Trước tình trạng đó, cuối tháng 11.2014, huyện Thạch Hà đã có cuộc họp giao cho xã Nam Hương và xã Thạch Điền tuyên truyền, vận động và yêu cầu người dân sống ở thượng nguồn lòng hồ ký cam kết không xả thải, gây ô nhiễm. Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn không thể giải quyết được tận gốc vấn đề.
“Thời gian tới, đề nghị Sở NN&PTNT kiểm tra tình trạng người dân khai thác bóc vỏ cây keo, tràm không thu dọn, gây thêm tình trạng ô nhiễm. Về lâu dài, UBND huyện Thạch Hà sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch dân cư ở thượng nguồn, quyết không để dân di cư vào rừng sinh sống, xả thải gây ô nhiễm”, đại diện huyện Thạch Hà phát biểu.
Đại diện Công ty TNHH MTV cấp nước Hà Tĩnh cũng thừa nhận thực trạng nguồn nước ở thượng nguồn hồ Bộc Nguyên đang có nguy cơ ô nhiễm. Cty cũng đã nhiều lần lập tổ liên ngành đi kiểm tra xử lý nhưng vẫn chưa giải quyết được. Trong thời gian tới, mong muốn các ngành chức năng sẽ cùng vào cuộc quyết liệt để giải quyết thực trạng này.
Chốt lại vấn đề, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Bình – khẳng định, lo ngại ô nhiễm ở thượng nguồn hồ nước Bộc Nguyên là vấn đề lớn, cần phải quan tâm. “Ban đầu từ 6 hộ dân mà giờ đã trên 100 hộ rồi. Tới đây có thể lên vài ba trăm hộ. Nếu chúng ta không có giải pháp mạnh, kịp thời thì chất lượng nước sẽ bị ảnh hưởng, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, thời gian tới phải có giải pháp đồng bộ, đề nghị UBND tỉnh phân định trách nhiệm rõ ràng cho các cấp, các ngành phải chủ động để có giải pháp quyết liệt, xử lý dứt điểm để người dân yên tâm trong sử dụng nguồn nước này.
Loay hoay đến bao giờ?
Thực trạng ô nhiễm tại thượng nguồn hồ nước Bộc Nguyên không lạ gì đối với người dân sống quanh khu vực hồ. Tại khe Thình Thình, nơi đang có hơn 100 hộ dân sinh sống hai bên ven hồ, chúng tôi chứng kiến họ sử dụng nhà vệ sinh lộ thiên, chỉ cần một trận mưa là chất bẩn trôi tuột xuống hồ. Người dân định cư sinh sống kèm theo sản xuất, trồng rừng nên nhiều chai lọ thuốc trừ sâu, trừ cỏ vứt trôi nổi cũng là vấn đề rất đáng lo ngại. Ngoài ra, mỗi ngày có hàng trăm con trâu, bò chăn thả trong lòng hồ cũng góp phần gây ô nhiễm.
“Chúng tôi đi rừng ra, vào khe Thình Thình thường xuyên nhưng phải đem theo nước ở nhà đi chứ không dám uống nước khe này vì nó tanh và kinh quá”, anh Nguyễn Văn Sỹ – một người dân ở xã Cẩm Thạch – tâm sự.
Ngày 5.1, ông Trần Việt Hà – Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà – cho biết, sau khi họp HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã có cuộc họp giao cho Sở TNMT cắm mốc khu vực ảnh hưởng gây ô nhiễm hồ nước Bộc Nguyên, sau đó mới bàn các giải pháp tiếp theo. Chẳng hạn, sẽ chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng phòng hộ. “Việc di dời các hộ dân ra khỏi thượng nguồn phải tiến hành lâu dài. Bởi di dời liên quan đến đền bù số tiền rất lớn. Đây không phải là vấn đề đơn giản. Việc này chắc huyện không thể giải quyết được”, ông Hà phân trần.
Clip: Vấn đề hồ Bộc Nguyên ô nhiễm được nêu tại phiên họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh cuối tháng 12.2014.