Internet của Triều Tiên phải thông qua Trung Quốc. Công ty mạng chịu trách nhiệm quản lý đường truyền cho Triều Tiên là China Unicom, theo The New York Times. Trong khi đó, vài ngày trước, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố “sẽ có hành động đáp trả” Triều Tiên trong vụ tin tặc tấn công mạng Sony.
Mạng ở Triều Tiên tạm thời hoạt động trở lại – Ảnh: Reuters |
Ngày 23.12, hãng tin AP dẫn lời các quan chức Triều Tiên cho biết mạng internet ở Triều Tiên đã kết nối trở lại. Trước đó, Bình Nhưỡng trải qua nhiều giờ bị ngắt mạng, gây nhiều sự chú ý trên toàn thế giới. Vấn đề là sự việc xảy ra do đâu, và nếu là một vụ “tấn công” thì ai là người đáng nghi nhất?
Nghi án bị tấn công
Có rất nhiều giả thiết đặt ra cho vụ sập mạng ầm ĩ tại Triều Tiên, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đó là một vụ tấn công. Những cách giải thích khác như chập điện hay lỗi router tức thời được đưa ra trước đó đều không mấy thuyết phục.
Arbor Networks, một dịch vụ công nghệ và cung cấp giải pháp chống tin tặc, cho biết đã phát hiện lưu lượng lớn tài khoản ảo truy cập vào mạng ở Triều Tiên dẫn tới quá tải.
Doug Madory, Giám đốc phân tích Internet tại Dyn Research, một công ty hoạt động Internet, hôm 23.12 cho biết vấn đề bắt đầu cuối tuần qua (khoảng từ ngày 21.12) và dần tồi tệ hơn cho đến thời điểm mạng Triều Tiên hoàn toàn bị đánh sập.
Madory khẳng định sự cố mạng Triều Tiên là “không bình thường”, và là “điều chưa từng chứng kiến trước đây”.
Trong bối cảnh nghi vấn bao trùm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Marie Harf nói với AP rằng Mỹ hoàn toàn không biết và sẽ không bình luận gì về sự cố ở Triều Tiên.
Ông Obama được cho đã yêu cầu Trung Quốc cắt mạng Triều Tiên – Ảnh: Reuters |
Khoanh vùng đối tượng
Vụ sập mạng tại Bình Nhưỡng gây chú ý trước hết bởi tính thời điểm. Mỹ là nước bị đặt nghi vấn đầu tiên trong vụ việc, vì cách đó chỉ vài ngày Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố “sẽ có hành động đáp trả” Triều Tiên trong vụ tin tặc tấn công mạng Sony.
Triều Tiên vẫn đang bác bỏ cáo buộc tấn công Sony Pictures, bất chấp đã chỉ trích bộ phim có nội dung ám sát lãnh đạo Kim Jong-un của nước này do Sony chịu trách nhiệm thực hiện.
Tuy nhiên, nói về nước có thể dễ dàng đánh sập mạng Triều Tiên nhất, người ta nghĩ ngay đến… Trung Quốc.
Theo Vox Media, Internet tại Triều Tiên phải thông qua Trung Quốc. Công ty mạng chịu trách nhiệm quản lý đường truyền cho Triều Tiên là China Unicom, theo The New York Times. Như vậy, Trung Quốc ít nhiều là nước có thể kiểm soát trực tiếp hệ thống mạng ở Bình Nhưỡng.
Nghi vấn này càng có cơ sở nếu thấy rằng vào ngày 21.12, Mỹ đã có động thái yêu cầu Trung Quốc cắt kết nối của Triều Tiên để bảo vệ an ninh mạng thế giới, theo The New York Times.
Trong khi đó, tờ The Times cũng dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết: “Những gì chúng tôi trông đợi là một hành động khóa mạng, những điều có thể ngăn nỗ lực tấn công của họ”.
Xa hơn, thậm chí David Sanger khi đại diện cho The New York Times trả lời phỏng vấn vụ này còn phỏng đoán rằng Trung Quốc đã đơn phương hành động: “Cuối tuần qua, các quan chức Mỹ nói với tôi rằng Trung Quốc đã không đáp ứng yêu cầu (cắt mạng Triều Tiên) của Mỹ. Và nó có thể là họ đang hành động một mình.
Trước mọi diễn biến tính đến chiều 23.12, hãng tin Triều Tiên KCNA dẫn lời quan chức Triều Tiên vẫn cho rằng họ chưa biết gì về nguyên nhân của việc sập mạng.