Thực tế ảo là môi trường mô phỏng được tạo ra bởi máy tính, mang đến trải nghiệm điện ảnh đa chiều. Khán giả thấy mình thật sự đứng trong bộ phim và có thể xoay mọi hướng để theo dõi câu chuyện. Năm nay, công nghệ tân tiến này tạo ra cơn sốt mới trong giới điện ảnh.
Tại liên hoan Cannes, đạo diễn Madagascar Eric Darnell công chiếu phim ngắn thực tế ảo 6 phút Invasion! và khẳng định đây là thứ ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn mới. Sau đó ở Venice, bộ phim dài 40 phút Jesus VR: The Story of Christ trở thành tâm điểm chú ý. Tác phẩm được nhà phê bình Peter Bradshaw của tờ The Guardian gọi là bước đột phá khi là phim truyện đầu tiên được trình chiếu dưới định dạng thực tế ảo (virtual reality).
Một rạp chiếu phim áp dụng công nghệ thực tế ảo đầu tiên được mở ở Toronto, Canada với tên gọi Vivid. Theo Variety, đạo diễn vừa đoạt Oscar Alejandro G. Iñárritu cũng đang phát triển một phim ngắn cho hãng Legendary Entertainment.
Phim ăn thịt người khiến khán giả ngất xỉu ở liên hoan Toronto
Raw là phim kinh dị của nữ đạo diễn người Pháp Julia Ducournau, xoay quanh một nữ sinh ăn chay về sau trở thành kẻ ăn thịt người. Tác phẩm được chiếu tại chương trình Midnight Madness ở Liên hoan phim Toronto 2016. Ngay trong buổi chiếu, nhiều khán giả bị ngất do những cảnh quay kinh khủng. Theo chuyên viên marketing của phim là Ryan Wener, một xe cứu thương phải đến hiện trường để chăm sóc những người gặp nạn.
Đây không phải lần đầu tiên một tác phẩm điện ảnh vượt quá sức chịu đựng của người xem. Năm 2012, phim kinh dị V/H/S khiến khán giả bị ngất trong rạp. Theo tờ Telegraph, một phim khác gây phản ứng tương tự là Antichrist (2009) của đạo diễn bậc thầy Lars von Trier. Tờ New York Times cũng từng ghi nhận việc nhiều người nôn mửa, run rẩy hoặc bỏ khỏi phòng chiếu The Exorcist vào năm 1974.
Trung Quốc giải cứu hàng loạt “bom xịt” Hollywood
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc phát triển các cụm rạp nhanh chóng. Theo thống kê của Statista, quốc gia này hiện có hơn 30.000 phòng chiếu và liên tục tăng trưởng với tốc độ 30% mỗi năm (Mỹ hiện có trên 40.000 phòng chiếu). Tiềm năng của đại lục biến nơi đây thành “bãi đáp” cho các tác phẩm Hollywood thất sủng tại quê nhà. Xu thế này thể hiện rõ trong năm 2016 với việc một loạt phim Mỹ có doanh thu ở Trung Quốc cao hơn nội địa, bao gồm Warcraft, Now You See Me và Mechanic: Resurrection. Trong đó, đặc biệt nhất là trường hợp của Warcraft khi chỉ thu về 47 triệu USD ở Mỹ, song thắng lớn với 220 triệu USD ở Trung Quốc.
Nhà làm phim Brett Ratner cho rằng sẽ đến lúc hãng phim Mỹ không quan tâm đến việc một bộ phim có kinh phí vài trăm triệu USD được phát hành ở Mỹ hay không, vì đã có thị trường Trung Quốc. Thành Long cũng nhận xét doanh thu của Warcraft ở Trung Quốc khiến người Mỹ sợ hãi. “Nếu Trung Quốc mang đến doanh thu 1,5 tỷ USD cho một phim, giới làm phim cả thế giới sẽ học tiếng Trung thay vì tiếng Anh”, ngôi sao hành động vừa nhận Oscar danh dự chia sẻ.
Cơn sốt kinh dị ở Bắc Mỹ và châu Á
Trên Rotten Tomatoes, năm nay có đến tám phim kinh dị được chiếu rộng rãi ở Mỹ nhận điểm “fresh” – cao nhất trong nhiều năm gần đây. Danh sách này bao gồm 10 Cloverfield Lane, The Witch, The Conjuring 2, The Shallows, Lights Out, Don’t Breathe, Ouija: Origin of Evil và đặc biệt là Train To Busan. Theo thống kê trên Box Office Mojo, tổng doanh thu của các phim kinh dị từ đầu năm lên đến hơn 1,1 tỷ USD, vượt xa so với năm 2014 (684 triệu USD) và 2015 (685 triệu USD).
* Trailer phim “Train To Busan”
Hai bộ phim là cú hích tạo ra cơn sốt phim kinh dị nửa cuối năm gồm The Conjuring 2 và Train To Busan. Trong khi The Conjuring 2 nâng tầm phim kinh dị 17+ mùa hè 2016, Train To Busan trở thành hiện tượng phim về xác sống gây sốt châu Á.
Rò rỉ video đạo diễn “Last Tango in Paris” ép nữ chính đóng cảnh hiếp dâm
Ngày 4/12, một đoạn video ngắn xuất hiện trên mạng với nội dung là lời thú nhận gây sốc của đạo diễn Bernardo Bertolucci. Theo đó, ông cùng tài tử huyền thoại Marlon Brando đã ép minh tinh Maria Schneider quay cảnh bị cưỡng hiếp trong Last Tango in Paris, dù cô không đồng ý. Bertolucci muốn ghi nhận phản ứng của Schneider như một cô gái thật sự, chứ không phải một diễn viên. Tác phẩm năm 1972 kể về một cô gái đã đính hôn, nhưng tình cờ gặp một gã người Mỹ ở Paris rồi lao vào quan hệ tình ái.
Vụ việc khiến nhiều sao Hollywood phản ứng mạnh mẽ. Jessica Chastain nói cô kinh tởm hành vi của Bertolucci. Tài tử thủ vai Captain America – Chris Evans – tuyên bố sẽ không bao giờ nhìn nhận Bertolucci hay Brando như trước nữa. Anh thậm chí còn cho rằng đạo diễn và nam chính của Last Tango in Paris nên bị bỏ tù. Một số nghệ sĩ khác như Evan Rachel Wood, Ava DuVernay hay Anna Kendrick cũng bày tỏ sự phẫn nộ trên trang cá nhân.
Đáp trả dư luận, đạo diễn Bernardo Bertolucci giải thích minh tinh Maria Schneider biết rõ kịch bản về cảnh cưỡng hiếp thế nào, diễn viên chỉ không rõ đoàn phim dùng bơ cho phân cảnh đó.