Trong nước

2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng không nhận tội

Hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Phan Văn Anh Vũ cùng nhiều bị cáo vụ thâu tóm công sản ở Đà Nẵng không nhận tội.

Ngày 4-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 20 bị cáo trong vụ thâu tóm nhà, đất công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng. Số này có Phan Văn Anh Vũ (cựu thượng tá tình báo Bộ Công an) và hai cựu chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến.
Các bị cáo bị cáo buộc hai tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Nhiều bị cáo kêu oan

Do bản án sơ thẩm rất dài và có rất nhiều người tham gia tố tụng, ngày làm việc đầu tiên, HĐXX dành phần lớn thời gian cho phần thủ tục cũng như công bố nội dung bản án.

Đặc biệt, ngay khi được HĐXX hỏi, hàng loạt bị cáo đã đồng loạt kêu oan. Điển hình là cựu chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh. Ông Minh cho biết giữ nguyên kháng cáo kêu oan, đồng thời nộp thêm một số chứng cứ mới.

Tương tự, cựu chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến kêu oan về cả hai tội danh. Trước đó, bị cáo này từng có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại hình phạt và trách nhiệm dân sự.

Phan Văn Anh Vũ giữ nguyên quan điểm như trong suốt quá trình xét xử sơ thẩm, cho rằng mình không phạm tội và kêu oan.

Ngoài ra, nhiều bị cáo khác cũng kêu oan như Nguyễn Điểu (cựu giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng); Nguyễn Thanh Sang (cựu phó giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng); Nguyễn Đình Thống (cựu giám đốc Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng), Phan Xuân Ít (cựu phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng)...

Trong số những bị cáo còn lại, nhiều người xin miễn trách nhiệm hình sự, một số xin giảm nhẹ hình phạt.

Một diễn biến đáng chú ý khác tại phần thủ tục, Phan Văn Anh Vũ đề nghị không sử dụng hai tên gọi khác của mình (Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ), vì những tên này được dùng trong vụ án khác.

Bị cáo cho rằng mình không bị bắt theo lệnh truy nã như lý lịch đã ghi. Tại tòa sơ thẩm, bị cáo từng nói khi đang ở Singapore và xem tivi thấy mình bị khởi tố nên chủ động về nước.

Từ trái qua: Các bị cáo Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ và Văn Hữu Chiến. Ảnh: TP


Thiệt hại hơn 21.000 tỉ đồng

Theo bản án sơ thẩm, hành vi vi phạm của các bị cáo ở 22 dự án nhà, đất công sản và bất động sản trên địa bàn TP Đà Nẵng đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 21.000 tỉ đồng.

Trong đó, bị cáo Trần Văn Minh là người ra chủ trương quyết định trong việc bán, chuyển nhượng đất dự án, nhà, đất công sản trái quy định pháp luật, chỉ đạo các bị cáo thuộc các sở, ban, ngành thực hiện hành vi phạm tội.

Bị cáo Văn Hữu Chiến trong giai đoạn 2006-2011 phạm tội với vai trò đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Minh. Đến giai đoạn 2011-2014, bị cáo là chủ tịch UBND TP, trực tiếp ra chủ trương ban hành các quyết định trái pháp luật trong việc bán nhà, đất công sản, chỉ đạo các bị cáo dưới quyền thực hiện hành vi phạm tội.

Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ thân thiết với các cấp lãnh đạo TP Đà Nẵng, đặc biệt là nguyên bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP, cũng như một số cán bộ cấp cao của Bộ Công an.

Vũ đã lợi dụng công ty bình phong để thực hiện mưu đồ cá nhân trong việc nhận chuyển nhượng dự án nhà, đất công sản. Các đơn từ do bị cáo trình lên đều được lãnh đạo UBND TP chấp thuận bằng bút phê. Tất cả lợi ích trong việc mua bán nhà, đất công sản nói trên đều thuộc về cá nhân Vũ.

HĐXX khẳng định Vũ không thuộc đối tượng được mua chỉ định các nhà, đất công sản nhưng đã lợi dụng các văn bản pháp lý trái quy định của UBND TP Đà Nẵng, thỏa thuận với giám đốc một số công ty, lợi dụng công văn của Bộ Công an để công ty của bị cáo được mua nhà, đất, giao quyền sử dụng đất không qua đấu giá…

Từ những căn cứ trên, tòa tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ 25 năm tù, Trần Văn Minh 17 năm tù, Văn Hữu Chiến 12 năm tù, về hai tội danh đã nêu. 17 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 18 tháng đến sáu năm tù giam, về một trong hai hoặc cả hai tội danh.

Riêng cựu chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Cán được miễn trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Tòa sơ thẩm nhận định vụ án này có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Việc đưa các bị cáo ra xét xử là minh chứng cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, với quan điểm không có vùng cấm, bất kể đó là ai.

Hôm nay (ngày 5-5), tòa tiếp tục làm việc.

Đề nghị tòa triệu tập chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Bị cáo Trần Văn Minh đề nghị triệu tập ông Hoàng Tuấn Anh (cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) để làm rõ hơn chứng cứ thực tế cũng như phân định trách nhiệm trong việc giải quyết nhà, đất tại một số dự án.

Ngoài ra, ông Minh còn đề nghị triệu tập đại diện Bộ Công an nhằm làm rõ tính pháp lý của công văn do một thứ trưởng bộ này ký đề nghị cho Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 được mua đất và xin được treo bản đồ vệ tinh liên quan đến dự án 29 ha tại khu đô thị quốc tế Đa Phước…

Đại diện VKS nhất trí với ý kiến của một số luật sư về việc cần thiết phải triệu tập các giám định viên của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Bộ TN&MT vì việc kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo dựa trên các kết luận giám định tương ứng.

Chốt lại vấn đề, chủ tọa phiên tòa cho biết quá trình xét xử vụ án, nếu thấy cần thiết thì HĐXX sẽ triệu tập thêm người tham gia tố tụng. Đối với yêu cầu treo bản đồ vệ tinh của bị cáo Minh, do hồ sơ vụ án đã có, các cơ quan tiến hành tố tụng đã nghiên cứu kỹ… nên việc này không cần thiết.

Tác giả: TUYẾN PHAN

Nguồn tin: Báo PL TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP