Xã hội

Ảo giác, hoang tưởng do nghiện Facebook

Không chỉ nam thanh, nữ tú, mà nhiều trai gái, già trẻ ngồi bên nhau, nhưng lại bị cuốn vào thế giới ảo vì đã tự biến mình thành "con nghiện".

Trở thành “con nghiện”

Những nhóm bạn rủ nhau đi uống cà phê, ngồi với nhau nhưng mỗi người cầm một chiếc điện thoại, chăm chú lướt web… Hoặc cả nhà cùng ngồi ăn bữa cơm gia đình, nhưng ai cũng “ôm” điện thoại, chỉ cần nghe “tinh tinh”, hay màn hình lóe sáng là vội vã mở máy “lướt”.

Nhiều gia đình trẻ, cả bố mẹ và con cùng xem tivi, nhưng bố mẹ lướt web vào mạng cười nói, bỏ mặc con ngồi một mình. Có những cặp tình nhân ở bên nhau, nhưng họ mơn trớn điện thoại với thế giới ảo, quên phứt người tình ở bên… Đó là vì họ đã tự biến mình thành những "con nghiện" facebook.

Tại Hội thảo “Tác động của Mạng xã hội tới tâm lý người dùng” gần đây, TS.BS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chia sẻ ca bệnh về một thiếu nữ 16 tuổi ở Hà Nội chơi facebook nhiều giờ trong ngày để chat chít, đăng ảnh, câu like và comment (bình luận). Dần dần thiếu nữ rơi vào trạng thái sống, ăn, ngủ với facebook, mất lòng tin vào cuộc sống, ngày càng thu mình vào thế giới ảo…

Ảnh minh họa.

Khi bố mẹ thấy thiếu nữ hay mất ngủ, dễ buồn, dễ khóc, dễ cáu giận hỗn láo, học hành sa sút, sinh hoạt đảo lộn… mới đưa con vào viện. Họ kể với bác sĩ vì con gái nhiều ngày chán ăn uống, thức khuya, thích ở một mình nhiều giờ, quan hệ với gia đình, bạn bè lạnh nhạt… đặc biệt dễ nổi giận.

Thiếu nữ cũng “khai” với bác sĩ là cứ nằm ngủ là lại bị thôi thúc cái tay lại sờ điện thoại vào facebook.

Bác sĩ chẩn đoán nữ sinh có dấu hiệu trầm cảm do lạm dụng mạng xã hội, dẫn đến cảm xúc thay đổi, rối loạn tâm thần… Mức độ “nghiện” đến giai đoạn cấp tính do thời gian dài chịu áp lực, bị ảm ánh và mắc chứng ảo thanh.

Bác sĩ đã lập phác đồ điều trị, đề nghị gia đình hỗ trợ, chia sẻ với bệnh nhân. Sau 2 tuần, cảm xúc của nữ sinh khá hơn, có lòng tin hơn vào cuộc sống, bớt cảm giác sờ điện thoại. Sau 4 tuần giấc ngủ đã tạm ổn, cảm giác thôi thúc dùng điện thoại giảm hẳn.

3 tháng trước bệnh viện này cũng điều trị cho một nam sinh 14 tuổi, một ngày 10 giờ dùng điện thoại “chém gió” bất kể ngày đêm. Đi học về là cậu lao vào nằm trong phòng lướt facebook. Cả khi ăn uống, đi vệ sinh cũng ôm điện thoại theo. Bố mẹ đã tịch thu điện thoại, và ngay sau đó cậu lên cơn co giật, phải vào bệnh viện.

Các bác sĩ khám và phát hiện nam sinh còn bị hoang tưởng ảo giác, luôn bị thúc giục vào mạng… phải dùng thuốc loạn thần.

Một nam sinh viên 20 tuổi từ bệnh viện tỉnh chuyển về, bố mẹ cậu kể từ khi còn học cấp 3 đã mua cho con máy tính bảng. Đến khi đỗ ĐH trên Hà Nội, bố mẹ đầu tư thêm một chiếc laptop. Tới khi nam sinh viên dành 8-10 tiếng ở trên Facebook, bỏ cả lên lớp, học hành bê trễ, sa sút nên bị đuổi học. Từ khi về quê, cứ 5-6h chiều, cậu lại bỏ nhà đi tìm chỗ hoang vắng để ngồi lặng lẽ mấy giờ - mà theo bác sĩ đó là khoảng thời gian cậu hay vào mạng, lướt web.

Bác sĩ test chẩn đoán cậu bị trầm cảm thứ phát, mức độ nhẹ do nghiện mạng xã hội, và tư vấn cho gia đình “tạo công ăn việc làm” cho con trai bằng cách bắt đi làm ruộng, cứ chiều đến phải phụ mẹ nấu cơm. Sau hơn 1 tháng áp dụng, bệnh nhân đã hết “nghiện”.

Ảnh minh họa.

Càng tốn thời gian với facebook, nguy cơ trầm cảm càng cao

Tại hội thảo, bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương chia sẻ, Bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị tâm thần cho nhiều ca “nghiện” các mạng xã hội. Việc “cắm mặt” đầu vào điện thoại, máy tính, vào những giao tiếp ảo làm cho cuộc sống của nhiều người thu hẹp lại, có tâm trạng chán ngán, không có động lực phấn đấu, không tìm được niềm vui trong cuộc sống...

Do những "con nghiện" thích hòa mình vào thế giới ảo, nên thời gian dành cho điện thoại, màn hình vi tính ngày càng nhiều bào nhiêu, thì thời gian giao tiếp cho thế giới thật bị cắt xén đi.

Nếu mọi người cứ say sưa với facebook, chẳng mấy chốc phải nhờ can thiệp của y tế và buộc phải vào viện tâm thần điều trị. Đặc biệt, khi thế giới thật không được như ý, thì người nghiện càng xa lánh nó để đắm chìm vào thế giới ảo. Và người nào càng tốn thời gian với facebook thì nguy cơ trầm cảm càng cao.

Ảnh minh họa.

Nhiều người nghiện facebook như nghiện game

Theo các bác sĩ, nghiện game thường rơi vào lứa tuổi trẻ. Nhưng nghiện Facebook có thể rơi vào bất cứ đối tượng nào không phân biệt nam, nữ, già, trẻ.

Hầu hết người nghiện Facebook sẽ ngày càng gia tăng thời gian, mức độ sử dụng, xao nhãng tất cả những thú vui trước đây, mất duy trì các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè ngoài đời thực.Thậm chí không quan tâm đến sức khoẻ bản thân, hay gặp nhất là vấn đề rối loạn giấc ngủ do “cày đêm ngủ ngày” – là tiền đề phát sinh những rối loạn tâm thần tiềm tàng.

Tình trạng nghiện mạng xã hội đã phát triển không chỉ trong giới trẻ, lứa tuổi học sinh, sinh viên, mà nhiều người đã bị facebook mê hoặc hơn cả cuộc đời thực, là thói quen không thể từ bỏ, và chiếm mất rất nhiều thời gian trong ngày, ở mức độ nặng làm ảnh hưởng đến công việc, học tập...

Nghiện face không lành mạnh chút nào, bởi "con nghiện" không thể nhìn thấy, cảm nhận thấy biểu đạt thật như ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, giọng nói... còn gây khó hiểu, hiểu lầm, hiểu sai với các tin nhắn. Lâu dài đời sống của các "con nghiện" bị phá hoại, bởi họ chỉ biết có Facebook và bạn ảo, tình cảm ảo. Trong khi những giao tiếp trực tiếp, trải nghiệm cuộc sống với nhiều cấp độ tiình cảm phong phú hơn rất nhiều so với giao tiếp trên mạng ảo.

Hội chứng "nghiện" Facebook đang trở thành thực trạng đáng báo động, nhưng ít người đủ tỉnh táo để phát hiện nghiện facebook và tác hại của nó.

Cách tự kiểm tra xem có nghiện face hay không:

Có nhiều cách để kiểm tra xem có bị nghiện facebook hay không, và sau đây là vài cách dễ nhận thấy:

1- Cố gắng giảm vào facebook nhưng thất bại, mà còn cảm thấy sự thúc giục ngày càng nhiều.

2- Hay bồn chồn khi không vào được mạng, hoặc khi bị ngăn cản, cấm sử dụng Facebook.

3. Dùng Facebook rất nhiều, vào Facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, ăn uống, học hành… làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, công việc, học tập.

4. Mất ngủ, buồn chán, lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, luôn cảm thấy cô đơn, mắt hay nhìn xuống, bàn tay chai…

5. Hay chờ "like" trên facebook, thấy ít like là cảm thấy bị thua, tự ti… dần dần sinh ra trầm cảm, mất ăn, mất ngủ.

6. Câu like bằng những trò gây sốc (phát ngôn gây sốc, chụp ảnh nude, mặc đồ mát mẻ…) để “nổi tiếng” và bị “ném đá”, trêu chọc, hậu quả khôn lường.

7. Nghiện “chụp ảnh tự sướng” và đăng tải quá nhiều, sở thích này có thể dẫn đến rối loạn trí óc.

8. Nếu bạn dành 30 phút/ngày cho Facebook để trả lời thông báo, hoặc bình luận status của bạn bè thì không sao. Nhưng nếu thời gian là hơn 1 giờ, hoặc ngủ muộn để chơi Facebook là mạng xã hội đã cuốn hút và tác động xấu đến bạn trong các hoạt động thường ngày.

Hiện chưa có mã bệnh nghiện Facebook, chưa có thuốc “đặc trị” hiệu quả đối với nghiện facebook. Bác sĩ chỉ dùng thuốc khi bệnh nhân có các dấu hiệu nghiêm trọng của nghiện facebook, gây mất ngủ, trầm cảm…

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP