Du lịch

Bali cấm du khách “trong thời kỳ kinh nguyệt” vào đền thờ

Chính quyền Bali siết chặt quy định, cấm phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt vào đền thờ để bảo vệ sự thanh tịnh theo tín ngưỡng Hindu.

Chính quyền Bali – hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia – đang siết chặt quy định dành cho du khách quốc tế nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có quy định gây chú ý: phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt không được phép vào các ngôi đền linh thiêng. Quy định này không mới, nhưng gần đây được nhấn mạnh trở lại trong bối cảnh nhiều du khách vi phạm các chuẩn mực tôn giáo tại địa phương.

Ảnh minh hoạ/ Internet

Theo tín ngưỡng Hindu giáo – tôn giáo chính của người dân Bali – đền thờ là không gian linh thiêng đòi hỏi sự thanh khiết tuyệt đối về mặt tâm linh. Trong quan niệm truyền thống, máu kinh nguyệt được xem là “ô uế tạm thời”, làm mất đi sự trong sạch của nơi thờ tự. Do đó, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt được khuyên nên tránh xa các nghi lễ tôn giáo và không bước vào khu vực đền thờ để giữ gìn sự tôn nghiêm.

Bên cạnh phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt, những người đang trong thời kỳ có tang hoặc vừa trải qua các biến cố trong gia đình cũng được xem là không đủ “thanh tịnh” để tham dự nghi lễ hay đến gần bàn thờ tổ tiên, theo phong tục Hindu giáo ở Bali.

Tại các đền nổi tiếng như Lempuyang, Besakih, Tirta Empul hay Uluwatu, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp bảng thông báo yêu cầu phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt không vào đền. Mặc dù không có hình thức kiểm tra bắt buộc, chính quyền và người dân địa phương mong muốn du khách tự giác tôn trọng truyền thống, như một cách thể hiện sự văn minh và hiểu biết văn hóa khi tham quan nơi linh thiêng.

Đây là một phần trong bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách mà chính quyền Bali ban hành nhằm hạn chế các hành vi thiếu tôn trọng như mặc hở hang trong đền, trèo lên tượng thần để chụp ảnh hay có những hành động phản cảm tại nơi thờ tự.

Quy định liên quan đến phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt từng vấp phải tranh luận, đặc biệt từ các tổ chức đấu tranh cho quyền phụ nữ và bình đẳng giới. Tuy nhiên, chính quyền Bali khẳng định đây không phải là sự phân biệt, mà là một phần tín ngưỡng mang tính tôn giáo, văn hóa lâu đời cần được gìn giữ trong bối cảnh du lịch đang phát triển mạnh mẽ và có nguy cơ “xóa nhòa” bản sắc địa phương.

Ảnh minh hoạ/ Internet

Ông Tjok Bagus Pemayun – người đứng đầu Sở Du lịch Bali – cho biết: “Chúng tôi không muốn cấm cản, nhưng cần nhấn mạnh rằng việc tôn trọng văn hóa bản địa là điều tối quan trọng. Ai đến Bali cũng được chào đón, miễn là họ tuân thủ những quy tắc văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm.”

Với hơn 80% dân số theo đạo Hindu, Bali xem tôn giáo là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Việc bảo vệ không gian tâm linh bằng các quy định như trên không chỉ phản ánh tín ngưỡng mà còn là nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Khi đặt chân đến vùng đất thiêng liêng như Bali, điều quan trọng nhất không phải là check-in sống ảo, mà là tôn trọng những giá trị vô hình mà cộng đồng nơi đây trân trọng và gìn giữ từ bao đời.

Tác giả: Vân Giang (Tổng hợp)

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

  Từ khóa: du lịch bali , Bali

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP