Trong nước

Bão số 16 liên tiếp mạnh thêm, nguy cơ vào sâu đất liền

Vùng tâm bão có khả năng di chuyển thấp hơn, khi sang vùng biển phía Tây vẫn giữ cấp 9, giật cấp 11 nên sẽ ảnh hưởng rất sâu vào đất liền.

Tại cuộc họp ứng phó với cơn bão số 16 (Tembin) sáng nay, ông Hoàng Đức Cường, GĐ Trung tâm Dự báo KTTV TƯ cho biết, lúc 7h sáng nay, bão đã mạnh lên cấp 12, giật cấp 15.

Các mô hình dự báo thời tiết của Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông đều nhận định bão có xu hướng mạnh dần lên, khi đến đảo Trường Sa lớn đạt đến cuối cấp 12, đầu cấp 13, giật trên cấp 15, sóng biển cao trên 10m, sau đó có xu hướng giảm chậm.

So với hôm qua, bão đang di chuyển lệch nam hơn, tuy nhiên vùng bị ảnh hưởng vẫn phủ rộng từ Bà Rịa Vũng Tàu – Cà Mau.

Bão số 16 đang tiếp tục mạnh lên, sẽ đổ bộ vào Nam Bộ trong đêm mai

Ông Cường cho biết, tâm bão sẽ đi vào đất liền vào đêm mai, rạng sáng 26/12. Các trung dự báo lớn đều đánh giá cường độ bão khi cập bờ có giảm nhưng vẫn giữ cấp 10-11. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Ngay từ chiều mai, vùng biển ven bờ khu vực nam Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre có gió mạnh cấp 6, các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu chậm hơn chút, đến tối mai, gió mạnh tăng lên cấp 9-10.

Khi vào ven bờ, ngoài khơi các tỉnh Nam Bộ, từ Vũng Tàu trở xuống có sóng biển cao 6-8m, nước dâng do bão từ 0,5-1m, không loại trừ khả năng vượt mực nước dâng kỷ lục tại Vũng Tàu vào ngày 16/12 vừa qua.

“Cần nhấn mạnh, khả năng vùng tâm bão sẽ di chuyển thấp hơn nên sau khi đi vào đất liền Cà Mau, sang đến vùng biển phía Tây của Nam Bộ, bão vẫn giữ cấp 9, giật cấp 11 nên cần đặc biệt lưu ý”, ông Cường thông tin.

Do bão di chuyển nhanh, mây phân tán nhanh nên lượng mưa không lớn, cả đợt mưa 100-200mm.

Tránh trường hợp dân không biết bão

Để ứng phó với bão, từ 16h chiều qua, các tỉnh nam Bộ đã ra lệnh cấm biển từ 16h chiều qua. Kế hoạch sơ tấn dân tại 9 tỉnh theo 2 phương án: Nếu bão cập bờ dưới cấp 9, sơ tán hơn 270.000 người, trên cấp 9 sẽ sơ tán gần nửa triệu dân.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh VP UB quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN lưu ý công tác truyền thông chống bão cần mạnh mẽ, rộng rãi hơn nữa để người dân nghe được.

Ông dẫn chứng, khi đi kiểm tra cơn bão số 12 vừa qua, người dân không hề biết thông tin, nên giờ phải truyền thông trực tiếp, hệ thống loa phát thanh phải vào cuộc.

Thứ trưởng NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp ứng phó bão sáng nay. Ảnh: T.Hạnh

Do bão đổ bộ vào khu vực có khả năng chống chịu yếu, kinh nghiệm hạn chế nên Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu công tác di dân tại các cù lao xung yếu, vùng cửa biển, khu vực đê xung yếu phải hoàn tất trước 18h hôm nay, các khu vực sâu phía trong, di dân trước 12h trưa mai.

Ông Hoài cũng đề nghị xem xét cho học sinh các tỉnh Nam Bộ nghỉ học 2 ngày đầu tuần đồng thời có biện pháp quyết liệt di dân trên các lồng bè, tránh trường hợp đáng tiếc như bão số 12.

Thứ trưởng NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cũng chỉ đạo: “Trong trưa mai, phải di dời tất cả người dân trên các lồng bè lên bờ. Đến tối mai vẫn còn thì kiên quyết cưỡng chế”.

Ông Thắng nhấn mạnh, đây là cơn bão có phạm vi ảnh hướng rất lớn, do đó cần kiểm điểm lại việc thực hiện các công điện của Ban chỉ đạo và Thủ tướng.

“Các cơn bão vừa qua, TƯ chỉ đạo khá toàn diện nhưng việc chuyển tải đến nhân dân, thực hiện của các cấp chưa toàn diện. Giờ phải nỗ lực rất cao để kiểm soát tất cả tình hình, không để thiệt hại về người”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý xu thế thế lệch nam của bão, tác động đến các vùng rất dễ bị tổn thương, sạt lở dài, nhiều đảo, trong đó có Phú Quốc, Nam Du và các đảo đông dân cư.

“Nếu lệch nam như dự báo của Đài khí tượng Nhật Bản khi sang vùng biển phía Tây vẫn còn cấp 9 thì có nguy cơ vào rất sâu khu vực ĐBSCL.

Đây là nơi có hoạt động tàu bè trên sông, kênh rạch rất lớn, đặc biệt là sông Hậu, chợ nổi Cái Răng, trong khi nhà cửa rất yếu”, Thứ trưởng lưu ý.

Tác giả: Thúy Hạnh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP