do chưa xây dựng được phương án chuyển đổi, kết nối với nhà đầu tư mới nên từ năm 2015 đến nay, các hạng mục công trình của dự án bị bỏ hoang.
Được kỳ vọng là cửa ngõ đón khách phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh với hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày, Bến xe thị xã Hồng Lĩnh được xây dựng năm 2010 trên khu đất rộng 15.000m2, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 6 tỷ đồng, bao gồm hệ thống sân bãi rộng, phòng vé, khu vực nhà chờ khang trang.
Tuy vậy, từ khi đi vào hoạt động đến nay, bến xe Hồng Lĩnh luôn trong cảnh vắng khách. Một số hạng mục công trình hư hỏng, xuống cấp, cỏ cây mọc um tùm.
Ông Nguyễn Xuân Tứ, Quản lý bến xe khách Hồng Lĩnh cho biết, hiện các xe khách trên địa bàn Hà Tĩnh đều có nhiều điểm bán vé riêng, khách khi đón xe cũng chỉ chờ ở điểm bán vé chứ không vào bến mua vé; các phương tiện đón và trả khách dọc đường. Ngoài ra, sau khi Hà Tĩnh có các tuyến xe bus ra đời, lượng xe chạy tuyến cố định và liên tỉnh liền kề như Vinh – Hà Tĩnh hầu hết ngừng hoạt động, dẫn đến lượng xe ra - vào các bến giảm rõ rệt. Điều đó khiến hoạt động của các bến xe gặp nhiều khó khăn.
|
Loay hoay tìm phương án
Ông Nguyễn Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho biết: Với số tiền đầu tư lớn, công trình Bến xe huyện được xây dựng tại trung tâm đô thị Cẩm Xuyên, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị tỉnh có phương án xử lý phù hợp nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Năm 2015, Hà Tĩnh có chủ trương thực hiện xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý bến xe nhằm duy trì hoạt động của các bến xe trên địa bàn. Tuy vậy, lộ trình chuyển đổi đó đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Tĩnh cho biết, năm 2015, sau khi có thông báo của UBND tỉnh về chuyển đổi mô hình quản lý và chuẩn bị đưa bến xe Hà Tĩnh mới vào khai thác, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai thủ tục chuyển giao nhiệm vụ và một phần lao động của bến xe thành phố Hà Tĩnh về làm việc tại Công ty cổ phần Bến xe Hà Tĩnh. Đối với các bến xe còn lại, trên cơ sở ý kiến của các ngành liên quan, Sở GTVT đã đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho cổ phần hóa Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh, có sự tham gia của Công ty cổ phần Bến xe Hà Tĩnh với vai trò là nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, phương án này không thành công do Công ty cổ phần Bến xe Hà Tĩnh không đồng ý.
Khi phương án sáp nhập Công ty cổ phần Bến xe Hà Tĩnh và Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh không thành thì mọi hoạt động điều hành, quản lý tại 8 bến xe khách trước đây được phân chia lại.
Theo đó, Bến xe Hà Tĩnh sau khi được đầu tư mới đã chuyển giao cho Công ty cổ phần Bến xe Hà Tĩnh quản lý, vận hành; các bến xe còn lại được giao cho Ban Quản lý bến xe khách Hà Tĩnh điều hành, quản lý.
Được biết, trước đây, tất cả các bến xe trên địa bàn đều do Ban Quản lý bến xe khách Hà Tĩnh điều hành, quản lý, trong đó doanh thu từ Bến xe thành phố Hà Tĩnh chiếm 70% nguồn thu của đơn vị. Nay, Bến xe thành phố Hà Tĩnh đổi tên thành Bến xe Hà Tĩnh, được xây mới, chuyển giao cho đơn vị khác quản lý, vận hành. Vì vậy, nguồn thu từ các bến xe còn lại chỉ bằng 28% so với trước đây, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn kinh phí để duy trì hoạt động và không có khả năng tái đầu tư.
Năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định phê duyệt phương án giải thể Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh. Đồng thời, giao cho các đơn vị liên quan tiến hành kiểm kê tài sản, thực hiện bán đấu giá 7 bến xe khách do Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh quản lý.
Việc ra quyết định giải thể Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh trong khi đơn vị liên tục hoàn thành nhiệm vụ, tự chủ được toàn bộ kinh phí hoạt động là không phù hợp với quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì vậy, Sở GTVT Hà Tĩnh đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh cho kiện toàn lại Ban quản lý bến xe và tiếp tục thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang loại hình công ty cổ phần nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, vận hành loại hình kinh doanh đặc thù này.
Các bến xe được đầu tư xây dựng nhưng hiệu quả chưa xứng tầm, nhiều người cho rằng, quá trình xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lý tại Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh chưa phù hợp, thiếu tính khả thi. Đồng thời, việc triển khai quyết định phê duyệt phương án chậm và có nhiều vướng mắc, chưa lường hết khó khăn trong việc giải quyết chế độ cho người lao động…
Tác giả: Hà Nguyên
Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn