HLV Calisto có lẽ là HLV ngoại duy nhất trong nhiều đời HLV trở lại đây được VFF gia hạn hợp đồng. Nguyên nhân dễ hiểu khi ông là người duy nhất đem về thành tích cụ thể cho bóng đá Việt Nam là chức vô địch AFF Cup 2008, còn những người khác phần lớn là thất bại.
Từ Letard, Dido, Tavares...
Từ năm 2000 tới trước khi ông Park được VFF ký hợp đồng, đã có tổng cộng 7 HLV nước ngoài nắm các đội tuyển Việt Nam như U23, Olympic hay đội tuyển quốc gia, phần lớn trong số này là những thất bại và bị VFF đơn phương chấm dứt hợp đồng
Đầu tiên phải kể đến HLV Dido. Ông thầy người Brazil nổi tiếng với phong cách lãng tử của một nghệ sĩ, nhưng dấu ấn về chuyên môn của ông lại chẳng thấy đâu. Năm 2001, ông dẫn dắt tuyển Việt Nam tham dự SEA Games và bị loại ngay vòng bảng, để lại hậu quả là chính HLV này bị VFF sa thải.
HLV Dido rời Việt Nam sau thời gian ngắn nắm quyền ở tuyển Việt Nam. |
Sau Dido, màn bi hài mang tên HLV ngoại tiếp tục với ông Letard. VFF sau khi để ông Calisto dẫn dắt Đồng Tâm Long An năm 2003 đã tìm người thay thế là HLV người Pháp Christian Letard - người được HLV huyền thoại Aime Jacquet tiến cử.
5 tháng kể từ ngày ký hợp đồng với Letard, VFF phát hiện ra ông không phù hợp với bóng đá Việt và sa thải HLV người Pháp. Cay cú, HLV Letard nộp đơn lên FIFA và yêu cầu VFF bồi thường. Kết quả là VFF mất 3 tỷ đồng cho ông Letard, tương đương với khoảng 600 triệu đồng cho mỗi tháng làm việc.
Tavares cũng là một trường hợp bị sa thải chỉ sau thời gian ngắn. Năm 2004, VFF tái ký hợp đồng với ông thầy người Brazil sau lần đầu năm 1995. Lần quay trở lại này không hề yên ả khi những bài tập nhồi thể lực của ông tỏ ra quá sức với cầu thủ Việt. Kết quả là tại Tiger Cup 2004, tuyển Việt Nam uể oải, mệt mỏi nhanh chóng bị loại ở vòng bảng, và ông Tavares cũng bị sa thải sau đó.
HLV Tavares từng bị sa thải ở Việt Nam kể cả cấp độ đội tuyển lẫn CLB (với Ninh Bình). |
Một trường hợp cũng đến và đi rất chóng vánh là HLV người Đức Falko Goetz. Tháng 6 năm 2011, VFF ký hợp đồng với ông thầy người Đức và đặt mục tiêu là đưa U23 Việt Nam vào chung kết SEA Games. Cuối cùng, U23 dưới thời ông Goetz thất bại ở bán kết và sau đó thua thảm U23 Myanmar ở trận tranh huy chương đồng.
Đến tháng 12 cùng năm, tức chỉ 6 tháng sau khi ký hợp đồng, VFF sa thải ông Goetz trong sự ấm ức của HLV này.
... đến Miura, Riedl
Trong các đời HLV từng làm việc với VFF, có lẽ ông Riedl là người có duyên nhất. Ba lần dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam, ông gặt hái khá nhiều thành tích nổi bật là cú hat-trick huy chương bạc SEA Games và lần đầu đưa tuyển Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2007.
Tuy vậy cũng trong năm 2007, ông cùng U23 Việt Nam thất bại ở bán kết SEA Games được tổ chức tại Myanmar. Ngay trước trận tranh huy chương đồng, ông Riedl đã bị buộc viết đơn thôi việc và VFF cũng bồi thường cho HLV người Áo một số tiền không nhỏ.
HLV Riedl đã có những thành công nhất định với bóng đá Việt Nam. |
HLV Miura cũng là trường hợp để lại dấu ấn trước khi bị VFF sa thải. Tháng 5 năm 2014, VFF ký với HLV người Nhật bản hợp đồng có thời hạn đến hết năm 2016.
Trong thời gian làm việc, HLV Miura đã gặt hái những thành tích nhất định như giúp tuyển Olympic Việt Nam giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp ASIAD 17 tại Hàn Quốc, đưa tuyển Việt Nam tới bán kết AFF Cup 2014, cùng U23 Việt Nam giành HC đồng SEA Games 28 và lần đầu tiên trong lịch sử có vé dự vòng chung kết U23 châu Á.
Tuy vậy việc chưa một lần vào chung kết các giải đấu ở Đông Nam Á cùng việc toàn thua trước các đội bóng Thái đã khiến VFF quyết định chấm dứt sớm 1 năm hợp đồng với ông thầy người Nhật.
... và những HLV nội
Những HLV nội cũng không thể gắn bó lâu với VFF. Từ năm 2000 tới nay, nếu không tính những trường hợp tạm quyền thì chỉ có 3 HLV từng cầm các đội tuyển Việt Nam tham dự những giải đấu lớn là các HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Hữu Thắng.
HLV Phan Thanh Hùng là thầy nội đầu tiên sau nhiều năm dẫn dắt tuyển Việt Nam. Tháng 8 năm 2012, VFF ký hợp đồng với ông và mục tiêu đề ra là tiến sâu tại AFF Cup cuối năm. Tuy vậy tuyển Việt Nam nhanh chóng bị loại ở vòng bảng. VFF khi ấy không sa thải HLV Phan Thanh Hùng mà để ông tự viết đơn từ chức. Hai bên chấm dứt hợp đồng vào tháng 5/2012.
Sau đó, VFF tiếp tục mời HLV Hoàng Văn Phúc nắm quyền vào tháng 5 năm 2013. Tuy nhiên việc U23 Việt Nam bị loại từ vòng bảng ở SEA Games năm đó khiến ông thầy người Hà Nội cũng không tại vị được lâu. Đầu năm 2014, VFF thông báo đã chấm dứt hợp đồng với HLV Hoàng Văn Phúc.
HLV Hoàng Văn Phúc không thể giúp U23 Việt Nam tiến sâu tại SEA Games. |
Cuối cùng là HLV Hữu Thắng. Sau khi VFF sa thải HLV Miura, HLV Hữu Thắng được chọn nhờ những thành tích ấn tượng cùng Hà Nội T&T và SLNA. Được kỳ vọng nhiều nhưng HLV Hữu Thắng liên tiếp gây thất vọng ở 2 giải đấu lớn là AFF Cup 2016 và SEA Games 2017.
Đặc biệt, U22 Việt Nam với lứa cầu thủ gồm Quang Hải, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Công Phượng, Xuân Trường đã bị loại từ vòng bảng SEA Games năm ấy. Sau giải đấu đó, VFF cũng đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với HLV Hữu Thắng.
Ngoại lệ Calisto
Tháng 3 năm 2008, ông Calisto chính thức ký bản hợp đồng có thời hạn 2 năm với mục tiêu giúp đội tuyển Việt Nam tiến sâu tại AFF Cup cuối năm. Đây là lần thứ hai ông được mời dẫn dắt tuyển Việt Nam sau lần đầu khá thành công năm 2002. Kết quả vượt mong đợi khi Công Vinh cùng đồng đội vô địch giải đấu đó.
HLV Calisto là người hiếm hoi được VFF gia hạn hợp đồng. |
Thành tích này khiến VFF vội vã gia hạn hợp đồng với ông thầy người Bồ Đào Nha vào tháng 3 năm 2009. Những chi tiết của bản hợp đồng không được tiết lộ nhưng báo chí khi ấy cho rằng mức lương của ông Calisto đã tăng gấp đôi, lên thành 22.000 USD và bản hợp đồng có thời hạn 3 năm giữ ông ở lại tới năm 2012.
Sau đó, ông Calisto cùng U23 Việt Nam giành huy chương bạc SEA Games 2009, nhưng bị loại ở bán kết AFF Cup 2010. Đến năm 2011, HLV Calisto bất ngờ từ chức với lý do không chịu được áp lực từ dư luận.
Tác giả: Phúc Long
Nguồn tin: zing.vn