Cũng vào thuở ấy, chúng tôi thường phết diều bằng những tờ giấy dó có viết chữ Hán, loại giấy vừa dai, vừa nhẹ; đem những tấm hoành phi bằng gỗ gụ để den bờ tát cá hoặc làm thủy lợi. Bao nhiêu điều quý giá của cha ông đều do sự ngây thơ của cha anh chúng tôi và chúng tôi mà biến mất. May thay, vẫn còn nhiều điều không thể mất, chưa mất, trong đó có mộc bản Trường Lưu.
Làng Trường Lưu (Can Lộc, Hà Tĩnh) là một làng cổ. Cụ Nguyễn Uyên Hậu, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Huy là thầy giáo dạy Ngũ kinh ở Quốc Tử Giám. Con cháu từ đó đỗ đạt nhiều, nhất là những trí thức của dòng họ không chỉ lo cho riêng mình mà còn mở trường tư dạy học cho con em trong vùng. Ðặc biệt hơn, năm 1732, sau khi đỗ đầu kỳ thi Hương, Nguyễn Huy Oánh đã tập hợp trí thức, dựng trường, tậu 20 mẫu ruộng “nhất đẳng điền” phục vụ hoạt động của nhà trường, trong đó phần lớn dùng để trợ cấp cho học trò nghèo,Trường Lưu học hiệu càng trở nên nổi tiếng.
Ðể phục vụ việc dạy học, Trường Lưu học hiệu đã có một xưởng chế tác mộc bản để in sách.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, một hậu duệ của dòng họ Nguyễn Huy, dù là một nhà khoa học tự nhiên, nhưng rất tâm huyết với văn hóa và di sản tinh thần của dòng họ Nguyễn Huy. Trong hàng chục năm qua, ông đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Viện Nghiên cứu Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm tư liệu, hiện vật, xuất bản nhiều công trình khoa học có giá trị. Ông Mỹ cho biết, ông cũng như con cháu trong họ đã nhiều lần tiếp xúc với các mộc bản này, nhưng chưa hiểu hết các giá trị của nó; cứ thế để phủ bụi trong nhà thờ. Không những thế, có người còn chẻ làm củi sưởi. Theo các bậc cao niên kể lại, số lượng mộc bản trước đây có vài nghìn, xếp đầy ba gian nhà ở Ðền Thư viện là nơi thờ Thần Ðền Thư viện Nguyễn Huy Oánh (Thần Ðền, Uyên bác chi thần là những sắc phong của các vua nhà Nguyễn phong cho Nguyễn Huy Oánh). Sau năm 1950, Ðền Thư viện bị hỏng, số mộc bản được chuyển về để tại nhà thờ Nguyễn Huy Tự, đến ngày nay chỉ còn giữ được 394 bản.
Ở nước ta, Mộc bản triều Nguyễn (gồm 34.555 bản) và Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) gồm 3.050 bản, đã được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới” trong Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World Programme). Mộc bản Trường Lưu có đầy đủ các tiêu chí ấy.
Trường Lưu học hiệu là một trường tư, song như trên đã nói, với sự tích tụ hiền tài đậm đặc ở xứ Nghệ; với các thầy giáo từng dạy ở Quốc Tử Giám, dạy học cho con vua cháu chúa; với kho sách chuẩn mực và phong phú nên chất lượng giáo dục của học hiệu này có tính quốc gia. Theo các mộc bản còn giữ được và căn cứ thư tịch cổ, mộc bản Trường Lưu đã được dùng để in những bộ sách kinh điển của Trung Quốc xưa về triết học và văn chương cử tử (do Nguyễn Huy Oánh và các trí thức dòng họ Nguyễn Huy biên soạn lại cho gọn gàng, cốt yếu hơn, gọi là “toản yếu”). Ðó là Tính lý toản yếu đại toàn (2 tập) khắc năm 1758; Ngũ Kinh toản yếu đại toàn (9 tập) khắc năm 1758; Tứ thư toản yếu khắc năm 1773. Cùng đó, Thống tông chi yếu là bộ sách do Nguyễn Huy Oánh san chép sách cũ; Quốc sử toản yếu là tóm tắt lịch sử Việt Nam; Hoàng Hoa toàn tập là sách biên định Ðại Thanh nhất thống chí; Sơ học chỉ nam là sách về phương pháp học tập cho người mới vào trường; Tùng thư là bộ sách về bói toán, thuật số; Sứ trình tổng ca và rất nhiều sách văn học khác; một số bản đồ khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia…
Giá trị đặc biệt của mộc bản Trường Lưu, trước hết đó là những mộc bản gốc, lâu đời nhất được phát hiện cho đến hiện nay (hy vọng sẽ tìm được các mộc bản cổ hơn vì việc in ấn chí ít có từ thời nhà Lý). Giống như một nhà xuất bản giáo dục, mộc bản Trường Lưu dùng để in sách giáo khoa cho các nho sinh do các danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy biên soạn; viết chữ là Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự… với các ấn triện, gia huy, khẳng định bản quyền (ở trang đầu, trang cuối đều có lạc khoản ghi rõ tên người san khắc, thời gian san khắc và địa điểm lưu giữ). Mộc bản Trường Lưu do Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Huy Vượng trông coi việc khắc in từ năm 1758 tới năm 1788.
Mộc bản Trường Lưu là hiện vật lịch sử của thế kỷ 18, cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu về giáo dục, văn học, nghề in, đời sống kinh tế – xã hội của một vùng quê xa kinh thành; về các dòng họ, nhất là quan hệ của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu với dòng họ Nguyễn (Nguyễn Nghiễm) Nghi Xuân; dòng họ Phan của Thám hoa Phan Kính cùng tổng, dòng họ Phan Huy Thạch Hà; và sự hình thành truyện thơ Nôm, hình thành Hồng Sơn văn phái; liên hệ giữa văn chương bác học và văn chương bình dân…
Từ lâu, mộc bản Trường Lưu đã được dòng họ và giới học thuật ở Hà Tĩnh, Nghệ An nghiên cứu. Năm 2014, Sở Khoa học Công nghệ Hà Tĩnh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn mộc bản Trường Lưu”. Ðề tài này đã được nghiệm thu ngày 23-4-2015. Song, việc bảo tồn, phát huy các giá trị Mộc bản Trường Lưu phải là công việc của quốc gia. Và ảnh hưởng của nó ở tầm quốc tế.
Ngày 11-5-2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Thông báo số 2041/UBND VX giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương lập hồ sơ đề nghị công nhận mộc bản Trường Lưu là Di sản Quốc gia và Di sản Ký ức Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Việc ngày càng nhiều di sản Việt Nam được thế giới vinh danh là vinh dự, minh chứng về một nước Việt Nam văn hiến. Ðiều đó không chỉ thôi thúc chúng ta ra sức sưu tầm, phát hiện các di sản của cha ông ta còn rất nhiều trong tầng sâu của các lớp văn hóa, của ký ức; mà quan trọng hơn là phát hiện được các giá trị tinh hoa của chúng trong đời sống hôm nay, nhằm hướng tới và xây dựng bằng được tinh thần dân tộc, tinh thần nhân văn, cái đẹp cho con người và đất nước Việt Nam hôm nay; có ý thức về sự sáng tạo nên những giá trị của thời đại mình vì con cháu, vì sự phát triển của đất nước.