Kinh tế

19 "ông lớn" Nhà nước thay đổi thế nào sau 5 năm về "siêu ủy ban"?

Đến nay sau 5 năm, 19 "ông lớn" Nhà nước đã có những thay đổi đáng kể khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 26-9, tại tọa đàm Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với chủ đề "Nhìn lại và hướng tới" do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban, cho biết đến năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1 triệu 154 ngàn tỉ đồng; tổng tài sản hợp nhất đạt 2 triệu 491 ngàn tỉ đồng, chiếm tỉ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong cả nước.

Ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủyban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, phát biểu.


Đến nay sau 5 năm, 19 "ông lớn" Nhà nước đã có những thay đổi đáng kể khi chuyển về "siêu ủy ban". So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), theo báo cáo tài chính của các Tập đoàn, Tổng công ty đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1.055.618 tỉ đồng lên 1.154.600 tỉ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2.359.693 tỉ đồng lên 2.490.832 tỉ đồng; các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng.

Theo ông Sơn, tính riêng năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.871.050 tỉ đồng, chiếm 20% GPD cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018). Đáng chú ý, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đạt doanh thu kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.309 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227.990 tỉ đồng.

Ông Phạm Văn Sơn cho biết thêm sau 5 năm chuyển về Ủy ban quản lý, 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã phê duyệt, triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư 185 dự án nhóm A, 455 dự án nhóm B. Trong giai đoạn 2018 - 2023, Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt trên 769 ngàn tỉ đồng.

Sau 5 năm nhìn lại, Vụ trưởng Vụ tổng hợp đã thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như các Tập đoàn, Tổng công ty chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, kiểm soát chất lượng thông qua lựa chọn và kiểm soát nhà thầu, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng.

Bên cạnh đó, phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi, có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế từng doanh nghiệp.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng nêu rõ, một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia bất ổn về chính trị,… dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung cho rằng DNNN nhìn chung có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ


Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đỗ Thành Trung đã nhấn mạnh vai trò của DNNN trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, sự phát triển lớn mạnh của DNNN không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là an sinh xã hội.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng nhìn nhận vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. "DNNN nhìn chung có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Chất lượng, hiệu quả chủ yếu xuất phát từ những DNNN quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại như viễn thông, tài chính tín dụng"- ông Trung nêu rõ.

Nhấn mạnh các DNNN mới chỉ chiếm lĩnh được một phần thị trường trong nước nhưng chưa có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nêu thực tế các DNNN chưa có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tạo ra giá trị gia tăng cao trong khi xuất khẩu là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho rằng phương thức quản lý đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cần được chú trọng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp.

Các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP