Đặc biệt, năm 2012 còn mang đến niềm hạnh phúc lớn lao hơn khi màn múa chân trong vở múa rối “Nét Hồng Lam” tham dự Liên hoan múa rối quốc tế tại Hà Nội đã đoạt huy chương bạc, mở ra cho các diễn viên, nghệ sỹ của Nhà hát những ngả đường sáng tạo nghệ thuật mới…
Múa rối là một bộ môn hoàn toàn mới lạ ở Hà Tĩnh, diễn viên nhà hát cũng chỉ mới được tiếp cận với loại hình nghệ thuật này thế nhưng dưới sự chỉ dạy tài hoa của NSƯT Tiến Dũng – Phó GĐ Nhà hát múa rối Việt Nam, vở rối “Nét Hồng Lam” đã được đánh giá cao và còn được trao giải bạc cho màn múa rối bằng chân. Đó không phải là sự may mắn mà là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, say mê và cần mẫn của tập thể nghệ sỹ, diễn viên nhà hát.
Anh Mai Quốc Quyền – GĐ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh cho biết: “Ban đầu, khi nhận được công văn yêu cầu dàn dựng và tham gia Liên hoan múa rối Quốc tế của Sở VH- TT& DL tôi cũng hết sức băn khoăn vì đó là bộ môn hoàn toàn xa lạ với hoạt động nghệ thuật của nhà hát. Tuy nhiên sau khi làm việc với nghệ sỹ Tiến Dũng tôi mới tự tin hơn. Trong quá trình dàn dựng và tập luyện, chúng tôi đã huy động gần như toàn bộ diễn viên, nghệ sỹ của đoàn. Với tinh thần trách nhiệm cao, anh chị em đã nhanh chóng nắm bắt được những kỹ năng cơ bản của múa rối và thể hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Vở múa rối “Nét Hồng Lam” phản ánh cuộc sống đời thường của con người Hà Tĩnh. Những con rối vô tri thông qua đôi bàn tay, bàn chân tài hoa của người nghệ sỹ đã mang đến cho khán giả những đặc trưng văn hóa của dải đất Hồng Lam. Hấp dẫn khán giả ngay từ đầu với câu ví đò đưa “Hò ơi, ai biết nước sông Lam răng là trong là đục thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh”, vở rối tiếp tục mang đến cho khán giả những cảnh sinh hoạt thường ngày của vùng nông thôn như chăn trâu cắt cỏ, thả diều, thổi sáo và hoạt động của các nghề truyền thống như chài lưới, làm muối, đan lát… Tất cả những điều đó đã làm bật lên sự gian lao mà thơ mộng, cái mênh mông của tình đất, tình người Hà Tĩnh.
Đặc biệt, sinh hoạt hát đối giao duyên của nam thanh nữ tú cùng không gian diễn xướng trong sinh hoạt văn hóa dân gian Xứ Nghệ được thể hiện bằng màn điều khiển con rối bằng chân đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả.
Anh Ngô Tất Lục – Diễn viên múa Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh cho biết: “Chưa một ngày được học về múa rối nên khi được giao nhiệm vụ tôi cũng lo lắng, tuy nhiên nhờ những kỹ năng về múa sẵn có nên tôi và các đồng nghiệp tiếp thu rất nhanh ý đồ của đạo diễn và giải bạc mà ban giám khảo trao cho màn múa chân là sự động viên lớn đối với tất cả chúng tôi”.
“Nét Hồng Lam” không chỉ nổi bật trong việc khai thác khéo léo chất liệu âm nhạc dân ca ví giặm Xứ Nghệ mà còn được biểu hiện qua việc sử dụng đạo cụ là chất liệu của vùng nông thôn như rơm, rạ, nón lá, áo tơi, sản phẩm mây tre đan… Ngoài những đặc trưng về văn hóa truyền thống, vở rối còn chuyển tải thông điệp về những tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch và sức sống mới trên quê hương Hà Tĩnh.
Một buổi tập màn múa chân của các nghệ sỹ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh
Giải bạc mà màn múa chân của vở rối nhận được đã mở ra những động lực và phương hướng mới trong hoạt động của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh thời gian tới. Từ đây, UBND tỉnh cũng đã bổ sung nội dung múa rối vào chức năng, nhiệm vụ bảo tồn và phát triển của nhà hát. Theo đó, mỗi năm nhà hát sẽ dàn dựng một chương trình múa rối để phục vụ các đối tượng khán giả.
Hy vọng trong tương lai gần, khán giả Hà Tĩnh sẽ được thưởng thức nhiều hơn nữa những vở múa rối có chất lượng nghệ thuật cao, đậm dấu ấn văn hóa Xứ Nghệ!
Anh Hoài
Báo Hà Tĩnh