Anh em lấy nhau là chuyện thường
Ngược hơn 80 km từ tp Hà Tĩnh lên vùng biên giới Việt Lào, tìm đến đồng bào Chứt ở bản Rào Tre, nơi mà tình trạng hôn nhân cận huyết đã và đang là vấn đề “nóng”.
Tiếp chúng tôi, thiếu tá Dương Thanh Tịnh Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre – Đồn biên phòng 575 cho biết, tình trạng hôn nhân cận huyết đã và đang là vấn đề rất đáng lo ngại của đồng bào Chứt nơi đây.
Ông Hồ Gio lấy vợ là bà Hồ Thị Hoa đã có 3 người con. Tuy nhiên đôi vợ chồng này là hôn nhân cận huyết vì bố của ông Gio và mẹ của vợ là hai anh em ruột.Theo thiếu tá Tịnh, 32 hộ dân ở trong bản, hầu hết là anh em, họ hàng rất gần lấy nhau. Kiểu như con cô lấy con cậu, con chú lấy con bác, cháu lấy chú, cháu lấy cậu…
Để chứng minh cho những gì mình nói, vị cán bộ biên phòng đã liệt kê rất nhiều trường hợp hôn nhân cận huyết rồi dẫn chúng tôi đến nhà của những người trong cuộc để kiểm chứng.
Ngồi trước thềm nhà, ông Hồ Gio (SN 1955) cho biết, ông lấy vợ là Hồ Thị Hoa (SN 1960) đã có 3 người con. Thế nhưng cha của ông Gio và mẹ của bà Hoa lại là hai anh em ruột.
Hỏi về những trường hợp anh em, họ hàng gần lấy nhau, ông Gio hồn nhiên: “Ôi, chuyện đó nhiều lắm, kể không hết mô.”Rồi ông Gio liệt kê, trường hợp nhà anh Hồ Hải lấy chị Hồ Tương đã 10 năm nay nhưng vẫn chưa có con. Mà chị Tương là cháu lấy anh Hải là cậu.
Ngoài ra còn chị Hồ Nhỏ lấy anh Hồ Hùng đã có 4 người con dù chị Nhỏ là con cậu, anh Hùng là con cô…
Trường hợp mới đây nhất là chị Hồ Bình (21 tuổi), lấy anh Hồ Bốn (25 tuổi) đã có con gần 2 tuổi. Nhưng bố của chị Bình và bố của anh Bốn là hai anh em ruột.
Thiếu tá Tịnh còn chia sẻ, không biết có phải do hôn nhân cận huyết hay không mà con cái của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre sinh ra rất yếu ớt, thường xuyên đau ốm, khả năng chống chịu, sức đề kháng rất kém.
Trí tuệ của người Chứt rất kém, cứ nói trước quên sau, làm việc gì cũng phải hướng dẫn tỉ mỉ, rất lâu.
Một số còn có biểu hiện của đột biến gen như cháu Hồ Thị Thu con của Hồ Văn Hà và Hồ Thị Sâm khi sinh ra đã bị cụt bàn chân trái. Rồi cháu Hồ Thị Hạnh con anh Hồ Văn Cương và chị Hồ Thị Thành bị trướng bụng, thiểu năng trí tuệ, đau ốm liên miên.
Vòng luẩn quẩn không lối thoát
Theo bà Hồ Thị Nam, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Rào Tre, hôn nhân cận huyết của người Chứt ở đây đã và đang là thực trạng mà khó tìm ra giải pháp.
“Tôi cũng đã tuyên truyền về hệ lụy của hôn nhân cận huyết và cảnh báo anh em họ hàng không nên lấy nhau nhưng xem ra không có hiệu quả” – bà Nam thừa nhận.
Chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Rào Tre Hồ Thị Nam lo lắng trước thực trạng hôn nhân cận huyết không lối thoát của đồng bào Chứt ở đây.
Cũng theo bà Nam, thực tế khiến cho đồng bào Chứt ở Rào Tre trong vòng luẩn quẩn hôn nhân cận huyết là do người Chứt sống trong một thung lũng điều kiện giao lưu với bên ngoài rất hạn chế.
Một số trai bản để tránh hôn nhân cận huyết cũng đã tìm sang Quảng Bình để hỏi vợ. Tuy nhiên phải băng rừng đi bộ hơn nửa ngày đường rất vất vả. Đã thế, khi sang lại bị trai bản ở đó ngăn cản, đánh đập nên đành bỏ cuộc.
Trai, gái đồng bào Chứt hầu hết thấp, nhỏ, đen đúa nên khó để người Kinh lựa chọn đi đến hôn nhân. Thành ra, chỉ người Chứt trong bản quanh quẩn lấy nhau nên không tránh khỏi hôn nhân cận huyết. Và điều đó cứ tái diễn mà không tìm ra lối thoát.
Trần Văn – Duy Quang
Viet Nam Net