Kinh tế

“Bệ phóng” cho trái cây Việt xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp trái vú sữa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đây cũng là khoảng thời gian trái xoài Việt Nam chính thức có hiệu lực được nhập vào thị trường đầy tiềm năng này. Việc nhiều loại trái cây đặc sản thâm nhập vào thị trường Mỹ đã mở ra bức tranh tươi sáng cho mục tiêu tăng trưởng của ngành rau quả.

Trái dừa Việt Nam xuất khẩu với chất lượng và giá trị ổn định tại các thị trường khó tính trong đó có Mỹ.

Trái cây đặc sản Việt Nam thâm nhập mạnh và ổn định vào thị trường Mỹ

Sau 10 năm cố gắng đàm phán, từ cuối năm 2017 những lô vú sữa đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ. Hiện nay Việt Nam vẫn đang đầu tư mạnh vào loại trái cây đặc sản này để tiếp tục giữ vững cũng như mở rộng xuất khẩu sang thị trường nhiều tiềm năng này.

Đại diện CTCP XNK Vina T&T cho biết từ cuối năm 2017 đã xuất được những lô hàng đầu tiên là vú sữa vào Mỹ và tín hiệu phản hồi từ thị trường này là rất tích cực. Theo đó, việc được Mỹ nhập khẩu đã mở ra hướng đi mới cho người trồng vú sữa. Mỗi kg vú sữa trồng theo quy trình GAP có giá bán trong nước dao động từ 25.000-30.000 đồng. Mức giá này sẽ tăng lên 2-3 lần khi vào thị trường Mỹ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc CTCP XNK Vina T&T chia sẻ, “Từ 26/12/2017 đã xuất được đơn hàng vú sữa đầu tiên vào Hoa Kỳ. Hiện nay mỗi tuần công ty cũng đang xuất được 20 container (mỗi container 800kg) vào thị trường Mỹ. Tôi bất ngờ vì trái vú sữa bán với giá rất cao và sự kỳ vọng vào thị trường này là rất lớn”.

Ông Tùng cho biết thêm, ngoài vú sữa hiện nay doanh nghiệp này còn xuất khẩu mỗi tuần từ 60.000-80.000 trái dừa sang Mỹ với mức giá gấp nhiều lần so với trong nước.

Năm 2018 là năm thứ hai trái vú sữa Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, diện tích trồng cây vú sữa đạt khoảng 5.000ha trong đó trồng nhiều nhất là Tiền Giang (3.100ha), Cần Thơ (1.200ha), năng suất đạt khoảng 18-22 tấn/ha. Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu được 43 tấn trong tổng nguồn nguyên liệu dự kiến đạt 400 tấn được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ đầu tháng 12/2018 đến nay, 276 nông dân ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành tham gia chương trình sản xuất vú sữa xuất khẩu sang Mỹ bước vào cao điểm thu hoạch rộ khoảng 103ha đã được ngành chuyên môn thẩm định và cấp mã code vùng trồng truy nguyên nguồn gốc.

Theo công bố của Cơ quan Kiểm dịch sức khỏe động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, giấy phép cho trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã có hiệu lực từ ngày 29/12/2017. Do có tâm thế chuẩn bị trước, ngay sau công bố này, những lô xoài Việt đầu tiên đã có mặt trên đất Mỹ, nhất là các loại xoài đặc sản như: Cát Hòa Lộc, xoài Cát chu, xoài Cao Lãnh…

Ông Lê Hoàng Yên, Hội viên Hợp tác xã (HTX) xoài Cao Lãnh chia sẻ: HTX xoài Cao Lãnh ngay sau khi được Mỹ cho phép nhập khẩu đã cho nhập thử 1 tấn xoài với giá cao gấp từ 3-5 lần so với trong nước. Hiện HTX này đợi xin giấy chứng nhận để sắp tới tiếp tục xuất vào thị trường này. “Hợp đồng với doanh nghiệp nhập hàng vào Mỹ, xoài phải bóng láng, đủ 260g trở lên còn loại nhì người ta không mua. Không được xịt bất cứ thuốc gì trước khi hái 25-30 ngày”, ông Yên nói.

Trước đó Việt Nam cũng đã thành công trong việc đưa trái thanh long Bình Thuận và nhãn lồng Hưng Yên vào thị trường Mỹ và xuất khẩu ổn định đến nay.

Đặc sản “vú sữa Việt Nam” đã đến tay người tiêu dùng ở thị trường Mỹ sau hơn 10 năm đàm phán.

Làm gì để chinh phục lâu dài

Thâm nhập được vào thị trường Mỹ là tín hiệu đáng mừng cho các loại trái cây đặc sản Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, sau quá trình thâm nhập là định hướng biện pháp chinh phục lâu dài cho trái cây đặc sản tại thị trường khó tính như Mỹ. Vì thế người nông dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành cần có những biện pháp trước mắt và lâu dài trong xây dựng chất lượng cũng như bảo đảm ổn định về số lượng sản phẩm để cung ứng theo yêu cầu của các thị trường này.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam, chỉ cần đáp ứng các yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu về chất lượng, hình dáng sản phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy cách đóng gói… là có thể tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật… Ví dụ “Chỉ cần đáp ứng điều kiện xuất khẩu của các thị trường khó tính như: Sầu riêng phải cấp đông, dừa gọt lớp vỏ xanh, chuối cần thu hoạch đúng giai đoạn xanh và đóng gói đúng quy cách”, ông Đạt cho hay.

Còn với các doanh nghiệp đã và đang đầu tư cho xuất khẩu vào thị trường này ngoài sự phấn khởi từ việc tăng giá trị gấp 3, 4 lần so với bán trong nước thì đây cũng được coi là bước đệm để chúng ta đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm lâu dài trong thời gian tới nhằm tăng giá trị sản phẩm không chỉ dừng lại ở mức như hiện nay.

Giới chuyên gia nông nghiệp trong nước cũng khuyên việc xuất khẩu trái cây đặc sản vào thị trường Mỹ rất khó khăn, do vậy, nếu không có hoặc ít doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng để phát triển thị trường này thì rất phí. Về phần bảo đảm chất lượng uy tín sản phẩm, phía Cục Bảo vệ Thực vật cũng yêu cầu các đơn vị kiểm dịch thực vật, kêu gọi, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ nhằm thu về giá trị cao nhất từ các loại quả này.

Xoài cát Cao Lãnh đã xuất những lô hàng chất lượng sang Mỹ từ cuối năm 2017.

Điểm danh các loại trái cây xuất ngoại thành công:

- Thanh long Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của nhiều thị trường lớn, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.

- Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức cho phép nhập khẩu trái xoài tươi từ Việt Nam vào thị trường Mỹ.

- Việt Nam là nước đầu tiên xuất chôm chôm tươi vào New Zealand.

- Lô hàng vú sữa đầu tiên của Việt Nam đã đi Mỹ vào cuối năm 2017.

- Nhãn lồng đặc sản Hưng Yên cũng đã “bay” sang Mỹ.

- Vải thiều Việt Nam đã chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Tác giả: Kim Ngọc

Nguồn tin: Báo Người tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP