Theo báo cáo sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình- địa phương được đánh giá bị thiệt hại khá nặng nề về hoa màu sau bão, đặc biệt lúa mùa, cho thấy, gió to và mưa lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất trồng trọt của tỉnh. Theo báo cáo của các huyện, thành phố và đánh giá của ngành nông nghiệp, diện tích lúa mùa bị thiệt hại toàn tỉnh là 4.280 ha (trong đó huyện Tiền Hải 3.600 ha, Đông Hưng 160 ha, Thái Thụy 150 ha, Vũ Thư 300 ha, Kiến Xương 20 ha và Thành phố Thái Bình 50 ha); Cây vụ đông 30.364 ha. Ước tính tổng thiệt hại sau bão của toàn tỉnh Thái Bình là 1.139,35 tỷ đồng, trong đó lúa là 165.077 tỷ đồng, rau màu là 974.234 tỷ đồng. Diện tích lúa chưa thu hoạch đã chín trên 85% bị rụng nhiều và bị ngập trong nước; … Gia đình ông Phan Văn Phương, thôn Nguyệt Lũ, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho biết, gia đình ông cấy lúa vụ mùa 3 sào sau bão thu hoạch chỉ được vỏn vẹn hơn 1 tạ thóc, trong khi nếu không bị ảnh hưởng thiệt hãi của bão lũ gia đình sẽ thu hoạch được khoảng hơn 1 tấn thóc.Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tây Tiến cho biết thêm, toàn xã số hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp là 61 với diện tích gần 8 ha. “Toàn xã Tây Tiến bị mất trắng lúa sau cơn bão số 8 khoảng 3.000 mẫu và bị thiệt hại nặng nhất kể từ một thập niên trở lại đây”, ông Minh, chia sẻ.Không chỉ tỉnh Thái Bình bị thiệt hại nặng sau bão số 8 (bão Sơn Tinh) mà tỉnh tiếp giáp ngay cạnh Nam Định cũng bị tổn thất khá nặng nề. Cụ thể, trong số 54 xã tham gia bảo hiểm cây lúa, ước tính số ha lúa bị thiệt hại trong bão số 8 là trên 2500 ha. Trong đó, huyện Trực Ninh bị thiệt hại 1044 ha; huyện Hải Hậu bị thiệt hại 1505 ha…Được biết, đến nay, các công ty bảo hiểm (Bảo Việt, Công ty Cổ phần Bảo Minh) đang chuẩn bị thủ tục hoàn tất hồ sơ để sớm giải quyết đền bù thiệt hại cho bà con nông dân. Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Bảo Minh, Chi nhánh Nam Định cho biết, hơn 1.000 đơn vị đăng ký tham gia Bảo hiểm nông nghiệp, Bảo Minh Nam Định đã chuẩn bị xong thủ tục thuộc trách nhiệm của mình và đã chuyển đề nghị lên Sở Tài chính Nam Định chờ giải quyết. “Ngay sau khi nhận được tiền ngân sách nhà nước sẽ thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho bà con nông dân”, vị này nói.Về phía Tập đoàn Bảo Việt, ông Vũ Trọng Phi, Phó Tổng giám đốc khẳng định, Bảo Việt cam kết sẽ đứng ra giải quyết và khắc phục hậu quả, đồng thời thực hiện đền bù thiệt hại cho bà con nông dân đầy đủ và nhanh chóng. Tuy nhiên, ông Phi mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực của UBND huyện Tiền Hải tuyên truyền đến các hộ nông dân nhanh chóng hoàn tất thủ tục, hồ sơ để nhận tiền đền bù.