Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, một nguyên tắc phải nhớ của Luật này là lao động theo hợp đồng. Nếu lao động mà không theo hợp đồng thì không chi phối bởi Luật này. “Ví dụ, lao động đi theo con đường bất hợp pháp. Tôi nói vụ 39 người ở Anh vừa qua là không thuộc chi phối của Luật này”, ông Dung dẫn chứng.
Ngoài ra, Luật không điều chỉnh lao động đường biên; đi du lịch hay là thăm thân một cách bình thường, sau đó tìm cách ở lại lao động; lao động dịch chuyển, lao động tự do, hay nói cách khác là di chuyển thể nhân theo hợp đồng ngoại khối và nội khối…
Ngược lại, Luật có quy định về các hình thức người Việt Nam đi lao động nước ngoài.
Với Luật hiện hành thì có 4 hình thức. Hình thức thứ nhất là lao động đi thông qua doanh nghiệp được cấp giấy phép của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hình thức thứ hai là đi qua doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu nhận công trình.
Hình thức thứ ba là đi thông qua doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài.
Hình thức thứ tư là đi theo hợp đồng lao động tự do của người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng. Lực lượng lao động tự do này trước khi đi thì đăng ký thông qua cơ quan quản lý lao động ở địa phương.
Riêng về việc đi lao động ở nước ngoài thông qua kỳ nghỉ, Bộ trưởng Dung giải thích, chúng ta đang làm thí điểm mà chủ yếu địa bàn Australia. Năm 2020 là 1.500 trường hợp đi, nhưng tất cả những trường hợp này trước khi đi đều đăng ký qua cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sau khi được Đại sứ quán Australia nhất trí thì sang du lịch mới được lao động nên nó hoàn toàn khác với hình thức sang đó mới tự tìm kiếm việc làm.
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung thì bổ sung loại hình thứ năm. Cụ thể, cách đây khoảng 2 năm thì xuất hiện hình thức giữa các địa phương của Việt Nam, 1 tỉnh Việt Nam với 1 địa phương của một nước khác hợp tác lao động với nhau, hợp tác ngắn hạn 3 tháng, 4 tháng, thậm chí đưa lực lượng lao động cả xã sang đó lao động, hết thời vụ trở về.
Nhân hình thức thứ năm này, Bộ trưởng phân tích luôn về đề xuất bổ sung đơn vị sự nghiệp đứng ra giúp cho UBND tỉnh khi UBND tỉnh ký kết theo điều ước và hợp tác về lao động. Đơn vị sự nghiệp này chính là Trung tâm lao động trực thuộc UBND tỉnh hoặc thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bộ trưởng Dung khẳng định, đơn vị này không phải là một pháp nhân mới mà chỉ giúp cho UBND thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại cho rằng, không nên quy định cho các tổ chức sự nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vì tổ chức sự nghiệp không có chức năng sản xuất kinh doanh, trong khi đó việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài là một loại hình kinh doanh có điều kiện.
Tác giả: T.Quyên
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam