Tàu to, lo cảng nhỏ
Hà Tĩnh sở hữu tiềm năng, lợi thế với hơn 137 km chiều dài bờ biển, hiện có bốn cảng cá, gồm: Xuân Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (Kỳ Anh). Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực đầu tư, đến nay chỉ mới có hai cảng cá Cửa Sót và Xuân Hội hoàn thành đi vào hoạt động. Cảng Cửa Sót nằm ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) được coi là bến cá sầm uất nhất Hà Tĩnh. Năm 2007, cảng Cửa Sót hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng quy mô với tổng vốn đầu tư 46 tỷ đồng. Cầu cảng và bến nghiêng bờ cùng có chiều dài 120 m. Đây là nơi có hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá khá bài bản, thu hút hàng trăm tàu thuyền trong, ngoài tỉnh vào đổ hàng và tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, những năm gần đây, cảng Cửa Sót không còn sầm uất như trước, bởi luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng, hằng ngày chỉ lưu thông được từ hai đến bốn giờ vào lúc triều cường và chỉ những tàu có công suất dưới 200 mã lực (CV) mới vào được bến. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương, chính sách phát triển tàu lớn của tỉnh, nhất là việc thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo ngư dân Trần Văn Sinh, xã Thạch Bằng, Lộc Hà, Nghị định 67/NĐ-CP ra đời với chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép với công suất 820 CV để mở rộng ngư trường khai thác. “Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, vừa mới hạ thủy, tàu vỏ thép đã phải đối mặt với nỗi lo bến bãi. Cảng Cửa Sót vốn chỉ thiết kế cho tàu dưới 300 CV cập bến. Khi thủy triều đạt đỉnh, may ra tàu vỏ thép của tôi mới cựa quậy ra vào được” – ông Sinh nói.
Cùng chung nỗi niềm tàu to, lo bến nhỏ, ngư dân Tôn Đức Vinh, chủ tàu vỏ thép ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) chia sẻ: ý định ban đầu của chúng tôi là cập bến ở Cửa Nhượng nhưng cửa lạch ở đây cạn quá, tàu lớn phải đậu cách bến từ 2 đến 3 km. Vì sự bất tiện này, sau mỗi chuyến ra khơi, tàu chúng tôi phải lựa chọn cảng Xuân Hội (Nghi Xuân) làm điểm neo đậu. Mặc dù biết ở đây, hệ thống bến cảng chỉ đáp ứng cho tàu có công suất 300 CV và cũng đang quá tải nhưng hiện nay chẳng còn cách nào hơn.
Đưa tàu đi “tạm cư “
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn cho biết, theo quy mô xây dựng, các cảng cá trên địa bàn đều không đủ điều kiện cho tàu hơn 300 CV neo đậu. Các tàu vỏ thép hơn 800 CV đang tạm cư trú ở các cảng cá Xuân Hội và Cửa Sót khiến hệ thống bến đỗ ở đây vốn đã chật chội nay càng bức bí hơn. Chiều dài cầu cảng Xuân Hội chỉ có 130 m, trong khi đó chiều dài của mỗi tàu vỏ thép là 24 m, cảng thường xuyên đón tiếp năm tàu vỏ thép về neo đậu, riêng chiều dài của các tàu này đã chiếm hết chiều dài của cảng cá, đó là chưa nói đến mỗi ngày cảng phải đón tiếp hàng chục tàu vỏ gỗ có công suất dưới 750 CV/tàu vào cập bến. Mặc dù Ban quản lý cảng đã cố gắng bố trí, sắp xếp để cho các tàu, thuyền thuận lợi trong việc ra vào, tiếp tế nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn. “Về mặt pháp lý, hệ thống cảng ở Hà Tĩnh không đủ điều kiện tiếp nhận tàu có công suất hơn 300 CV, tuy nhiên nếu không cho vào neo đậu thì các tàu này biết đi về đâu ?” – ông Sơn trăn trở.
Ngoài ra, theo phản ánh của ngư dân, do luồng lạch nhỏ, thường xuyên bị bồi lắng, cho nên hiệu quả khai thác của các tàu công suất lớn, nhất là tàu vỏ thép bị giảm sút rất nhiều. “Không vào được cảng, mỗi chuyến đánh bắt về, chúng tôi phải neo đậu cách đất liền 2 đến 3 km, sau đó đưa thuyền nhỏ ra “tăng bo” hải sản vào bờ. Khi vào được cảng, gặp con nước kiệt, muốn ra khơi thì phải đợi con nước lên, có khi cả tuần thủy triều mới đạt đỉnh. Vào vụ cá, nhiều khi không kịp ra khơi” – ngư dân Trần Văn Sinh cho biết thêm.
Phát triển tàu xa bờ, công suất lớn là chủ trương mang tính chiến lược của Chính phủ nhằm tạo cơ hội cho ngư dân vươn khơi, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiệu quả của việc đầu tư, cải hoán tàu đánh bắt có công suất lớn để vươn khơi đang ngày càng được khẳng định rõ. Tuy nhiên, với hạ tầng cảng cá yếu kém như hiện nay, không biết đến bao giờ ngư dân Hà Tĩnh mới vững vàng để ra khơi. Trong khi đó, theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của cả nước được phê duyệt tháng 11-2015, tất cả các cảng cá và khu neo đậu tránh bão ở Hà Tĩnh chỉ được thiết kế đáp ứng cho tàu có công suất dưới 600 CV. Câu hỏi đặt ra: Với quy hoạch trên, liệu những con tàu đánh cá có công suất trên 600 CV, nhất là tàu vỏ thép có công suất trên 800 CV có đủ điều kiện vào neo đậu tại các cảng cá và âu neo đậu tránh trú bão ở Hà Tĩnh hay không? Và các tàu đánh bắt công suất lớn này sẽ đi về đâu khi hàng nghìn lao động gián tiếp ở Hà Tĩnh vẫn mong chờ mỗi chuyến tàu cập bến?
Theo kế hoạch phân bổ đợt 1 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ để đóng mới 29 tàu đánh cá có công suất 400 CV trở lên. Đến nay, đã có tám tàu vỏ sắt công suất trên 800 CV được hoàn thành, đi vào hoạt động, dự kiến đến tháng 4-2017 bốn tàu vỏ sắt còn lại sẽ được hạ thủy.
theo Nhân Dân