Dự án đầu tư

7000 tỷ đồng đánh thức mỏ Thạch Khê: Hà Tĩnh không nghe

UBND Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chưa khởi động lại dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Theo BizLIVE, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, UBND Hà Tĩnh cho biết, dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê được đánh giá gây ảnh hưởng tới mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án. Do vậy, việc  phê duyệt dự án cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cần phải được xem xét một cách khách quan, khoa học và phát triển bền vững.

Theo đánh giá của UBND Hà Tĩnh đây là khu vực mỏ có điều kiện địa chất phức tạp, nằm sát biển, thân quặng phân bổ sâu, lớp đất chủ yếu (cát, sét…), nhiều nước ngầm, diện tích dự án 4.82 ha, không chỉ ảnh hưởng 6 xã của huyện Thạch Hà mà còn ảnh hưởng đến các xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, TP. Hà Tĩnh trong quá trình khai thác, vận tải đất bóc và quặng có nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ trên các tuyến đường vận tải trong biên giới mỏ.

7000 ty dong danh thuc mo Thach Khe: Ha Tinh khong nghe
Dự án sắt Thạch Khê tiếp tục bị UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị tạm dừng. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, quy hoạch ngành thép do Bộ Công Thương ban hành mang tính dự kiến, chưa có nhà máy sản xuất cụ thể vì vậy với công suất khai thác giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 là 10 triệu tấn/năm thì dự án chưa có phương án tiêu thụ cụ thể, đảm bảo cân đối thị trường thép và nguyên liệu trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp phép xả thải còn có nội dung chung chung, sơ sài, phần kiến nghị đề xuất chưa khẳng định tính đảm bảo môi trường vì vậy cần xem xét, rà soát lại sự phù hợp và việc áp dụng các văn bản pháp luật về môi trường trong triển khai thực hiện trong trường hợp dự án được khởi động lại.

Hà Tĩnh cũng cho rằng, cần làm rõ đánh giá tác động môi trường đến vùng, dải ven biển của việc xây dựng đê lấn biển làm bãi thải, tác động ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng, đánh bắt hải sản, khu du lịch Thiên Cầm, Thạch Bằng và tác động môi trường, sụt lở đất do khác thai đến độ sâu trên 500m, đến các địa phương lân cận như Lộc Hà, TP. Hà Tĩnh…

Chưa kể, tính về hiệu quả kinh tế, dự án mới tính toán phần hiệu quả nội hàm của dự án, chưa tính toán, đánh giá, chứng thực bằng số liệu và mô hình cụ t hể để đưa ra các kết luận cơ bản về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tổng thể do dự án mang lại.

UBND Hà Tĩnh cũng cho rằng, cần xem xét lại các nội dung như phạm vi, đối tượng ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, dự án, bổ sung tài liệu nghiên cứu đánh giá tác động phạm vi ảnh hưởng gián tiếp theo lộ trình.

Hà Tĩnh cũng đề cập tới việc 3 cổ đông của dự án không thực hiện nghĩa vụ góp đủ vốn theo cam kết ngoài Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), và  yêu cầu CTCP Sắt Thạch Khê cần làm rõ cụ thể phương án vay vốn, làm việc với các ngân hàng để ký hợp đồng tín dụng, cam kết cho vay trước khi dự án triển khai.

Từ đó, UBND Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho rà soát lại các nội dung như đánh giá toàn bộ quy trình, thủ tục và nội dung dự án, làm rõ năng lực nhà đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội, quy hoạch, công nghệ; đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải và nguồn nước…

Trong thời gian chờ rà soát, đánh giá lại dự án, Hà Tĩnh cũng đề nghị các giải pháp xử lý trong những vấn đề còn tồn đọng của dự án hiện nay, đặc biệt là việc ổn định cuộc sống cho nhân dân 10 xã bị ảnh hưởng bởi dự án, đặc biệt là được quy hoạch, sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng, duy trình vùng du lịch

Trước đó, Tỉnh ủy Hà Tĩnh ngày 22/12/2016 đã có văn bản nêu rõ: Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê là một trong những dự án trọng điểm quốc gia. Khai thác mỏ sắt Thạch Khê phục vụ phát triển kinh tế xã hội là nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo trung ương, lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh. Tuy vậy, quá trình khai thác còn nhiều bất cập.

7000 ty dong danh thuc mo Thach Khe: Ha Tinh khong nghe
Dự án mỏ sắt Thạch Khê.

 Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), cổ đông giữ quyền chi phối đối với Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) trước đó cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê trong năm 2016 và cho hoãn tiền nộp thuế cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản (năm 2017, 2018).

Đại diện Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng mới đây cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang lên phương án xử lý mỏ sắt Thạch Khê và cần khoảng 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê.

 Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Bùi Văn Mưu, nguyên Giảng viên Bộ môn Luyện kim đen – Khoa KH & CN Vật liệu – ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, mỏ Thạch Khê nằm sâu ở dưới nước biển, được xếp vào loại khó khai thác và rất đắt đỏ. Muốn khai thác đưa vào sử dụng cần phải có rất nhiều vốn. Với điều kiện kỹ thuật như hiện nay, việc đầu tư số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng vào mỏ sắt Thạch Khê là rất lãng phí và không phù hợp.

GS Bùi Văn Mưu, PGS.TS Nguyễn Thị Chiều, nguyên Giảng viên Khoa KH&CN Vật liệu – ĐH Bách khoa HN nhấn mạnh: “Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, vùng lũ lụt thường xuyên. Đặc điểm khai thác quặng ở Thạch Khê rất khó khăn. Tôi không biết Bộ Công Thương đã khảo sát chưa? Mời ai đi khảo sát rồi và những khảo sát đó đã đủ kỹ chưa để làm việc khó như vậy hay chưa? Bỏ ra một khoản tiền 7.000 tỷ đồng là rất lớn, tôi nghĩ trong lúc khó khăn như thế này thì chưa nên”.

Cúc Phương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP