Cuộc sống số

10 sự kiện công nghệ, viễn thông trong nước nổi bật nhất năm 2015

1.Chính phủ ban hành nghị quyết 36A về xây dựng Chính phủ điện tử

Năm 2015 khép lại với hàng loạt sự kiện quan trọng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin- Viễn thông (CNTT-VT), trong đó có nhiều sự kiện thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của ngành này. Dưới đây là 10 sự kiện CNTT-VT nổi bật năm 2015 do báo điện tử Dân trí bình chọn.

Việt Nam đã có đầy đủ các điều kiện để xây dựng chính phủ điện tử
Việt Nam đã có đầy đủ các điều kiện để xây dựng chính phủ điện tử

Ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về xây dựng Chính phủ điện tử, với mục tiêu từ năm 2015 – 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Nghị quyết này được ban hành với kỳ vọng nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước; đáp ứng, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; thúc đẩy cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Chính phủ điện tử sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính, kiểm soát được những sai sót khi làm thủ tục, tiết kiệm giấy tờ hành chính. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch trên mạng điện tử sẽ làm giảm bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

2.Quốc hội thông qua Luật an toàn thông tin mạng

Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng mới
Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng mới

Ngày 19/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) với 85,83% đại biểu tán thành.

Luật ATTTM gồm 8 chương và 54 điều, quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

Với việc ban hành Luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin mạng theo hướng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các quy định trong lĩnh vực này. Đồng thời, phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin; tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực An toàn thông tin mạng.

3.Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sang năm thứ 11

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã trải qua 11 năm tìm kiếm và tôn vinh nhân tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã trải qua 11 năm tìm kiếm và tôn vinh nhân tài

Giải thưởng Nhân tài Đất Viêt, cuộc thi tìm kiếm và tôn vinh tài năng Việt Nam do báo Báo Dân trí và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đồng tổ chức đã bước sang năm thứ 11.

Bước sang năm thứ 11, Giải thưởng NTĐV đã khẳng định được vị trí số 1 trong trong lĩnh vực CNTT và cũng là Giải thưởng có uy tín về lĩnh vực Khoa học, Y dược, Môi trường… Giải thưởng không ngừng đổi mới, mở rộng ra nhiều lĩnh vực từ CNTT, Khoa học công nghệ, Y dược, Môi trường và sẽ còn tiếp tục mở rộng hơn trong tương lai.

Trải qua 11 năm, Giải thưởng đã thu hút nhân tài trong nước và thậm chí từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Hàng năm, luôn có người Việt từ các nước Anh, Mỹ, Singapore, Úc… gửi sản phẩm, công trình tham dự. Nhiều sản phẩm sau khi được Giải thưởng NTĐV vinh danh đã được áp dụng thành công vào thực tế hoặc nhận được những sự đầu tư, tài trợ kịp thời để giúp phát triển hơn nữa ý tưởng ban đầu… Trong 11 năm tổ chức liên tục, Giải thưởng đã có hơn 5.000 tài năng Việt tham gia với hơn 2.000 sản phẩm hoàn thiện có tính ứng dụng cao.

4.Nhà mạng bắt đầu triển khai thử nghiệm 4G

Các nhà mạng tại Việt Nam đã sẵn sàng để lên 4G
Các nhà mạng tại Việt Nam đã sẵn sàng để lên 4G

Từ ngày 12/12 nhà mạng quân đội Viettel đã chính thức khai trương thử nghiệm dịch vụ 4G tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Như vậy Viettel trở thành mạng di động đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ 4G ra thị trường.

Viettel đầu tư gần 200 trạm phát sóng phủ toàn bộ khu vực dân cư của TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa và huyện Long Điền. Nhà mạng này cho biết, tốc độ 4G tại Vũng Tàu đạt trung bình từ 40-80Mb/s cao hơn 7 lần so với tốc độ trung bình của 3G. Tại một số điểm tốc độ có thể đạt đến 230Mb/s gần với tốc độ lý tưởng theo lý thuyết (công nghệ 4G LTE-A cao cấp hiện nay có thể đạt tốc độ download 300 Mb/s, upload 150 Mb/s).

Trong khi đó, nhà mạng Vinaphone sẽ cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm mạng 4G vào khoảng tháng 1/2016 tại Phú Quốc. Tuy nhiên, thời gian cụ thể triển khai chưa được công bố.

Nói về kế hoạch thử nghiệm mạng 4G của 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đã được cấp phép, Cục Viễn thông nhấn mạnh, mục đích của việc cấp phép thử nghiệm 4G là để đảm bảo tính tương thích và đồng bộ với mạng hiện có, đồng thời đánh giá cơ hội cung cấp dịch vụ 4G trong tương lai.

5.VNPT hoàn tất tái cơ cấu, thành lập 3 Tổng công ty

 VNPT đã hoàn tất tái cơ cấu, thành lập 3 Tổng công ty trực thuộc

VNPT đã hoàn tất tái cơ cấu, thành lập 3 Tổng công ty trực thuộc

Ngày 8/5, Tập đoàn VNPT đã ký quyết định thành lập 3 Tổng công ty trực thuộc: Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone), Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media) và Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net). Từ ngày 1/7, 3 tổng công ty mới đã chính thức điều hành toàn mạng, hoàn thành mục tiêu tái cấu trúc tập đoàn theo đúng tiến độ như cam kết với Thủ tướng.

6.Bphone ra mắt, ồn ào nhưng không như kỳ vọng

 Từ một sản phẩm được kỳ vọng là “bom tấn”, Bphone dần trôi vào quên lãng

Từ một sản phẩm được kỳ vọng là “bom tấn”, Bphone dần trôi vào quên lãng

Một trong những sự kiện đình đám và “tốn nhiều giấy mực” của giới truyền thông trong năm 2015 là sự xuất hiện của Bphone, chiếc smartphone đầu tiên của công ty an ninh mạng BKAV.

Sở dĩ Bphone thu hút được sự chú ý của dư luận vì đây là chiếc smartphone đầu tiên được phát triển và sản xuất tại Việt Nam. Trước khi được chính thức ra mắt vào tháng 5/2015, BKAV đã nhiều lần “úp mở” về chiếc smartphone của mình tại các sự kiện lớn của giới công nghệ quốc tế và đặc biệt sản phẩm gây chú ý với lời giới thiệu “smartphone tốt nhất thế giới”.

Tuy nhiên khi sản phẩm được chính thức ra mắt, Bphone không thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng của những người quan tâm. Sản phẩm chỉ sở hữu một cấu hình không quá nổi bật, nếu không muốn nói là “lạc hậu” vào thời điểm ra mắt (tháng 5/2015), với màn hình 5-inch độ phân giải Full HD (1920×1080), bộ vi xử lý thế hệ cũ Snapdragon 801, 3GB bộ nhớ RAM, ổ cứng lưu trữ 16, 64 hoặc 128GB, nhưng không hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ ngoài.

Về phần thiết kế, mặc dù Bphone được đánh giá khá cao về thiết kế nguyên khối với khung viền kim loại và kính cường lực, tuy nhiên vẫn chưa thể trở thành chiếc “smartphone đẹp nhất thế giới” như lời quảng cáo của BKAV. Bên cạnh đó, mức giá 10,98 triệu đồng cho phiên bản thấp nhất của Bphone cũng không quá thấp như những gì BKAV đã tuyên bố và với mức giá này, người dùng có thể lựa chọn nhiều sản phẩm có tên tuổi hơn trên thị trường smartphone.

Sau đợt bán ra đầu tiên vào ngày 2/6/2015 thu hút sự chú ý của dư luận trong nước, Bphone dần “rơi vào quên lãng” và những đợt bán hàng tiếp theo của Bphone không còn tạo được sự chú ý như trước đây. Mặc dù hiện tại BKAV vẫn chưa công bố doanh số chi tiết của Bphone, tuy nhiên không quá khi nói rằng đây là một sản phẩm “bom xịt” khi sản phẩm dường như “biến mất” khỏi các phương tiện truyền thông và cái tên Bphone đã trở nên “nguội lạnh”.

7.Website xem điểm thi của Bộ GD-ĐT bị sập do quá tải

 Trang web của Bộ GD-ĐT đã quá tải, không thể truy cập trong thời điểm công bố điểm thi tốt nghiệp PTTH.

Trang web của Bộ GD-ĐT đã quá tải, không thể truy cập trong thời điểm công bố điểm thi tốt nghiệp PTTH.

Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện kỳ thi quốc gia, gộp chung kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học, đây cũng là năm đầu tiên kết quả điểm thi được tập trung và công bố duy nhất thông qua trang web của Bộ GD-ĐT, thay vì các trường Đại học hoặc Sở GD-ĐT các tỉnh thành tự công bố như trước đây.

Tuy nhiên, chính việc tập trung kết quả thi của tất cả các thí sinh trên cả nước vào một điểm duy nhất đã gây nên tình trạng quá tải và không thể truy cập được, khiến nhiều thí sinh và người nhà thí sinh cảm thấy lo lắng khi không thể xem được điểm số của mình.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này vì lượng truy cập vào trang web tra cứu điểm thi của Bộ GD-ĐT khi có kết quả thi đã tăng lên đột biến khiến hệ thống máy chủ không đủ sức đáp ứng gây nên tình trạng bị ngưng trệ và không phản hồi. Điều này cho thấy dường như Bộ GD-ĐT đã không lường trước được sự việc và gây nên tình trạng hoang mang, bức xúc cho các thí sinh.

Nếu tiếp tục áp dụng hình thức thi tuyển và công bố kết quả như năm 2015, nên chăng Bộ GD-ĐT cần có các giải pháp phù hợp để đáp ứng lượng truy cập tăng đột biến khi công bố kết quả thi.

8.Số hóa truyền hình – tắt sóng analog tại 5 thành phố lớn

 Quá trình số hóa truyền hình diễn ra chậm hơn so với dự kiến

Quá trình số hóa truyền hình diễn ra chậm hơn so với dự kiến

Đề án số hóa truyền hình Việt Nam là đến năm 2020 đặt mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng từ công nghệ tương tác (analog) sang công nghệ số (digital). Theo đề án, trong giai đoạn một tính đến 31/12/2015, 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội (cũ), TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ bắt đầu ngừng phát sóng các kênh chương trình analog (tương tự) để chuyển sang truyền hình số mặt đất.

Tuy nhiên, trong năm 2015 chỉ có mình Đà Nẵng là địa phương thực hiện việc tắt sóng 3 kênh truyền hình analog VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1. Trong khi đó, các địa phương còn lại xin lùi thời hạn ngừng phát sóng truyền hình analog. Cụ thể, Hà Nội và TP.HCM đề nghị được ngừng phát sóng truyền hình analog cùng với các tỉnh lân cận thuộc nhóm 2 (trước ngày 31/12/2016). Riêng Cần Thơ xin lùi thời hạn tắt sóng analog cùng với nhóm 3 (trước ngày 31/12/2018).

Tuy nhiên, vào ngày 23/12, Bộ TT&TT đã ra thông báo về việc điều chỉnh thời điểm ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố nêu trên từ ngày 1/3/2016, ngừng phủ sóng một số kênh truyền hình tương tự mặt đất, đến ngày 1/6/2016 sẽ ngừng phủ sóng truyền hình analog ở 4 TP này.

9.HKphone lặng lẽ rút khỏi thị trường

 HKPhone đã phải rút khỏi thị trường Việt Nam vì không đủ khả năng cạnh tranh.

HKPhone đã phải rút khỏi thị trường Việt Nam vì không đủ khả năng cạnh tranh.

Sau một thời gian cạnh tranh ở phân khúc smartphone giá rẻ, thương hiệu Việt Rovi (sau khi được đổi tên từ HKPhone) đã lặng lẽ rút lui khỏi thị trường. HKPhone được biết đến là một thương hiệu bán các sản phẩm nhập khẩu từ Hồng Kông. Vào năm 2013, HKPhone tuyên bố trở thành thương hiệu Việt và sở hữu bởi tập đoàn Linh Trung Tín. Hãng này bán các sản phẩm smartphone giá rẻ, cấu hình cao và tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với hai hãng di động trong nước. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm, HKPhone đã phải dừng cuộc chơi vì sức ép quá lớn từ các thương hiệu trong và ngoài nước.

10.CEO Google đầy quyền lực Sundar Pichai đến Việt Nam

 CEO Google Sundar Pichai xuất hiện giản dị tại quán trà chanh vỉa hè ở Hà Nội cùng Nguyễn Hà Đông

CEO Google Sundar Pichai xuất hiện giản dị tại quán trà chanh vỉa hè ở Hà Nội cùng Nguyễn Hà Đông

Trong những ngày cuối năm 2015, CEO Sundar Pichai của Google đã bất ngờ đến Việt Nam. Người đứng đầu Google đã có buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông cho biết sắp tới, Google sẽ có một số dự án hỗ trợ cho Việt Nam như đào tạo cho khoảng 1.400 kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin của Việt Nam; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới qua thương mại điện tử và các dự án liên quan đến giáo dục – đào tạo.

Ông Pichai cũng có buổi chia sẻ với giới truyền thông, giới doanh nghiệp trẻ những câu chuyện khởi nghiệp, về cơ duyên đã đưa ông trở thành một trong 3 người đàn ông quyền lực nhất tại gã khổng lồ Internet. CEO Google khuyên cộng đồng start-up Việt nên tin tưởng nắm bắt thị trường trong nước trước rồi hãy vươn ra thế giới. CEO cho biết Google đang có nhiều dự án để hợp tác với cộng đồng khởi nghiệp, và người đàn ông quyền lực này hứa sẽ tới Việt Nam nhiều lần nữa.

Ban công nghệ/ Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP