Tại báo cáo tài chính 2018 đã kiểm toán của Hoàng Anh Gia LaiHAG0.0% (HAGL) công bố ngày 30/3, công ty đang vay tổng cộng 22.800 tỷ đồng, gồm 2.500 tỷ vay ngắn hạn và 20.300 tỷ vai dài hạn.
Trong đó, cá nhân chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đang cho tập đoàn vay 743 tỷ đồng.
HAGL mượn bầu Đức hơn 1.000 tỷ đồng
Cụ thể, HAGL hạch toán khoản vay ngắn hạn trị giá gần 613 tỷ đồng và khoản vay dài hạn trị giá 130 tỷ đồng với chủ nợ là cá nhân ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Hai khoản vay này sẽ lần lượt đáo hạn vào tháng 12 năm nay và tháng 10/2021.
Ngoài ra, HAGL còn hạch toán hai khoản phải trả ngắn hạn và phải trả dài hạn cho bầu Đức với khoản nhận góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với số tiền lần lượt là 136 tỷ đồng và 180 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền HAGL đang mượn bầu Đức là 1.059 tỷ đồng, chưa tính chi phí lãi vay gần 6,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, một thành viên khác trong gia đình bầu Đức là bà Đoàn Thị Nguyên Nguyên, em gái ông, cũng cho HAGL mượn 20 tỷ đồng.
Mới đây, bầu Đức cũng cam kết đủ khả năng thực hiện các nội dung trong hợp đồng với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) tùy vào phán quyết của tòa án mà không yêu cầu HAGL phát sinh thêm nghĩa vụ nào khác liên quan đến hợp đồng cam kết này.
Như vậy, trong trường hợp phải mua lại hơn 2,2 triệu cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) do FPT Capital nắm giữ, bầu Đức sẽ là người trả 141 tỷ đồng và HAGL không phải chịu khoản chi phí nào.
Cá nhân bầu Đức đang cho Hoàng Anh Gia Lai vay mượn hơn 1.000 tỷ đồng. |
Nhiều khoản vay của HAGL chưa đảm bảo cam kết
Trong báo cáo tài chính năm 2018, một số khoản vay của HAGL được kiểm toán lưu ý chưa đảm bảo đúng điều kiện so với hợp đồng.
Cụ thể, trong hợp đồng đặt mua trái phiếu của ngân hàng VPBank trị giá 1.394 tỷ đồng, HAGL đăng ký diện tích trồng cây cao su là 70.643 ha. Tuy nhiên, diện tích thực tế đến hết năm 2018 mới chỉ đạt 44.479 ha.
Kế đó, hệ số thanh toán hiện hành, tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn để đo lường khả năng doanh nghiệp đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạncủa HAGL tính đến ngày 31/12/2018 nhỏ hơn 1. Trong khi đó, hợp đồng đặt mua trái phiếu giữa HAGL và Golden Farm trị giá 300 tỷ đồng quy định hệ số thanh toán hiện hành phải lớn hơn 1.
Kết thúc năm 2018, tài sản ngắn hạn của HAGL đạt gần 6.568 tỷ đồng, còn nợ ngắn hạn là gần 13.137 tỷ đồng. Như vậy, hệ số thanh toán hiện hành của tập đoàn này thậm chí chưa đạt mức 0,5.
Tiếp theo, với khoản vay dài hạn trị giá 576 tỷ đồng của ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Định, HAGL cam kết diện tích trồng cao su trong hợp đồng tín dụng trên là 17.950 ha. Tuy nhiên, diện tích thực tế đến hết năm 2018 mới chỉ đạt 14.825 ha.
Nhiều khoản vay khác từ các ngân hàng của HAGL cũng chưa tuân thủ đúng điều kiện cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Với khoản vay 887 tỷ đồng của HDBank chi nhánh Đồng Nai, diện tích cọ dầu của HAGL thực tế trồng là 4.875 ha, trong khi con số cam kết là 6.653 ha.
Với khoản vay 349 tỷ đồng của ngân hàng Lào - Việt chi nhánh Attapeu, HAGL đã thanh toán toàn bộ số bò và không đảm bảo số lượng bò nhập 14.219 con theo quy định hợp đồng. HAGL cũng không đáp ứng điều kiện giá trị đàn bò hơn 26.000 USD với một khoản vay khác trị giá 199 tỷ đồng từ chính ngân hàng này.
Ngoài ra, HAGL còn một khoản vay từ ngân hàng trên trị giá 279 tỷ đồng và không đảm bảo đúng điều kiện cam kết về diện tích cọ dầu khi diện tích thực tế trên con số cam kết là 2.850 ha trên 3.156 ha.
Cuối cùng, HAGL có 3 khoản vay từ Sacombank chi nhánh Đà Nẵng, Sài Gòn, Thủ Đức với giá trị lần lượt là 262 tỷ đồng, 300 tỷ đồng và 250 tỷ đồng chưa đáp ứng đúng cam kết về diện tích trồng cây cao su và dầu cọ. Riêng khoản vay 300 tỷ đồng, HAGL còn chưa thực hiện mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo như trong hợp đồng tín dụng.
Kết thúc năm 2018, lợi nhuận sau thuế của HAGL là 6,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là 371,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 117,5 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2017.
Tác giả: Việt Đức
Nguồn tin: zing.vn