Giáo dục - Đào tạo

Tuyển sinh Đại học 2017: Ngày càng ít “cửa” cho khối C truyền thống

Học sinh đang gặp khó khăn với những thay đổi bất ngờ từ tổ hợp xét tuyển. Khối C truyền thống (văn, sử, địa) đang ngày càng được ít trường lựa chọn để xét tuyển đại học chính quy. Thậm chí, các trường ngành Công an nhân dân không còn xét tuyển tổ hợp này. Điều này khiến cho học sinh bất ngờ, lo lắng và câu hỏi là công tác giáo dục văn hoá, giá trị nhân văn sẽ đi về đâu…?

Học sinh đang gặp khó khăn với những thay đổi bất ngờ từ tổ hợp xét tuyển.

Không còn nhiều nguyện vọng

Ngay sau khi Tổng cục Chính trị Công an nhân dân – Bộ Công an có công văn quy định phương án tuyển sinh hệ chính quy các trường Công an nhân dân năm 2017, trong đó không xét tuyển thí sinh theo tổ hợp môn thi khối C (văn, sử, địa) mà thay vào đó là tổ hợp các môn văn, toán, sử. Điều này khiến cho nhiều học sinh ngỡ ngàng và “trở tay không kịp”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ly – Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an – cho biết năm nay nhiều phương thức thi mới, các trường khối công an được giao rất ít chỉ tiêu nên cũng muốn làm gọn lại tổ hợp xét tuyển. Sự thay đổi này cũng là do đặc thù nghề nghiệp, xu thế đòi hỏi cán bộ chiến sĩ công an phải có trình độ ngoại ngữ tốt nên sẽ tăng cường yêu cầu về các môn học này.

Mới đây, trong Dự thảo Đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2017 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, môn vật lý lần đầu tiên xuất hiện trong tổ hợp môn thi xét tuyển nhóm ngành báo chí. Việc xuất hiện tổ hợp mới này đồng nghĩa với cơ hội của các thí sinh theo khối C truyền thống cũng sẽ hẹp lại.

Chia sẻ về điều này, PGS-TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cho biết: Trường tổ chức thêm tổ hợp xét tuyển mới là ngữ văn, môn năng khiếu, vật lý với mong muốn tạo điều kiện cho những học sinh có năng lực về các môn khoa học tự nhiên có cơ hội tham gia vào ngành báo chí, bởi báo chí là một lĩnh vực đa ngành. Sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí có thể làm về chính trị xã hội, văn học nghệ thuật thiên về ngành xã hội và cũng có thể làm về kinh tế thiên về các ngành tự nhiên. Vì thế, mở rộng đầu vào cũng là điều cần thiết để có chất lượng sinh viên tốt hơn. Bên cạnh đó, trên thực tế, đội ngũ sinh viên học báo chí của trường nói riêng và cả nước nói chung thì tỉ lệ sinh viên nữ chiếm rất lớn, đến khoảng 3/4. Bổ sung môn vật lý vào tổ hợp cũng là kỳ vọng để có thể thu hút thêm các bạn nam vào học báo chí, thầy An nhấn mạnh.

Ngỡ ngàng, hoang mang, tiếc nuối…

Ngỡ ngàng, hoang mang, tiếc nuối có lẽ đang là tâm trạng chung của học sinh, phụ huynh và hầu hết những người yêu thích khối C truyền thống. Chị Nguyễn Thị Huế (Quỳnh Phụ, Thái Bình – phụ huynh có con theo khối C) chia sẻ: “Với việc các trường Công an nhân dân không tuyển sinh tổ hợp khối C (văn, sử, địa), nhiều học sinh như con chị đang rơi vào tâm trạng buồn, bởi việc ôn thi theo khối của các con được bắt đầu từ 2 năm trước. Các con đang phải lựa chọn hoặc thay đổi khối học để đáp ứng yêu cầu, hoặc thay đổi nguyện vọng. Cả 2 phương án trên đều không đem lại kết quả tốt nhất cho con”.

Cùng quan điểm, thầy Trần Trung Hiếu (THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) cho rằng, các trường có ý định thay đổi tổ hợp môn thi thì cũng nên thông báo sớm hoặc dành một số chỉ tiêu của ngành đó xét tuyển theo các môn cũ để thí sinh kịp trở tay. “Tôi cho rằng để đào tạo ra một con người toàn diện cần có sự kết hợp giữa tài và đức, chính vì thế, đừng “quên lãng” các giá trị nhân văn như hiện nay.

Bên cạnh đó, không ít ý kiến cũng băn khoăn, không còn khối C truyền thống, khi học THPT các em sẽ chỉ tập trung học các môn tự nhiên để đi thi, đồng nghĩa với sự thiếu hụt về văn hóa lịch sử, chưa kể tới những giá trị nhân văn của mỗi người đều ít nhiều ảnh hưởng bởi sự bổ trợ từ các môn văn, sử, địa…

Bà Thái Hương – người sáng lập hệ thống trường TH School – cho biết: Tại các quốc gia trên thế giới, các môn học xã hội như ngôn ngữ, lịch sử, địa lý đều rất quan trọng để mỗi học sinh luôn biết trân trọng cội nguồn dân tộc. Học văn chính là để các em học làm người, bởi những lời hay ý đẹp của văn chương, của thơ ca là cách truyền tải tốt nhất tình cảm gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước, thêm hiểu, thêm yêu những giá trị cốt lõi của dân tộc. Học sử để hiểu rõ quá trình dựng nước và giữ nước sẽ vun đắp thêm niềm tự hào dân tộc, thêm yêu quý bờ cõi ông cha đã dày công xây dựng và bảo vệ.

Từ đó, khơi gợi cho các em tinh thần yêu nước và khát khao cống hiến, hành động vì tổ quốc. Môn địa lý giúp các em có thể hiểu sâu sắc về điều kiện tự nhiên của Việt Nam như khí hậu, thổ nhưỡng, địa chính…, sẽ vận dụng hiệu quả để góp phần khai thác tiềm năng của đất nước, đồng thời bảo tồn những lợi thế tự nhiên vốn có vì mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì thế, khi lên chương trình học trong mô hình trường học toàn diện tiêu chuẩn quốc tế, bà Hương đã không bỏ qua các môn học này. “Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học cần có những tính toán hợp lý sao cho sinh viên tốt nghiệp có sự phát triển toàn diện chứ không chỉ thiên về bất cứ lĩnh vực nào” – bà Thái Hương cho hay.

Khối C truyền thống đang ngày càng hạn chế, vậy 2 môn lịch sử, địa lý và công tác giáo dục văn hoá, giá trị nhân văn sẽ đi về đâu, đang là dấu hỏi lớn trong dư luận.

NGUYỄN HUYÊN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP