Thế giới

5 khí tài quân sự “đắt xắt ra miếng” của quân đội Mỹ

Bị hoài nghi trong quá trình chế tạo vì giá thành sản xuất quá đắt đỏ, một số khí tài quân sự Mỹ khi được đưa vào biên chế đã thể hiện uy lực vượt trội, xứng đáng với sự đầu tư mạnh tay của Washington.

Xe tăng M1 Abrams (năm gia nhập biên chế: 1980)

Xe tăng M1 Abrams (Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ)

Xe tăng M1 Abrams (Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ)

Dự án này đã từng bị coi là vũ khí đắt đỏ và thất bại trong những ngày đầu phát triển. Nó là “hậu duệ” của 2 dự án không thành công khác là MBT-70 và XM803. Hai chương trình trên tốn cả tỷ USD nhưng không thể cho ra được một khí tài đạt yêu cầu, chủ yếu do chúng quá phức tạp và không đạt hiệu quả khi thực chiến.

Vì vậy, khi lục quân Mỹ theo đuổi một dự án xe tăng tua-bin phát triển trên nền tảng XM803, giới quan sát và chuyên gia tiếp tục hoài nghi về khả năng thành công của vũ khí này. Theo Business Insider, nguyên mẫu đầu tiên của Abrams bị coi là thất bại khi kích thước của nó quá lớn, trọng lượng quá nặng và tiêu thụ nhiều nhiên liệu.

Hầu hết mọi ý kiến đều cho rằng đây là một sự thất bại kế tiếp của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, sau cuộc tập trận đầu tiên, Abrams đã có màn trình diễn kinh ngạc khi tiêu diệt hàng loạt xe với hiệu suất rất tốt. Abrams cũng đã tham chiến trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Mỹ đưa 2.000 chiếc Abrams tới Trung Đông và sau khi chiến dịch kết thúc, chỉ có 18 chiếc bị hỏng và không có thương vong về người.

Máy bay chiến đấu F-15 (năm 1976)

Máy bay F-15 (Ảnh: Wikimedia)

Máy bay F-15 (Ảnh: Wikimedia)

F-15 là máy bay chiến đấu được thiết kế để có thể xâm nhập một cách nhanh chóng vào không phận đối phương nhằm loại bỏ máy bay đối địch. Mỹ kỳ vọng có thể tạo ra được một máy bay chiến đấu linh hoạt, có khả năng tránh né và đối phó các cuộc tấn công đất đối không và không đối không.

Tuy nhiên, F-15 là chương trình gây tranh cãi vì chi phí phát triển quá lớn. Quốc hội Mỹ và giới truyền thông từng đánh giá quân đội nước này đã mua quá nhiều chiếc F-15 với giá thành đắt vượt quá tiêu chuẩn và thiết kế phức tạp trong khi họ có thể chỉ cần mua những chiếc F-14 với giá rẻ hơn.

F-15 đã được mệnh danh là một trong những “huyền thoại” trong các máy bay chiến đấu. Trong suốt vài chục năm hoạt động, nó đã bắn hạ 104 mục tiêu và chỉ thất bại 2 lần trước hỏa lực mặt đất. Theo Business Insider, chưa từng có một đối thủ nào chứng minh được rằng họ từng thắng F-15 trong tác chiến không đối không.

F-15 dự kiến sẽ phục vụ trong không quân Mỹ tới năm 2025.

Máy bay chiến đấu F-14 (năm 1974)

Máy bay F-14 (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Máy bay F-14 (Ảnh: Quân đội Mỹ)

F-14 Tomcat là sản phẩm của tập đoàn Northrop Grumman được phát triển với mục tiêu phòng thủ cho nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ và đánh bại các máy bay đối thủ.

Trong quá trình phát triển, nguyên mẫu F-14 đầu tiên được trang bị động cơ khá yếu và phi công phải sử dụng buồng đốt 2 lần để cất cánh từ tàu sân bay.

Đặc biệt, F-14 đã suýt nữa bị 2 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và Dick Cheney “khai tử” vì chi phí phát triển quá đắt đỏ nhưng không chứng minh được hiệu quả. Hải quân Mỹ vẫn kiên trì với dự án này dù nhận được những ý kiến trái chiều.

F-14 đã trở thành một trong những máy bay thành công nhất của Mỹ khi tham chiến tại Libya, Iraq, Bosnia và Afghanistan. F-14 từng rất được Iran ưa chuộng vào thời điểm họ vẫn còn là đồng minh với Mỹ. Theo thống kê từ nhiều nguồn, tỉ lệ thành công và thất bại khi tham chiến của F-14 là 164-1. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng con số trên có thể không chính xác vì lấy từ một số nguồn không chính thống.

Máy bay chiến đấu F-18 (1983)

Máy bay F-18 (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Máy bay F-18 (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Trước khi trở thành một trong những máy bay xuất sắc nhất trong lịch sử Mỹ, F-18 từng trở thành tâm điểm quan ngại. Mục tiêu ban đầu của F-18 là thay thế cho chiếc F-14 vốn bị coi là hoạt động hiệu quả với hải quân nhưng giá thành quá đắt đỏ.

Tuy nhiên, giá thành của dự án F-18 đã bị đẩy từ 7 tỷ USD lên 40 tỷ USD dù có tầm tấn công ngắn hơn, tốc độ thấp hơn và mang được ít vũ khí hơn hẳn F-14.

Mặc dù vậy, F-18 đã chứng minh được khả năng và phá vỡ mọi kỷ lục về sự linh hoạt, tin cậy và ổn định khi so sánh với các “chim sắt khác”. Trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, F-18 có thể vừa bắn rơi máy bay Iraq, đồng thời loại bỏ mục tiêu mặt đất trong cùng một nhiệm vụ tác chiến. Nó đã trở thành máy bay chiến đấu chủ lực của hải quân Mỹ trong nhiều thập niên.

Máy bay ném bom B-1B (1986)

Máy bay ném bom B1 (Ảnh: Không quân Mỹ)

Máy bay ném bom B1 (Ảnh: Không quân Mỹ)

Vào cuối những năm 1960 khi Mỹ dự định chế tạo máy bay B-1, các máy bay ném bom thời đó thường có công thức chung: tốc độ cao, bay vượt trên phòng không đối thủ, và bay bền bỉ hơn các máy bay đánh chặn đối phương. Tuy nhiên, B-1 đã được chế tạo theo một chuẩn khác đó là bay ở tầm thấp và tàng hình để tránh phòng không đối thủ. Nhưng chi phí của dự án này đã bị đội lên đến mức nó đã bị dừng lại vào năm 1977.

Sau đó, cựu Tổng thống Ronald Reagan đã hồi sinh dự án này vào năm 1981 với yêu cầu rằng máy bay phải hạ tốc độ xuống mức Mach 1,2 và mang được thêm nhiều vũ khí hơn. Chiếc B-1B đã xuất hiện vào năm 1984 và giữ gần như “50 kỷ lục thế giới về tốc độ, tải trọng vũ khí, tầm tấn công so với lớp máy bay cùng thời”, theo tạp chí Airman. B-1B đã trở thành một trong những máy bay xuất sắc nhất thế giới, được gọi là “bóng ma bầu trời” vì dù có kích thước lớn nhưng sở hữu khả năng tàng hình rất ấn tượng.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP