Tin trong nước

Thâm nhập đường dây “bôi trơn” giám định để về hưu non

Thời gian gần đây, trước thông tin những người về hưu trước thời điểm 1.1.2018 sẽ có lợi hơn so với người về hưu sau mốc đó, nhiều người lao động có nhu cầu “chạy” giám định sức khoẻ để về hưu non. PV Báo Lao Động đã thâm nhập đường dây này và phát hiện nhiều sự thật bi hài. Đến Trung tâm Giám định y khoa Hà Nội (số 86 Thợ Nhuộm) trong vai người nhà cần giám định, PV ngỡ ngàng khi được chính các nhân viên tại đây gợi ý, hướng dẫn và ra giá về “dịch vụ trọn gói” giúp người lao động về hưu non.

Xin tư vấn “bôi trơn”

Đến cuối năm 2017, ông Nguyễn Trung Q., 59 tuổi, hiện đang công tác tại một Cty đóng trên địa bàn TP.Hà Nội, đã đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) được hơn 30 năm. Vì sinh tháng 12 nên phải đến cuối 2018 ông mới đủ tuổi nghỉ hưu. Được biết, theo cách tính mới của Luật BHXH, những người nghỉ hưu sau mốc 1.1.2018 sẽ bị thiệt thòi, nên ông định xin giám định sức khỏe để nghỉ hưu sớm luôn trong năm nay, với mong muốn được hưởng mức lương hưu tối đa. Do đó, ông muốn hỏi có nên bỏ một khoản tiền để “chạy” giám định hay không.

Không lâu sau, Báo Lao Động cũng nhận được lời đề nghị tư vấn của bà Phùng Thị P, 53 tuổi, muốn nghỉ hưu trước năm 2018, là liệu có nên bỏ một khoản tiền “bôi trơn” để được về hưu sớm hay không.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, qua nắm bắt tình hình thực tế, ông thấy trong dư luận xã hội đang có hiện tượng rất nhiều người lao động muốn được về hưu trong năm nay dù chưa đến tuổi, mục đích là để tránh giảm sút khoản lương hưu thực nhận.

2 “cò” chuyên dụ dỗ người có nhu cầu giám định sức khỏe “siêu tốc” . Ảnh: P.V

Và “bôi trơn” để… yếu

Qua tìm hiểu, được biết với những người lao động ở khu vực Thủ đô, Trung tâm Giám định Y khoa TP.Hà Nội (số 86 Thợ Nhuộm) là địa chỉ đầu tiên họ cần phải đặt chân đến nếu muốn được chứng nhận sức khỏe không đủ tiêu chuẩn để tiếp tục công tác.

Trong liên tiếp nhiều ngày đầu tháng 4.2017, bằng các phương pháp khác nhau, nhóm PV đã tiếp cận được những người sẵn sàng đứng ra nhận làm chứng nhận sức khỏe không đạt yêu cầu, cụ thể là mức suy giảm từ 61%, mà không cần khám đúng quy trình. Thậm chí, có nhiều bằng chứng cho thấy những người này có liên hệ với nhau thành một đường dây khép kín.

Trong vai người có mẹ chưa đến tuổi nhưng muốn về hưu sớm, sau khi dắt xe qua cổng, PV được một người đàn ông trong trang phục bảo vệ mau mắn hỏi chuyện. Vừa nghe xong tình huống đưa ra, người này lập tức hướng dẫn dẫn PV ra cổng tìm gặp một người phụ nữ mặc áo đen để nghe tư vấn. Không chỉ có nhân viên bảo vệ này, nhiều người khác trong Trung tâm Giám định Y khoa TP.Hà Nội cũng hướng dẫn PV ra cổng tìm gặp “chị áo đen” trước khi vào làm việc.

“Chị áo đen” là một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, người gày, mặt xương, dáng dấp khắc khổ. Tuy nhiên khi thấy PV lò dò bước tới trình bày tình huống, người này lập tức thể hiện cung cách hoạt bát đến bất ngờ, phán: “Tổng thiệt hại” là 5 triệu. Muốn bệnh gì cũng được”. Theo người phụ nữ này, do có mối quan hệ thân tình với Trung tâm, nên chị ta có thể nhờ người bên trong chứng nhận sức khỏe theo ý muốn của người đi giám định. “Bây giờ em vào phòng hành chính xin cái giấy giới thiệu về bảo cơ quan mẹ em xác nhận vào rồi mang đến đây cho chị. Mẹ em không cần phải đến, khi nào chị bảo đến thì đến, chỉ từ 5 đến 10 phút là xong, đỡ mất công…” – người này hướng dẫn.

Thấy PV chưa có vẻ bị thuyết phục, người phụ nữ tiếp tục tuôn ra một tràng: “Mẹ em làm ở đâu? Xi măng chứ gì? Chị làm cho hơi bị nhiều người rồi. Em đừng tiếc, cứ đi đi lại lại cho tốn kém thêm, đây mình nhờ trọn gói. Muốn bệnh gì cũng được, quan trọng mỗi lúc đến lấy kết quả bà phải đến để kiểm tra là phải trả đúng kết quả cho người đấy thôi”.

Vờ như còn lưỡng lự, PV hỏi: “5 triệu là những tiền gì?”. Người này tiếp tục: “Cái này chị cũng mang vào bồi dưỡng các bác sĩ chứ chị cũng chẳng được bao nhiêu, gọi là mấy trăm con thôi”. Sau nhiều ngày quan sát, PV nhận thấy hầu như ngày nào người phụ nữ này cũng lởn vởn ở ngay phía trước cổng trung tâm, có 2 nhiệm vụ chính là trông xe và chèo kéo người đến làm thủ tục giám định. Người phụ nữ này cũng thường xuyên chạy ra chạy vào bên trong để thủ thỉ điều gì đó rồi lại chạy ra. Bên cạnh đó, một nhân vật tên là Tùng, khoảng ngoài 30 tuổi, cũng thường xuyên được giới thiệu như một đầu mối nhận làm giám định sức khỏe “siêu tốc” trọn gói.

Bên trong Trung tâm giám định sức khỏe TP.Hà Nội. Ảnh: P.V

“Dịch vụ trọn gói” 4 triệu

Trên cơ sở thông tin thu thập được, tại những buổi thâm nhập tiếp theo, một PV lớn tuổi được cử đến Trung tâm Giám định Y khoa Hà Nội trong vai “mẹ” và một PV khác còn khá trẻ nhập vai “con”. Lần này, nhờ có sự phối hợp ăn ý giữa 2 PV nên không chỉ “chị áo đen”, mà ngay cả những nhân viên tại trung tâm này cũng tự nguyện nói ra mức giá trọn gói cho dịch vụ khám sức khỏe để đạt… yếu.

Theo đó, ngay khi vào làm thủ tục tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, một nữ nhân viên còn khá trẻ ngồi sau bàn kính đã thủ thỉ vào tai của “mẹ” với nội dung, nếu muốn “chắc ăn”, thì tại trung tâm hiện có dịch vụ trọn gói 4 triệu đồng, đã bao gồm cả chi phí cứng là 1.585.000 đồng. Thấy “mẹ” bần thần, PV trong vai “con” hỏi lại cho rõ: “Muốn về hưu sớm được thuận lợi thì nên chứng nhận bệnh gì thì dễ nhất?” – Cô gái trẻ đáp: “Cái ấy thì bên em sẽ lo mà”.

Tương tự, một người thanh niên cũng còn khá trẻ, tên Tùng – cũng khẳng định chỉ cần một buổi là xong với giá 4 triệu đồng. “Bây giờ như này nhé, nếu có cơ quan xác nhận vào giấy giới thiệu rồi, chiều đến đây làm luôn trong chiều là xong, gói gọn trong chiều nay mai là ra kết luận luôn” – người này cam kết. Khi được hỏi về chi phí, Tùng cũng cho biết tất cả gói gọn trong 4 triệu đồng. “Tuy nhiên còn tùy bệnh, nhưng cũng không quá mức ấy, chỉ sang ngày mai là có kết quả luôn”, anh này nói.

Vậy là, từ những cơ sở thực tế, có thể thấy mối lo lắng của ĐBQH Bùi Sỹ Lợi về người dân phải “chạy vạy” khi giám định sức khỏe hòng có kết quả như ý muốn là có cơ sở.

Báo Lao Động sẽ tiếp tục trở lại sự việc.

Nhóm phóng viên thời sự / Theo báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP