Xã hội

Bé gái 14 tuổi suy gan, suy thận nghi do uống trà sữa

Sau khi uống trà sữa gần nhà, bé gái 14 tuổi bị nôn ói và được người nhà đưa đến một số phòng khám để điều trị. Tuy nhiên, sức khỏe của bé ngày càng chuyển biến xấu. Khi được chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh nhân đã bị suy thận, suy gan, nhiễm trùng tiêu hóa nặng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cho biết, em T.T.U. (14 tuổi, xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) bị ngộ độc nghi do uống trà sữa gần nhà đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện. Đây là thông tin vị bác sĩ đã trả lời báo Tuổi Trẻ chiều 17/1.

Theo bác sĩ Xáng, tình trạng em U. tiên lượng rất xấu. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được chuyển vào bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM để tiếp tục chữa trị.

Bác sĩ đang tích cực điều trị cho bé gái nghi ngộ độc trà sữa (Ảnh: Báo Khánh Hòa).

Bác sĩ Trần Minh Thành, khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa chia sẻ thêm với báo Tuổi Trẻ, bệnh tình của em U. có thể do trà sữa.

Trước đó, báo Khánh Hòa đăng tải thông tin, em U. nhập viện vào sáng 16/1 trong tình trạng bị đau bụng dữ dội, kèm nôn ói, tiêu chảy nhiều lần, sốt cao. Các bác sĩ tiến hành kiểm tra, xét nghiệm thì phát hiện bệnh nhân bị suy thận, suy gan, suy đa tạng, rối loạn đông cầm máu, nhiễm trùng tiêu hóa nặng.

Bác sĩ Thành nhận định trên báo Khánh Hòa rằng, bệnh nhân U. bị ngộ độc có thể do hạt trân châu có trong trà sữa. Bởi theo lời của người nhà, sau khi uống trà sữa, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nôn ói có lẫn các hạt màu xanh nghi trân châu. Ở Đài Loan đã ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm sau khi uống trà sữa, kết quả chụp phim hạt trân châu do bệnh nhân ói ra được xác định làm từ nhựa lốp xe hoặc đế giày.

Bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nhân xấu, người nhà bé U. hết sức lo lắng. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Buồn bã trò chuyện cùng PV báo Khánh Hòa, bà Trần Thị L., mẹ của bệnh nhân U. cho biết, U. có dấu hiệu nôn ói từ chiều 11/1 sau khi uống trà sữa ở khu vực gần nhà.

Thấy vậy, gia đình đưa đến một số phòng khám tư và phòng khám đa khoa khu vực để điều trị nhưng tình trạng nôn ói vẫn không hết. Ngày 15/1, U. được chuyển lên bệnh viện Đa khoa huyện Cam Lâm, sau đó được chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh.

"Trước giờ, sức khỏe cháu bình thường, chưa bị ngộ độc thực phẩm lần nào. Lúc cháu ói ra có nhiều hạt màu xanh giống ống nhựa bơm nước", bà L. nói.

Theo các bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh, một trong những nguyên nhân khiến diễn tiến bệnh của em U. nặng là do người nhà không sớm đưa đến cơ sở y tế uy tín, mà để điều trị ở các phòng khám tư, không có đủ thiết bị, máy móc.

Các bác sĩ đưa ra lời khuyên, hiện nay hạt trà sữa rất khó xác định được làm bằng chất gì. Phụ huynh và các bạn trẻ nên hạn chế uống vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là đối với những loại trà sữa không rõ nguồn gốc. Nếu gặp những trường hợp như trên, người nhà nên sớm đưa bệnh nhân vào các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị y tế để được điều trị kịp thời.

Tác giả: Ngọc Lài (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: uống trà sữa , bé gái

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP