Tin Liên Quan

Xóm làng quạnh quẽ

Dọc miền Trung, nhiều xóm làng ngày càng thưa vắng bóng người. Những người còn lại phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Hầu hết thanh niên trai gái đều đi Nam.

“Đi Nam” là hai từ đã trở nên quen thuộc với người dân ở nông thôn miền Trung. Gọi là “đi Nam” nhưng người thì vô Đắc Lắc làm rẫy cà phê, người vô Ninh Thuận trồng nho, kẻ đi Bình Phước, Đồng Nai, Đà Lạt… Một bộ phận lớn thanh niên thì làm công nhân ở các khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương…


Xóm vắng


“Khái niệm mưu sinh của người nông dân khi rời bỏ quê hương bây giờ không đồng nghĩa với việc kiếm miếng ăn như ngày xưa mà gắn với khát vọng đổi đời. Nhưng quá trình di dân ấy không gắn với sự thay đổi lối sống và thăng tiến về xã hội”


Ông PHẠM XUÂN ĐẠI (Phòng nông thôn – Viện Xã hội học VN)

Đi vào xóm 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cảm giác như đi lạc vào một ngôi làng hoang. Cụ Đặng Nhung, 85 tuổi, ngồi trong ngôi nhà cô quạnh bấm đốt ngón tay, tính: “Dân đi nhiều quá. Gia đình ông Hòa đi cả sáu người. Nhà ông Thiên một con trai, bốn con gái cũng dỡ nhà ra đi. Nhà ông Diên ba thằng con trai đi rồi. Nhà Phan Huỳnh vừa đi. Phan Kiên, giáo viên, chờ bán xong cơ ngơi là lên đường. Nhà Vũ Hữu cũng vừa từ biệt người làng… Tất cả họ đều đi Nam”. Anh Đặng Hồng Thi, xóm trưởng xóm 5, bổ sung: “Trước đây xóm có 92 hộ, bây giờ chỉ còn 51 hộ nhưng toàn người già và trẻ em”.


Quanh xóm, những mảnh vườn hoang cỏ dại mọc đầy hiện ra trong nắng chiều. Những chiếc giếng bỏ không và nền nhà cũ rêu phong.


Cách xóm 5 xã Phúc Đồng khoảng 60km, xóm 6 xã Sơn Trung của huyện Hương Sơn đang vắng dần bóng người. Hầu như nhà nào trong xóm cũng có người đi Nam. Nhà ông Phạm Sự có chín người con thì tám người đã “Nam tiến” làm ăn rồi định cư luôn ở đó. Ông Tạo, bà Tân ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn phải lìa quê vào Cần Thơ theo con trai. Khi cất bước ra đi ông căn dặn con: “Khi cha nằm xuống phải cho cha được về quê nhà”.


20 năm nay xóm Giữa (sát xóm 6) gần như không có đám cưới, không tiếng trẻ con khóc vì thanh niên đã đi hết. Cả xóm chỉ có anh Thiên 35 tuổi chưa vợ. Người dân trong xóm thúc giục anh lấy vợ để được đi đám cưới rồi được nghe tiếng trẻ con khóc. Nhưng hiếm có tiếng trẻ con khóc, chỉ ngày càng nhiều tiếng trống kèn đám ma những cụ già tạ thế.


Ra đi vì sinh kế


Chúng tôi đến xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đúng vụ cấy nhưng nhìn ra cánh đồng chỉ thấy phụ nữ và trẻ em. Chị Thái Thị Hồng ở xóm Quang Trung đang cùng hai cô con gái ra đồng. Nhà có năm cô con gái thì ba cô tuổi mười tám đôi mươi đã lên đường vào TP.HCM làm công nhân da giày. Xóm trưởng Nguyễn Văn Kính cho biết: “Hơn 100 thanh niên rời khỏi xóm Quang Trung này đi Nam rồi”. Anh Trần Văn Trường, người cùng xóm, nói: “Làm ruộng khó có ăn nên thanh niên trong làng bỏ vào Nam. Con tôi hai đứa, một đứa sinh năm 1992, một đứa sinh năm 1995 đều vào Nam. Tôi mà không bị tàn tật thì cũng đi rồi”.


Ở thôn Xuân Thiên Thượng, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế, điều dễ nhận thấy nhất ở đây là những ngôi nhà hoang. Thôn nhỏ nhưng có trên 100 ngôi nhà bỏ hoang vì dân bỏ đi nhiều quá. Thôn nằm giữa triền cát trắng mênh mông lấn át màu xanh nhỏ nhoi của lúa, ngô, khoai, sắn… Đất nông nghiệp chỉ 250m2/người, lại bị pha cát và nước nhiễm phèn nên khó canh tác. Vậy nên đi bất cứ đâu có việc làm để kiếm sống.


Dân bỏ làng chẳng phải là chuyện riêng của Xuân Thiên Thượng, cả xã Vinh Xuân có tới hơn 2.000 người ly hương kiếm kế mưu sinh. Ông Trần Văn Đê, chủ tịch xã Vinh Xuân, thừa nhận: “Chuyện đó trở nên phổ biến rồi, đất ven biển nhiễm cát và phèn này dù canh tác thế nào đi nữa cũng không khá lên được. Vì thế hầu hết những người độ tuổi lao động đã vào miền Nam, lên Tây nguyên làm ăn”.


Một nền nhà hoang ở xóm 5, xã Phúc Đồng (Hà Tĩnh) – Ảnh: Thiên Thanh


Thiếu việc làm


Theo ông Lê Đức Khang, chánh văn phòng UBND huyện Hương Khê, số lao động trên địa bàn huyện ly hương làm ăn ở tỉnh xa trên 7.000 người. “Nhưng con số này chưa đầy đủ vì còn rất nhiều lao động đi theo kiểu thời vụ mà chính quyền không hay biết”, ông nói. Ông Khang cho biết kỳ họp HĐND huyện vừa rồi cũng đặt ra vấn đề tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Giải pháp đặt ra là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh kinh tế trang trại, giao đất, giao rừng cho dân, hình thành những cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Nhưng những giải pháp này vẫn đang nằm trên giấy, trong khi đó làng quê dần vắng những người khỏe mạnh.


Ông Nguyễn Đăng Dương, trưởng phòng lao động Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, cho biết: “Theo số liệu của các trung tâm giới thiệu việc làm gửi lên, hằng năm số lao động Nghệ An đi làm việc dài hạn ở tỉnh khác trên 10 vạn người. Cứ mỗi năm Nghệ An lại tăng thêm 3 vạn lao động. Trong 3 vạn này, 1 vạn đi xuất khẩu lao động, 1 vạn đi lao động ở các tỉnh phía Nam, còn lại thì chưa biết làm gì”.


Theo ông Dương, khả năng tạo việc làm tại chỗ của Nghệ An rất kém, tỉnh ít cơ sở công nghiệp có sức hút lao động lớn. Hệ thống dạy nghề với 60 trường trên toàn tỉnh mỗi năm đào tạo được 33.000 lao động ở trình độ sơ cấp, và 65% trong số đó xin được việc làm nhưng cũng chẳng đáng kể so với hàng vạn lao động đang thiếu việc.


Dự báo những điều bất ổn


Ông Phạm Xuân Đại – cán bộ nghiên cứu phòng nông thôn – Viện Xã hội học VN – sau nhiều năm tìm hiểu về những cuộc ly hương của nông dân đã nhận định: “Nông dân ra đi vì lực hút lớn thì sẽ rất hiệu quả. Nhưng phần lớn nông dân rời khỏi làng quê bây giờ vì lực đẩy mạnh. Lực đẩy ở đây chính là sức ép dân số, sức ép của thu nhập, nhu cầu giải tỏa…”.


PGS.TS Trịnh Duy Luân – viện trưởng Viện Xã hội học VN – khẳng định: “Xu hướng phân công lao động, đô thị hóa dân số nông thôn là không thể ngăn cản được. Dòng nhân lực vẫn đổ về thành phố, về góc độ kinh tế đã giải quyết việc làm cho người lao động nhưng bên cạnh đó lại gây ra những hậu quả xã hội. Gia đình người nông dân bị ly tán, sự bền vững của gia đình không còn nữa. Nhiều lao động chính bỏ ruộng đồng ra đi dẫn tới mất cân bằng dân số và nông nghiệp không phát triển được”.


PGS.TS Trịnh Duy Luân cũng cho rằng dù đã có nghị quyết về tam nông nhưng trong thực tế những gì người nông dân đang được hưởng chưa tương xứng với đóng góp của họ. Hầu như tất cả các gói kích cầu vừa rồi đều cho thành thị, thị dân và doanh nghiệp. Kích cầu cho nông thôn đang bị hạn chế.


“Nông dân đang bị bỏ quên. Rất ít doanh nghiệp muốn đầu tư cho nông thôn. Chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân thường không cơ bản, không có bước đột phá. Nông thôn ngày càng tụt hậu so với thành thị” – PGS.TS Trịnh Duy Luân nhận định.


NGUYỄN PHƯỚC THIÊN THANH

TT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP