Địa Chí Hà Tĩnh

Bến phà Địa Lợi

Bến phà Địa Lợi vốn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, vào thời điểm đó mặt phà xây dựng và lát thủ công bằng gỗ lim, trụ dưới chống bằng một loại cây Chạng Phày (cây tre hóp). Sau Cách mạng Tháng Tám, bến phà do Ty Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp quản lý.


Khoảng từ năm 1965 – 1966, bến phà Địa Lợi được chuyển sang cho đơn vị C8, Binh đoàn 559, thuộc Bộ đội Trường Sơn trực tiếp quản lý để phục vụ nhiệm vụ kháng chiến mới. Lúc này phà được làm lại bằng cầu phao, bên dưới được đỡ bằng thùng phao, phía trên lát gỗ với hơn 10 nhịp, chiều dài toàn cầu từ bờ Bắc sang bờ Nam khoảng 450 – 500m, rộng hơn 4m.


Bến phà Địa Lợi nằm trên tuyến đường mòn Trường Sơn nối liền từ Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao máu lửa để vào chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Chính vì lẽ đó, ngay từ khi bắt đầu kế hoạch leo thang đánh phá ác liệt ra miền Bắc, không lực Hoa Kỳ đã quyết tâm biến phà Địa Lợi thành “túi đựng bom”, “chảo bom”, “tọa độ lửa”… Từ năm 1965 cho đến 1972, Mỹ đã ném xuống nơi đây hàng chục ngàn tấn bom từ trường, bom nổ chậm, bom cắt, rocket, bom bi các loại.


Để đảm bảo an toàn, thông suốt cho tuyến đường huyết mạch, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, bộ đội công binh, thanh niên xung phong Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, dân quân tự vệ, công an và nhân dân huyện Hương Khê đã được huy động về đây bảo vệ phà Địa Lợi. Ban ngày để tránh bị lộ, phà Địa Lợi được quân ta đem đi cất giấu ở nơi bí mật, ban đêm phà lại được đưa trở về địa điểm cũ để nối nhịp cho xe và hàng qua sông. Vào thời điểm đó, đêm cao nhất có từ 150 đến 500 – 700 xe các loại của ta qua phà an toàn.


Dẫn chúng tôi về thăm lại phà Địa Lợi cũ, người anh hùng chiến sĩ “4 nhất” Hồ Văn Minh, năm nay 80 tuổi, ở xóm 9, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, là nhân chứng sống hiếm hoi của những năm tháng chiến đấu, bảo vệ phà Địa Lợi, cũng là người đã trực tiếp rà phá 280 quả bom và bắt sống một viên phi công Mỹ tại phà, bồi hồi xúc động: “Những năm tháng trong chiến tranh, cùng với bến phà Long Đại (tỉnh Quảng Bình), phà Địa Lợi (tỉnh Hà Tĩnh)… đã trở thành huyền thoại. Chính tại nơi đây bom đạn của Mỹ cày xới một cách khủng khiếp nhất, nhiều chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân của ta đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ cho phà, cho xe và hàng ra tiền tuyến an toàn nhất…”.


Cuối năm 1972, phà Địa Lợi được Ty Giao thông Vận tải Hà Tĩnh chuyển đến một địa điểm khác, sau đó bắc một chiếc cầu treo tạm thay thế phà tại đây. Đến khoảng cuối năm 1975, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng một chiếc cầu bằng bê tông đặt tên cầu Địa Lợi, với chiều dài 159,6m, tại Km 409+662 trên quốc lộ 15A, nằm cách vị trí bến phà Địa Lợi cũ khoảng 3,5km xuôi về phía hạ lưu dòng sông Ngàn Sâu.


Phà Địa Lợi hôm nay không còn nữa, hai bên bờ Bắc và Nam Địa Lợi bao vết thương tích ứa máu do bom đạn cũng đã lành lặn. Những hàng cây rừng, cây ngô đồng, khóm tre, cỏ hoa, lau lách um tùm, xanh ngắt đang đua nhau mọc lấn dần ra tận bến sông… Và năm nào cũng vậy, cứ tới ngày 27-7, 30-4, 2-9, ngày tết, các đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong khi trở về thăm lại chiến trường xưa, lại đến đây với niềm mong ước xây dựng tại bến phà này một tấm bia dẫn tích hoặc một ngôi đền, miếu tưởng niệm vừa để ghi lại sự kiện lịch sử oanh liệt của bến phà, vừa để tưởng nhớ đến những đồng đội của mình đã mãi mãi nằm lại cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, đến nay tâm nguyện ấy vẫn chưa trở thành hiện thực…


Dương Quang

SGGP

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP