Nội dung đề thi nằm ở phần Đọc - hiểu. Với 31 dòng, nội dung đề thi dài nguyên trang cùng tiểu sử, hành trình của thành phần bất hảo Khá "bảnh". Khá 'bảnh" được thông tin, liệt kê rõ nét như năm sinh, quê quán, những những động "điên rồ", sức thu hút trên mạng xã hội với hàng triệu lượt theo, rồi học sinh mặc đồng phục chào đón khá bảnh, xin chữ ký, chụp hình chung.... Cho đến hành trình nhân vật này bị cơ quan công an bắt giữ cùng lời cảnh báo của cơ quan chức năng.
Văn bản phần đọc hiểu này không trích dẫn cụ thể từ nguồn nào mà do người ra đề tổng hợp từ nhiều nguồn.
Từ đó, đề thi yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi liên quan đến ngữ pháp.
|
Hiện tượng Khá "bảnh" tiếp tục được đưa vào đề thi chiếm cả một trang giấy với "tiểu sử" và "hành trình" chi tiết |
Sau kỳ thi, đề thi này được đăng tải trên mạng xã hội đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Cho dù với mục đích nào thì việc dành nguyên cả trang đề thi như nhắc đến "tiểu sử" của Khá "bảnh" là điều đáng suy ngẫm. Đề thi sử dụng một hiện tượng xã hội thời sự nhưng lại có thể vô tình "dẫn dắt" để tò mò, tìm hiểu về nhân vật này.
Nhiều học sinh không biết Khá "bảnh" là ai, không dành mối bận tâm đến những đối tượng này thì khi làm kiểm tra, lại bị ép phải đọc "tiểu sử"cùng với những "thành tích bất hảo" chi tiết của họ.
Cũng như tác động của quảng cáo luôn là một sự gợi ý, mời gọi. Chưa kể, là nội dung trong đề kiểm tra nên đây còn là bắt buộc phải xem, bắt buộc phải đọc, thậm chí là phải đọc thật kỹ để đáp ứng được những yêu cầu của câu hỏi về ngữ pháp.
"Học sinh không biết Khá "bảnh" là ai ư? Chuyện nhỏ, để đó thầy cô giúp!", một giáo viên đã nói đầy cảm thán về đề thi này.
Sử dụng nhân vật, hiện tượng xấu vào đề thi, ai cũng hiểu giáo viên đưa vào nhằm mục đích để phê phán, nhắc nhở các em trước ảnh hưởng xấu của những thứ trào lưu, thần tượng trên mạng xã hội, trong cuộc sống. Nên cũng có những ý kiến bảo vệ những đề thi "nóng" này cho rằng chê bai, phê phán giáo viên ra đề là không hợp lý.
Có người phân tích, từ phần đọc hiểu sẽ ra câu hỏi phần Nghị luận xã hội (viết đoạn văn). Nghị luận xã hội thì có thể ra vấn đề tốt, vấn đề xấu... để học sinh trình bày quan điểm của mình. Đừng nghĩ là ra đề Khá "bảnh" là sẽ ảnh hưởng xấu tới học sinh, vì trong đề đã có định hướng cho học sinh tới điều nên làm, nên tránh.
Cũng nhiều ý kiến còn cho rằng, nếu nói đưa Khá "bảnh" hay các nhân vật, hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội vào đề thi là đáng phê phán thì các nhân vật văn học phản diện, tiêu cực liệu có nên đưa vào chương trình?
Cô Trần Ngọc Hà, một giáo viên Văn ở TPHCM cho hay, giáo viên nghĩ rằng đưa dữ liệu, nhân vật xấu vào đề để học sinh tránh và so sánh với nhân vật, tác phẩm tron văn học là không hợp lý. Khi tiếp cận một tác phẩm văn học sẽ có định hướng đến cái đẹp của người thầy trong bài giảng trên lớp nhưng đơn giản đưa nhân vật, nội dung tiêu cực vào đề thì không có sự định hướng theo chiều sâu này.
Nhiều nội dung, văn bản chỉ đơn thuần là lấy văn bản để học sinh trả lời những câu hỏi về ngữ pháp. Nhưng qua văn bản đó, sẽ tác động đến sự tò mò, kích thích sự tìm hiểu của các em.
Một giáo viên dạy văn khác cho rằng, chưa bàn đến nhân vật thì đề thi chỉ 90 phút mà ngữ liệu trong văn bản quá dài về "tiểu sử" của một nhân vật mà không cần, không nên khuyến khích học sinh tìm hiểu. Rõ ràng văn bản trích dẫn chưa đảm bảo được tính giáo dục, cô đọng là một thách thức đối với học trò không chỉ về mặt bài làm.
Trước đó, ở Hải Phòng cũng sử dụng ngữ liệu về Khá "bảnh" đưa vào đề Văn học sinh giỏi |
Thêm một điều đáng nói, đề thi trên được ra sau khi đã có nơi đưa Khá "bảnh" vào đề thi đã gặp phản ứng từ dư luận.
Đầu tháng 4 vừa qua, khi Trường THPT Kiến Thụy, Hải Phòng đưa hiện tượng Khá "bảnh" vào đề thi học sinh giỏi môn Văn, lớp 11, đại diện Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng quanh vấn đề này.
Đại diện Bộ nhấn mạnh, đề văn nghị luận xã hội lấy ngữ liệu có tính thời sự, cần phải đảm bảo nội dung ngữ liệu có tính định hướng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình - nhất là nó phải phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở mỗi lớp học, cấp học.
Do đó, cần có sự phản biện và thẩm định đề cẩn trọng. Việc lựa chọn ngữ liệu để ra đề thận trọng, tránh xu thế chạy theo thị hiếu nhất thời, tránh những vấn đề "nhạy cảm" chưa được kiểm chứng.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí