Hát sắc bùa là cách chúc tết độc đáo, thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới. Đây một nét văn hóa cổ truyền đặc sắc cần được lưu giữ, bảo tồn. Trải qua bao thăng trầm, câu lạc bộ sắc bùa xã Kỳ Hải đến nay còn lưu giữ được là nhờ những con người biết trân trọng vốn quý của làng quê…
Hát sắc bùa là một hình thức ca múa nhạc dân gian từ lâu đã trở thành tục lệ sinh hoạt văn hoá ở nhiều làng, nhiều xóm của huyện Kỳ Anh. Đây là loại hình văn nghệ dân gian phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân trong dịp tết Nguyên đán. Sắc bùa là một loại hình nghệ thuật mang nhiều yếu tố tâm linh, nhưng mục đích mà loại hình nghệ thuật này hướng đến vẫn là cầu cho vật thịnh người lành, cuộc sống an vui hạnh phúc.Về Kỳ Hải – một vùng quê có truyền thống hát sắc bùa với nhiều phường “sắc bùa” nổi tiếng, trong những ngày giáp tết này, tôi có dịp được tham gia buổi tập luyện của các thành viên câu lạc bộ sắc bùa xã để chuẩn bị phục vụ cho bà con nhân dân trong những ngày tết Nhâm Thìn sắp tới. Được biết câu lạc bộ hát múa sắc bùa có 15 thành viên gồm cả nam và nữ trong đó có 7 người hát và 8 người múa hầu hết là các cụ lão niên và trung niên. Trong đội, có một người hát chính gọi là cái kể, những người còn lại hát phụ gọi là con xô. Cái kể hát “trịch” trước, mỗi người trong đội hát một câu so le, câu kết cả đội cùng hát gọi là hát sắc, họ đều thuộc các bài hát “chúc”, biết “lộn”(múa). Những người còn lại vừa hát vừa sử dụng một trong các nhạc cụ là: coòng, thanh la, hai thanh tiền, trống “tầm vinh” (hay trống cơm) và trống con. Họ mặc quần trắng, áo dài đỏ, vàng hoặc xanh , đầu vấn khăn hoặc để trần, thắt dải lưng điều hay hoa lý. Trước kia phường “Sắc bùa” ở Kỳ Anh nói chung và xã Kỳ Hải nói riêng khi vào hát chúc cũng dán “bùa” yểm trấn lên cửa. Về sau có người đi lẻ hoặc đi cùng phường “Sắc bùa” đốt pháo dùng để “mở hàng”. Các điệu hát “sắc bùa” không khó, ai cũng có thể hát được nhưng phường “sắc bùa” lại là một tổ chức chuyên nghiệp gồm những người hát hay, múa giỏi. Tham gia buổi tập luyện, tôi có dịp trò chuyện với ông Hoàng Xuân Tùng, năm nay đã 75 tuổi, là một nghệ nhân hát sắc bùa nổi tiếng ở xã. Sinh ra và lớn lên từ làng quê có truyền thống văn hoá lâu đời nên những điệu múa, những câu hát dân gian ở chính nơi đây đã thấm sâu vào máu thịt của ông. Ông Tùng kể: “Hồi còn nhỏ tôi đã từng theo gánh hát của xã để xem, sau đó thấy thích rồi theo đàn anh học hát và đi biểu diễn các điểm trong xã. Không biết từ bao giờ, những âm thanh, điệu hát này đã khắc sâu vào tâm trí tôi”. Nói xong ông liền hát một đoạn trong nhịp gõ của sanh cái, giọng hát khi khoan thai, khi dồn dập, khi trầm, khi bổng… Tiếng sanh cái của ông như làm sống lại điệu hát sắc bùa tưởng chừng bị quên lãng. Để duy trì phường “Sắc bùa” của xã, ông đã luôn miệt mài sưu tầm, sáng tác các làn điệu và các “bài tủ” với nhiều nội dung phong phú để phục vụ cho các dịp lễ, tết, mừng đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, các lễ hội, mùa vụ, các cuộc liên hoan, hội nghị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của xã, của huyện. Mặc dù gặp nhiều khó khăn vì sắc bùa bị quên lãng suốt một thời gian dài, nhưng ông Tùng không nản vì Ông tâm niệm: “Nói đến hát sắc bùa là nói đến những lời ca chúc tết đằm thắm, những bài ca về đạo lý làm người, về gia phong của gia đình, về nền nếp của thôn xóm. Sắc bùa sẽ giúp người dân mình duy trì được nếp sống từ bao đời nay”. Theo ông, hát sắc bùa cũng có nhiều “trường đoạn”, trình tự mỗi bài hát múa cũng được chuẩn bị hết sức kỳ công. Khi đội sắc bùa đến ngõ, ông cái xướng lên (gọi là phần trịch): “Đầu xuân năm mới, trai chúng tôi đến mừng tuổi gia đình/ Trên kính lạy tiên tổ, tiên linh phù hộ độ trì cho con cháu được an khang thịnh vượng/ Sang năm mới kính chúc gia đình gặp nhiều may mắn/ Cầu tài thì đắc lộc, cầu bình an thì được bình an/ Các thành viên trong đội họa theo (phần sắc): “Đón xuân đón tết 2/ Xóm làng nô nức gia đình thành tâm 2”. Sau bài mở ngõ và bài vào xuân, chủ nhà mời đội sắc bùa vào làm lễ nơi bàn thờ tổ tiên, ông cái khấn vái và xin phép tổ tiên gia chủ, hai tay nâng lấy lá bùa dán lên cột nhà. Lá bùa có nội dung kính chúc chủ gia bách niên giai lão, kính chúc chủ gia thần nông hộ vận hay thần ngư phù trợ thì đây đã là nền nếp quen thuộc của làng quê. Trong hát sắc bùa, phần hát chúc gia chủ phát đạt với nghề đang theo là nội dung không thể thiếu. Đến nhà gia đình làm nông, ông cái xướng bài chúc nhà nông. Đến nhà làm nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, ông cái xướng bài chúc nghề dệt lụa. Hai phần trong nội dung của bài chúc, gồm sự khái lược về lịch sử của làng nghề, và những lời chúc tụng khi mùa xuân về không chỉ là sự khơi dậy chiều sâu lịch sử của làng quê mà còn là niềm tin để người dân phấn đấu góp phần làm đẹp thêm quê hương.
Chính vì sự kiên tâm với hát múa sắc bùa, ông đã làm sống lại nhiều điệu hát sắc bùa cho thôn Nam Hải 1 nói riêng và xã Kỳ Hải nói chung. Ông Tùng cho biết, phường sắc bùa của thôn Nam Hải 1 hiện nay có 7 thành viên đều là các vị lão niên, đội sinh hoạt thường xuyên ở thôn, ngoài ra còn phục vụ ở các xã trong và ngoài huyện trong các dịp liên hoan, hội nghị. Câu lạc bộ sắc bùa của các lão niên thôn Nam Hải 1 cũng đã từng được mời đi biểu diễn dự thi hội diễn văn nghệ quần chúng tại thành phố Huế và thủ đô Hà Nội, tiết mục múa hát sắc bùa của các cụ được đánh giá cao, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả và giải nhì toàn quốc là phần thưởng xứng đáng dành cho các cụ. Đến nay, ngoài phường sắc bùa của các cụ lão niên thì còn có thêm đội sắc bùa của phụ nữ và của các cháu thiếu nhi gồm các em nam trong độ tuổi từ 10 đến 12 tuổi, trong những ngày giáp tết này, còn có thêm các em học sinh THPT cũng tham gia tập luyện. Đội múa hát sắc bùa của các em thiếu nhi do chính ông Tùng thành lập, truyền dạy, hướng dẫn luyện tập để biểu diễn phục vụ bà con nhân dân trong dịp tết, theo thông lệ: từ lúc giao thừa đến ngày mồng một tết các em sẽ đến nhà từng hộ dân trong thôn và các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trong toàn xã để hát chúc mừng năm mới. Nghệ nhân Hoàng Tùng cho biết thêm: Ngoài đội sắc bùa của các em thiếu nhi phục vụ trong đêm 30, ngày mồng một tết, thì từ ngày mồng bốn tết, đội sắc bùa của các chị em phụ nữ sẽ biểu diễn phục vụ trong buổi lễ mừng thọ cho các cụ gia ở thôn và trong xã. Trong ngày rằm tháng giêng, đội sắc bùa của các cụ lão niên thay mặt hội người cao tuổi sẽ đi đến các nhà thờ họ để hát chúc tụng. Gần đây, tại thôn Trung Hải (xã Kỳ Hải), một đội hát múa sắc bùa cũng đã được thành lập với 8 thành viên đều là các cụ lão niên và đội đã ra mắt bằng một số buổi biểu diễn ở thôn. Đây là một tín hiệu phấn khởi trong công tác lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hoá nói chung, hát múa sắc bùa nói riêng của xã Kỳ Hải và cả huyện Kỳ Anh trong thời gian tới.
Đội sắc bùa học sinh biểu diễn ra mắt trong Dự án khôi phục hát sắc bùa
Đã có một thời gian những điệu hát sắc bùa bị đẩy lùi vào quá khứ bởi những dòng nhạc hiện đại nhưng trong những năm gần đây, hát sắc bùa đã sống lại cùng với những lễ hội ở các thôn xóm và các xã của huyện Kỳ Anh. Một mùa xuân nữa sắp đến, trên khắp các thôn, xóm của xã Kỳ Hải, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng trống, tiếng thanh la, thanh tiền của các đội hát sắc bùa đang hăng say tập luyện những làn điệu chúc tết mới cho kỳ đến hẹn. Theo anh Nguyễn Văn Đuệ, cán bộ VH-XH cho biết : Chính quyền xã rất tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy điệu hát độc đáo của quê hương. Một số thanh niên trẻ cũng đã được truyền lại “bí quyết” hát sắc bùa. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng của chính quyền địa phương nhằm khôi phục lại loại hình văn hóa độc đáo này thì công tác lưu giữ, bảo tồn cũng đang gặp một số vấn đề khó khăn, nhất là khi lực lượng nghệ nhân chỉ còn một vài người nhưng đa phần đều đã cao tuổi hơn nữa đa phần thanh niên ngày nay cũng không quan tâm lắm đến thể loại hát sắc bùa”.
Nghệ nhân Hoàng Xuân Tùng cùng đội Sắc bùa biểu diễn tại một buổi giao lưuNghệ nhân Hoàng Xuân Tùng (phải) người có công đóng góp trong việc khôi phục, lưu giữnghệ thuật múa hát Sắc bùa và tác giả bài viết
Trong những ngày xuân về tết đến, những nghệ nhân dân gian ở độ tuổi thất thập, bát thập như ông Tùng, ông Nhân như chợt trẻ lại cùng điệu hát quê hương. Cứ nhìn các ông hăng hái và hết mình trong những giai điệu bài hát mới thấy thật trân trọng và cũng thật cảm phục cho tấm lòng của những người hết lòng vì văn hóa của làng quê mình. Có lẽ những điệu hát múa sắc bùa dân gian của xã Kỳ Hải vẫn còn đang được lưu giữ với những người tâm huyết như ông Tùng, ông Nhân là điều may mắn cho một làng quê. Nhưng thế hệ của các nghệ nhân ở đây đã quá già, liệu sau này ai sẽ còn tiếp tục nối nghiệp họ với loại hình hát sắc bùa này nữa…!?
Tác giả bài viết: Hồ Minh Hằng -Ban tuyên giáo Kỳ Anh
Kỳ Anh