Án treo tham nhũng chỉ dành cho người… sai vặt
Mở đầu phiên chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 22/3, đại biểu Đỗ Văn Đương (ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp) khơi vấn đề chất lượng xét xử của ngành tòa án thấp, án tham nhũng được xử chưa tương xứng, tỷ lệ án treo cao, gây nghi ngại trong dư luận về phẩm chất, tinh thần của các “bao công”.
Chánh án Trương Hòa Bình xác nhận, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, ông cũng đã nêu nhận định chất lượng án xét xử đã tăng lên qua từng năm nhưng vẫn còn những vụ án, nhất là án tham nhũng chưa thuyết phục, có dư luận đánh giá, nghi vấn.
Ông Bình thanh minh, việc ít xử án tham nhũng bản chất không phụ thuộc vào tòa vì cơ quan xét xử chỉ có thể xử khi vụ việc được VKS đưa ra truy tố, có cáo trạng cáo buộc tội. Án tham nhũng chưa xử được nhiều cũng còn do khâu phát hiện, điều tra của ngành công an.
Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hải Dương) dấn thêm truy vấn với một loạt câu hỏi về án treo. Bà Lan đặt vấn đề, Nghị quyết sơ kết về việc thi hành án hình sự năm 2010 của Quốc hội đã “nhắc nhở” việc tòa án các cấp “vung tay” cho hưởng án treo, nhất là án tham nhũng. Tuy nhiên sau đó, việc kiểm tra vẫn phát hiện tòa án một số địa phương cho hưởng nhiều án treo đối với tội tham nhũng, đặc biệt còn trường hợp hưởng án treo sai quy định.
Bà Lan sốt sắng muốn biết Chánh án tối cao đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội như thế nào? Với nhiệm vụ quản lý hoạt động xét xử, Chánh án kiểm soát đối với việc thẩm phán cấp dưới cho hưởng án treo sau quy định đối với những tội phạm về chức vụ ra sao?
Ông Bình lại thanh minh, số bị cáo hưởng án treo cũng như số địa phương có trong danh sách “nhiều án treo” đến nay đã giảm mạnh. Với tư cách người đứng đầu ngành tòa án, ông Bình đã ra văn bản chỉ đạo kiểm tra quyết liệt việc này suốt 3 năm qua để có được kết quả tiến bộ rõ ràng hiện nay.
Trả lời câu hỏi, có tiêu cực trong việc cho hưởng án treo hay không, Chánh án tòa tối cao dẫn giải, việc xét xử, phạm vi xét xử của tòa án căn cứ trên cáo trạng truy tố của VKS. Những vụ án trong 3 năm qua, các cấp tòa đều phán quyết nghiêm khắc với những người cầm đầu. Tuy nhiên thực tế, trong một vụ án, thường người chủ mưu, cầm đầu (tội danh bị truy tố ở mức rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (6-8%). Số người phạm tội mang tính chất thừa hành, “sai vặt” lớn hơn rất nhiều, thường chỉ bị truy tố ở những khung hình phạt dành cho tội ít nghiêm trọng.
Ngoài ra, vì án tham nhũng, người phạm tội hầu hết là cán bộ nhà nước, nhân thân đều rất tốt nên cơ quan xét xử vừa phải đảm bảo xử đúng người, đúng tội, xử nghiêm kẻ cầm đầu nhưng cũng phải tuân thủ nguyên tắc nhân đạo, khoan hồng của pháp luật với những người tự thú, tự giác khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo… Càng nhiều tình tiết giảm nhẹ càng có cơ sở áp dụng án treo.
Còn vấn đề dư luận hoài nghi có tiêu cực, chạy án đằng sau quyết định cho hưởng án treo, ông Bình cũng không loại trừ. “Chúng tôi kiên quyêt xử lý nghiêm minh nếu phát hiện trường hợp có tiêu cực. Qua việc kiểm tra đã xử lý nhiều thẩm phán sai phạm bằng các hình thức kỷ luật như không tái bổ nhiệm, chuyển công tác khác hoặc phối hợp cơ quan điều tra xử lý nếu có dấu hiệu hình sự” – Chánh án tòa tối cao khẳng định.
BÀI MỚI ĐĂNG
Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Không để 'lọt' vào khóa mới người để vợ, chồng, con thu lợi bất chính
Bộ Chính trị cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai
Bổ nhiệm 4 nhân sự Bộ Quốc phòng, tân Bộ trưởng Bộ GTVT nhận thêm nhiệm vụ
Ông Trần Phong được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình