Trong nước

Bão số 3 đang vào Hà Tĩnh. Nghệ An nguy cơ vỡ đê

Vào lúc 11g30 ngày 24-8, vùng trung tâm bão số 3 đã trực tiếp đi vào vùng biển Kỳ Anh, (Hà Tĩnh) gây gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Nhiều cây bị gãy, nhiều nhà dân bị tốc mái.

>> Chạy đua với bão


Nhiều canh cây lớn bị bão uốn cong – Ảnh: Văn Định


Qua điện thoại, ông Trần Bá Song, Chủ tịch huyện Kỳ Anh cho biết hiện giờ trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã có mưa to và mưa rất to. Tuy tâm bão đi cách đất liền 90km nhưng đã gây gió giật cập 9, cấp 11.


14g chiều ngày 2-8, ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng PCBL Hà Tĩnh cho biết bão số 3 đã đi vào vùng biển và đang ảnh hưởng nặng. Hiện giờ bão đã gây gió giật cấp 10, cấp 11 ở huyện Cẩm Xuân, Lộc Hà, Nghi Xuân.


Trước sự diễn biến phức tạp của bão, ông Phạm Văn Dương, Chủ tịch huyện Lộc Hà, người trực tiếp chỉ huy, cho biết: “Hiện nay ông bà già, phụ nữ, trẻ em đã di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra huyện Lộc Hà cũng đã điều lực lượng quân sự, công an, huyện đội, dân quân đi hộ đê, giúp dân sơ tán tài sản. Đến thời điểm này, toàn bộ tàu thuyền rất an toàn. Bên cạnh đó, chúng tôi đang cử người túc trực tuyến đê Hộ Độ”.


Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến thời điểm này ở huyện Lộc Hà đã có gió bão giật rất mạnh và gây mưa to và rất to. Tại các xã Thạch Châu, Thịnh Lộc, Thạch Bằng, Hộ Độ, Thạch Kim… đã có nhà tốc mái. Xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Thỉnh Lộc.


Đi dưới mưa bão, chúng tôi đi qua con đường nào của huyện Lộc Hà thấy cây cối đổ ngã nghiêng. Hiện diễn biến mưa bão tại huyện Lộc Hà rất phức tạp.


Vào lúc 10 giờ ở huyện Lộc Hà đã xuất hiện gió bão, nhiều người không đi được xe máy – Ảnh Văn Định


Mưa bão rất lớn – Ảnh Văn Định


Nhiều nhà dân ở Hà Tĩnh đã bị tốc mái – Ảnh Văn Định


Nhiều cây cổ thụ nằm bên đường bị bật gốc – Ảnh Văn Định


Cây gãy vì gió – Ảnh Văn Định


Nhiều cây cối ở ở hai bên đường xuống huyện Lộc Hà bị bão đánh tan tành – Ảnh Văn Định


Nhà bị bão đánh tốc mái, anh Lộc (Thạch Bằng) dùng bạt che lại nhà – ảnh Văn Định


* Bão đang tiến sát đất liền Nghệ An – Quảng Bình


Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến sáng nay tổng số tàu thuyền được kiểm đếm, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn là 44.297 tàu, thuyền/197.129 người.


Trong đó: hoạt động ven bờ và neo đậu tại vùng biển khác: 1.492 tàu/7.620 người. Neo đậu tại bến: 42.807 tàu/189.509 người. Hiện có 15 tàu Quảng Ngãi với 207 lao động đang trú tại khu vực đảo Trụ Cẩu và Gò Mới quần đảo Hoàng Sa , các tàu này vẫn giữ liên lạc).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (NCHMF) cho biết, bão số 3 đang tiến sát đất liền Nghệ An – Quảng Bình và đã gây mưa to đến rất to ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ, lượng mưa phổ biến 70 – 150mm.


Riêng tại đảo Lý Sơn, mưa 343mm, Đà Nẵng 175mm, Huế 181mm, Thạch Hãn (Quảng Trị) 202mm, Hà Tĩnh 193mm;… Tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.


Trong ngày hôm nay (24-8), Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương BCĐ PCLBTƯ cử đoàn công tác do ông Đào Xuân Học – thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban thường trực BCĐ PCLBTƯ làm trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng tránh bão số 3 tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh.


Trước đó vào ngày 23-8, đoàn công tác của UB Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn do phó Chánh văn phòng Đỗ Văn Sơn làm trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng tránh bão số 3 tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.


Tại cuộc họp BCĐ PCLB TƯ sáng nay, Trưởng ban chỉ đạo, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương tiếp tục kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân vào nơi neo đậu an toàn. Riêng các tỉnh ven biển miền Trung tiếp tục yêu cầu người dân chằng chống nhà cửa. Các đơn vị cứu hộ, cứu nạn phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu Bắc Trung Bộ.


Ông Phát lưu ý, sau khi bão qua các địa phương ở Bắc Trung Bộ vẫn phải đề phòng lũ như đã từng xuất hiện trong các cơn bão trước đây khi mưa to, lũ lên nhanh gây thiệt hại rất lớn.


Nghệ An: Nguy cơ vỡ đê sông Mơ


Lúc 16g30, chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Hồ Phúc Hợp cho biết-đê sông Mơ bảo vệ hàng trăm hecta ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân huyện Quỳnh Lưu có nguy cơ bị vỡ,


Trong gió bão điên cuồng, hàng trăm dân quân của huyện đang tập trung huy động đất đá cứu chữa. Đây là sự cố đầu tiên xảy ra trên tâm bão Quỳnh Lưu với sức gió giật cấp 10,11.


Rất may hơn 3000 người dân các xã giáp vùng biển Thanh Hóa như Quỳnh Lập, Quỳnh Phương đã kịp sơ tán sáng nay.


Trước đó, lúc 16g lốc bão đã đổ bộ vào huyện ven biển Diễn Châu với sức gió trong đất liền giật cấp 8,9; ngoài biển giật cấp 11,12. Hàng ngàn người dân vùng nguy hiểm cũng đã được di dời. Rất nhiều cột điện, cây cối đổ ngổn ngang chặn đường đi.


Tại vùng biển Cửa Hội, huyện Nghi Lộc một tàu Xuân Hòa 36 chở 300 tấn hàng và 12 thủ thủy đang kêu cứu để được vào bờ. Ban phòng chống bão lụt Nghệ An đã liên hệ tàu cứu hộ Hàng Hải giải cứu. TP.Vinh cũng chìm trong mưa và gió giật trên cấp 8. Tất cả các đường phố ngập trong nước dâng hơn nửa mét.


Tất cả lãnh đạo tỉnh Nghệ An đang có mặt tại các tâm bão Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc. Hiện chưa biết rõ thiệt hại do cơn bão gây ra.


Cây đổ ngổn ngang trên đường ở TP Vinh – Ảnh: Vũ Toàn

Một ngôi nhà ở Vinh bị sập trong bão số 3 – Ảnh: Vũ Toàn


Thanh Hóa: sơ tán tránh bão


Chiều 24- 8, Văn phòng UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết: Để đối phó với cơn bão số 3, theo kế hoạch địa phương sẽ phải di dời dân ở 40 thôn của 7 xã ven biển gồm: Hải Thượng, Hải Hà, Hải Yến, Hải Bình, Hải Thanh, Hải Hòa và Nghi Sơn. Tổng số hộ phải di dời là 4.452 hộ, với 20.524 nhân khẩu.


Ngay trong chiều 24- 8, huyện Tĩnh Gia (giáp với huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An – nơi bão số 3 đổ bộ vào) đã di dời 1.923 hộ, với 8.889 nhân khẩu cách mép nước biển khoảng 400- 500m, vào các khu vực cao hơn để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Số còn lại đang đợi lệnh của tỉnh trong trường hợp khẩn cấp sẽ cho di dời toàn bộ vào khu vực an toàn ngay trong đêm 24- 8.


Tính đến cuối giờ chiều 24- 8, tất cả tàu thuyền, lao động trên tàu đánh cá ngoài khơi của tỉnh Thanh Hóa đã vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện các địa phương, nhất là các huyện ven biển như Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Sầm Sơn, Nga Sơn đang tích cực rà soát, triển khai các phương án phòng chống cơn bão số 3.


Tại huyện Quảng Xương, địa phương đã phân công mỗi cán bộ phụ trách một xã, thị trấn để triển khai phương án phòng chống cơn bão số 3. Tổ chức tiêu thoát nước đệm cho diện tích lúa mới cấy, rà soát kiểm tra phương án di dân khi có lệnh. Quảng Xương có khoảng 5.000 dân tại các xã ven biển là Quảng Nham, Quảng Trung có khả năng phải di dời trong trường hợp nước dâng cao.


Tại thị xã Sầm Sơn, toàn bộ hàng quán và các hộ kinh doanh ven bãi biển đã được đưa vào khu vực an toàn. Người dân đã tổ chức chằng chống hàng quán, và thu dọn đồ đạc để hạn chế thiệt hại trong trường hợp nước biển dâng cao.


Đến 17 giờ chiều 24- 8, tại xã ven biển Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) đã di dời hơn 200 hộ dân (hơn 500 nhân khẩu) đến nơi an toàn tại nhà dân ở sâu trong đất liền, trường học, công sở để tránh cơn bão số 3. Nếu có những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ngay trong đêm nay, xã Hoằng Phụ sẽ di dời tiếp hơn 200 hộ dân nữa.


Hàng trăm hành khách bị kẹt vì bão


Bão số 3 chuyển hướng làm ảnh hưởng trực tiếp đến các chuyến bay của các hãng hàng không. Vietnam Airlines (VNA) cho biết hơn 600 hành khách đã mắc kẹt lại do các chuyến bay trong ngày 24-8 đã không thực hiện được.


VNA cho biết do thời tiết tại Vinh đang rất xấu, các chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM đến/đi từ Vinh trong ngày 24-8 bị hủy. Cụ thể các chuyến VN 372, VN374, VN376 chặng Tp. HCM – Vinh, giờ khởi hành 10 giờ 20, 14 giờ và 19 giờ 20. VN373, VN375, VN377 chặng Vinh – TP.HCM, giờ khởi hành 12 giờ 55, 16 giờ 35, và 21 giờ 55. VN 383 chặng Hà Nội – Vinh, giờ khởi hành 16 giờ 50. VN 382 chặng Vinh – Hà Nội, giờ khởi hành 18 giờ 30.


VNA cũng cho biết sẽ chuyển hành khách của các chuyến bay trên sang các chuyến bay thường lệ trong ngày 25-8. Trong ngày 25-8, hãng sẽ bố trí thêm các chuyến bay tăng chuyến mang số hiệu VN3762/ VN3773 trên đường bay TP.HCM – Vinh và VN 3822/ VN3831 trên đường bay Hà Nội – Vinh để giải tỏa toàn bộ 641 hành khách bị hủy chuyến bay đến/đi từ Vinh trong ngày 24-8.


Trước đó, chiều ngày 23-8, do ảnh hưởng của cơn bão, VNA đã buộc phải hủy một số chuyến bay đến/đi từ Huế và Buôn Ma Thuột, đồng thời đã kịp thời lập kế hoạch tăng chuyến, và bố trí cho hành khách đi trên những chuyến bay thường lệ.


Cụ thể: 253 khách trên chuyến bay VN246/VN247 chặng Hà Nội – Huế – Hà Nội bị hủy tối 23-8 đã được chuyển sang chuyến bay VN240/VN241 ngày 24-8 (chuyến sớm nhất trong ngày).


Trên 500 hành khách trên 4 chuyến bay VN254/VN255/VN256/VN257 chặng TP.HCM – Huế – TP.HCM bị hủy tối 23-8 đã được chuyển sang các chuyến bay thường lệ trong ngày 24-8 và chuyến bay tăng chuyến mang số hiệu VN2533 khởi hành lúc 13 giờ ngày 24-8 từ Huế đi TP.HCM. Trên chặng TP.HCM – Buôn Ma Thuột và ngược lại, VNA đã chuyển 125 khách trên chuyến bay VN444/ VN445 bị hủy chiều tối 23-8 sang các chuyến bay VN442/ VN444/ VN445 và VN341 trong ngày 24-8.


LÊ NAM


VĂN ĐỊNH -TUẤN PHÙNG – V.TOÀN – HÀ ĐỒNG


* Cập nhật tiếp tục…

Tuoitre

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP