Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở mức độ thông tin. Sau khi biết những thông tin về việc điều chỉnh dự án này, cũng đã có không ít ý kiến quan ngại. Tất cả đang chờ vào tập hồ sơ dự án điều chỉnh, chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Mặt bằng trên biển”
Ông Nguyễn Văn Sinh, TGĐ Cty CP sắt Thạch Khê cho biết, giờ Cty sẽ không theo dự án cũ nữa, phải làm lại để phù hợp với thực tế.
“Chúng tôi dự định lấn biển, giai đoạn đầu khoảng 100 triệu m3, sẽ hình thành một mặt bằng mới thì sẽ có mặt bằng khoảng 1000ha, sau đó đổ tiếp đến kết thúc thì sẽ có mặt bằng khoảng 4.000 ha, bằng với diện tích mà dự án đã lấy của tỉnh” – ông Sinh cho hay.
Phần quặng lộ thiên với trữ lượng khoảng 920.000 tấn sẽ được đưa lên và bán để lấy tiền giải quyết các vấn đề cấp bách, không thể trông chờ vào việc huy động vốn của các cổ đông, vì chẳng biết đến bao giờ.
Theo ông Sinh, trước đây phương án đổ cát ra biển bị Bộ TN-MT phản đối do nhiều yếu tố, tuy nhiên theo như thông tin mới nắm bắt thì có thể sẽ được Bộ chấp thuận sau khi trình phương án triển khai.
Ông Sinh cho hay: “Việc lấn biển sẽ có nhiều cái lợi, thứ nhất là sẽ tăng quỹ đất lên để phục vụ cho việc tái định cư, thứ hai là bảo vệ được bờ mỏ, thứ 3 là vấn đề về môi trường, thứ 4 là sẽ giảm hẳn vấn đề đền bù GPMB, nếu như theo dự án ban đầu thì sẽ phải di dời khoảng 4000 hộ với 18.000 dân, nhưng theo tính toán mới thì đến giai đoạn kết thúc dự án chỉ di dời khoảng 1000 hộ”.
Tại moong mỏ thì sẽ giữ lại được 10 triệu m3 đất không phải đổ đi, giữ lại được cả xã Thạch Hải, các khu vực dân cư xung quanh mỏ cách khoảng 3-400m vẫn có thể ở được. Việc ảnh hưởng môi sinh môi trường là không tránh khỏi nhưng sẽ trong tiêu chuẩn cho phép.
Theo ông Sinh, không thể làm một lúc dự án kéo dài trên 4km được. Các xã như Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Hải chẳng phải di dời như thế. Các xã Thạch Đỉnh, Thạch Khê, Thạch Bàn chỉ di dời một số.
Ông Sinh cho hay: “Ngày xưa mình cắm đầu vào theo dự án của nước Nga vẽ từ những năm 1985, mà mình thì lại không buộc tư vấn vẽ thiết kế theo ý mình mà để họ tự vẽ theo ý họ. Có thể ngày xưa là hợp lý nhưng đến nay đã hàng chục năm rồi, không còn hợp lý nữa.
Theo như tính toán trước thì 2 giai đoạn tiến hành dự án sẽ cần đến khoảng 31 nghìn tỷ, tôi đã cắt đi chỉ còn khoảng 16 nghìn tỷ, giờ trong giai đoạn 1 tôi chỉ cần khoảng 6000 tỷ là có thể thực hiện được”, ông Sinh khẳng định.
Theo TGĐ Cty TIC thì việc bán quặng đi sẽ giải quyết được nhiều việc, còn hơn để vậy, mà Cty thì không có tiền để xử lý.
Theo như lời ông Sinh nói, sở dĩ việc báo cáo Thủ tướng chậm là do Cty vẫn đang quá trình hoàn thành dự án điều chỉnh để trình phê duyệt. Tất cả cách làm mới sẽ phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và thời gian sẽ chứng minh sự đúng đắn.
DN không thể khổ bằng dân!
Ông Thái Văn Hóa, Trưởng BQL khu vực mỏ sắt Thạch Khê cho biết, ông cũng nghe nhiều thông tin về cách làm mới ở mỏ sắt lớn nhất ĐNA này, thế nhưng, tất cả mới chỉ là thông tin cảm tính. Sự điều chỉnh này phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Về mặt pháp lý thì chưa có quy hoạch nào thay đổi quy hoạch hiện tại hết. Kể cả việc đăng ký kinh doanh của công ty khi vấn đề cổ phần thay đổi. Tuy nhiên, không thể làm ảnh hưởng thêm đến cuộc sống của người dân, vấn đề này tỉnh phải yêu cầu DN thực hiện một số việc để không làm khổ dân thêm.
Vấn đề lớn nhất cũng vẫn là vốn, Vinacomin và các cổ đông sẽ tiếp tục góp vốn như thế nào, bao giờ, thì vẫn chưa ai trả lời được.
Việc bán quặng theo như thông báo 164 của Chính phủ là cần thiết để tái đầu tư trở lại cho các vấn đề bức bách, mà DN thì đang khó khăn” – ông Hóa cho hay.
Theo ông Hóa, việc “bán lúa non” cũng được nhưng không được kéo dài và phải đảm bảo an sinh xã hội trước. Những vùng sát moong mỏ phải giải quyết sớm, tiền đền bù, hoàn thiện các khu tái định cư.
Đến những vấn đề đơn giải như các khu TĐC chỉ còn cần ít vốn nữa là có thể hoàn thiện, đưa người dân ở các điểm nóng đến ở, thế nhưng, nhiều năm qua vẫn không làm được. Các khu TĐC dần xuống cấp theo thời gian.
Còn ông Nguyễn Phi Quang, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà thì cho hay, hiện những thông tin về dự án thay đổi ông cũng chỉ mới nghe thông tin miệng qua vài cuộc họp. Hiện huyện chưa nhận được chỉ đạo nào từ UBND tỉnh và việc thay đổi chưa được phê duyệt.
Về thông tin dự án sẽ lấn biển, ông Quang cho rằng phải tính toán hết sức cẩn thận, khoa học, vì sẽ ảnh hưởng lớn đến môi sinh biển, đến nguồn lợi thuỷ sản. Việc di dời dân trong phạm vi ít hơn cũng phải tính đến việc ảnh hưởng tới các khu dân cư gần mỏ sẽ như thế nào, ảnh hưởng môi trường trong phạm vi bao nhiêu.
“Biết là công ty đang trong thời kỳ khó khăn nhưng DN không thể khổ hơn người dân và chính quyền địa phương được. Đề nghị công ty sớm cho biết lộ trình sẽ như thế nào. Hiện huyện cũng chưa thấy gì nên chưa thể nói với dân về thời gian tới sẽ như thế nào”, ông Quang nói thêm.
Duy Tuấn – Trần Văn
VietNamNet.vn