Ngày 29/3, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thiếu tướng Trần Duy Thanh – Phó Cục trưởng cục Đối ngoại, bộ Công an xác nhận, mới đây, tại khu vực cầu Tà Lùng (Việt Nam) – Thủy Khẩu (Trung Quốc), đoàn Trung Quốc gồm đại diện Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Thủy Khẩu và cục Công an huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tiến hành bàn giao đối tượng truy nã Trần Thị Lý cho đại diện Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Công an tỉnh Cao Bằng, Công an tỉnh Yên Bái.
Tài liệu thu thập được cho thấy, Lý chính là “mắt xích” quan trọng trong vụ mua bán phụ nữ xuyên biên giới được Công an tỉnh Yên Bái phát hiện, điều tra, bóc gỡ từ năm 2012. Theo đó, Trần Thị Lý (SN 1960, trú tại xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), do bản tính lười làm lại mong hưởng thụ, Lý sớm lấy chồng Trung Quốc để mong đổi đời.
Lý có người em trai là Trần Văn Tập (SN 1980), “khét tiếng” chơi bời, lêu lổng. Thấy cậu em không nghề không nghiệp, lại hám tiền ăn chơi, Lý vạch ra kế hoạch làm giàu… không tưởng cho cậu em.
Trong những lần Tập sang thăm Lý, Lý đã mách nước cho cậu em đổi đời bằng cách lừa bán các cô gái trẻ sang Trung Quốc cho Lý, Lý sẽ trả tiền công cho em mình sòng phẳng. Sau đó, Lý sẽ bán những cô gái này vào sâu trong nội địa Trung Quốc. Theo “kế hoạch”, Tập có nhiệm vụ “chăn dắt” những cô gái trẻ, nhẹ dạ cả tin.
Sau khi chiếm được cảm tình của các nạn nhân, Tập sẽ đưa họ lên Lạng Sơn rồi đưa qua biên giới cung cấp cho Lý… Thấy một mình Tập chưa thể “kham nổi”, Lý tiếp tục thuyết phục em trai nữa là Trần Xuân Hòa (SN 1969) móc nối với Trần Văn Tập. Trong đường dây buôn bán người này, Hòa sẽ đóng vai đảm bảo sự an toàn cho các “món hàng” lên đến Lạng Sơn.
Vốn là kẻ trăng hoa, nên việc “tán gái” với Tập không phải là “vấn đề”. Thấy việc nhẹ nhàng lại có “thu nhập” cao nên Tập đã đồng ý với kế hoạch của Lý, tạo thành đường dây buôn người do Trần Thị Lý cầm đầu.
Để chuẩn bị cho các phi vụ buôn người, Tập mua rất nhiều sim điện thoại rồi bấm vào những số di động bất kỳ, nếu trúng là phụ nữ, hắn sẽ chủ động làm quen rồi sau đó giăng bẫy tình. Bằng độc kế này, Tập đã làm quen được khá nhiều cô gái. Trong đó, có chị Bàn Thị N. (SN 1980), người dân tộc Dao ở xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, thời điểm đó, dù đã cứng tuổi nhưng chưa tìm được ý chung nhân.
Bằng thủ đoạn ve vãn, tán tỉnh, Tập nhanh chóng chiếm được cảm tình của chị N.. Thậm chí, hắn còn lấy tên giả là Tuấn để về gia đình chị N. ra mắt họ hàng. Khi “cá đã cắn câu”, Tập ngỏ ý mời chị N. lên thăm chị gái mình.
Được sự đồng ý của gia đình, Tập đã bí mật gọi điện cho Hòa báo tin có hàng và hẹn đón ở ngã ba Đoan Hùng (Phú Thọ). Vì là phụ nữ, chị N. cũng cảm thấy chưa tin tưởng ở Tập nhiều nên đã đưa thêm cháu gái mình là Tướng Thị Đ. (SN 1994) đi cùng. Tập như mở cờ trong bụng vì bỗng dưng có thêm “con mồi’ chui vào rọ, thậm chí là “con mồi” béo bở.
Hai cô thôn nữ lần đầu tiên rời khỏi làng không hề biết rằng mình đã rơi vào nanh vuốt của những kẻ buôn người. Họ không thể ngờ những ngày đen tối sắp giăng ra trước mắt bởi kẻ ma mãnh Trần văn Tập.
Sau khi “cá đã cắn câu”, Tập đã cùng Hòa (anh trai Tập) đưa hai cô cháu N. và Đ. từ Yên Bái đến Lạng Sơn an toàn. Tại đây, Tập đã được Lý đón tiếp và trả trước 7 triệu đồng tiền bán chị N. và chị Đ.
Ngay sau khi bán được hai “con mồi”, lập tức Tập và Hòa “bốc hơi”, để lại hai cô cháu bị Lý lừa bán sang Trung Quốc làm vợ xứ người. Sau hơn một năm sống những ngày tủi hờn, cay đắng, dù cả hai đều đã sinh con cho người chồng Trung Quốc nhưng họ vẫn nung nấu ý định bỏ trốn về quê hương, sống bên cạnh người thân.
(Còn nữa)
Tác giả: Trần Phương – Chí Công
Nguồn tin: Báo Người đưa tin