Hà Tĩnh ngày nay

Sự thật đằng sau những mẻ bê-tông thảm nhựa

Trên cung đường QL 1A, đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện tượng hằn, lún vệt bánh xe (HLVBX) trên cả đường cũ và mới đều khá nghiêm trọng. Mặc dù chủ đầu tư và đơn vị thi công đang khẩn trương khắc phục sự cố, nhưng câu hỏi đặt ra, ngoài nguyên nhân khách quan, đâu là những nguyên nhân chủ quan?

Chiều ngày 3-10-2013, mặc dù trời vừa ngớt mưa, mặt đường còn ướt nước... nhưng đơn vị thi công vẫn cho rải thảm nhựa đoạn qua xã Thạch Liên, Thạch Hà.

Chiều ngày 3-10-2013, mặc dù trời vừa ngớt mưa, mặt đường còn ướt nước… nhưng đơn vị thi công vẫn cho rải thảm nhựa đoạn qua xã Thạch Liên, Thạch Hà.

Những dấu hiệu nghi vấn

Theo điều tra của nhóm phóng viên, ngoài nguyên nhân thời tiết khắc nghiệt (Hà Tĩnh có quá nhiều ngày nắng nóng liên tục với nhiệt độ từ 40 đến 500C, có ngày đo được tại mặt đường lên gần 700C), áp lực về tiến độ thi công cùng với quá trình tư vấn giám sát (TVGS) chưa thật “độc lập”, khách quan đã dẫn đến tình trạng làm bừa, làm ẩu và cắt xén quy trình kỹ thuật…

Do rút ngắn thời gian thi công xuống chín tháng, công trình buộc phải hoàn thành vào đầu năm 2014, nên phần lớn khối lượng thảm bê-tông nhựa (theo thiết kế phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt về độ ẩm, nhiệt độ…), không may lại rơi vào thời điểm những tháng 9, 10, 11-2013, mưa bão kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình… Điều đó dẫn đến việc nhà thầu “liều” đổ bê-tông nhựa (BTN) dưới trời vừa ngớt mưa (điều cấm kỵ trong quy trình kỹ thuật đổ thảm BTN). Cụ thể, chiều ngày 3-10-2013, mặc dù trời vừa ngớt mưa, mặt đường còn ướt nước (xem ảnh minh họa)… nhưng đơn vị thi công vẫn tiến hành rải thảm BTN đoạn qua xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Chưa dừng ở đó, hơn 10 ngày sau (vào tối 14-10-2013), tại Km 496+910 đến Km 497+069 thuộc địa bàn huyện Can Lộc, lợi dụng đêm khuya, Công ty PVC – Trường Sơn (Quảng Bình) đã tiến hành đổ BTN “chạy” bão số 11 ngay dưới trời mưa to. Việc làm tắc trách này khiến nhiều người dân sống gần quốc lộ rất bất bình và đã kịp thời báo cho ngành chức năng Hà Tĩnh. Sau đó, khi đoạn đường đã thảm, lu xong thì Ban Quản lý dự án và TVGS mới hay biết…

Theo phân tích của đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT): Đối với các vị trí mặt đường BTN, nếu thi công trong điều kiện mưa, chắc chắn sẽ nhanh hỏng hơn và hỏng ở nhiều dạng vẻ. Thứ nhất, khi xe chạy thì mặt đường sẽ bị hằn, lún hoặc bị xô dồn và BTN bị trượt ở lớp dưới. Cũng có mặt đường bị rạn nứt ngay khi có tải trọng xe tác động lên… Như vậy, do làm ẩu và không thực hiện nghiêm quy trình, chủ đầu tư đã để nhà thầu thảm BTN dưới trời mưa. Việc làm tắc tránh này cần được truy cứu trách nhiệm và xử lý kỷ luật thích đáng, nhất là đối với TVGS.

Tối 14-10-2013, tại Km 496+910 đến Km 497+069 thuộc địa bàn huyện Can Lộc, lợi dụng đêm khuya, đơn vị thi công Công ty PVC – Trường Sơn (Quảng Bình) đã tiến hành đổ bê-tông nhựa chạy bão số 11.

Một lỗ hổng lớn chúng tôi phát hiện ra trong công tác quản lý, đó là việc thực thi tư vấn thiết kế cũng như TVGS đối với các dự án BOT chưa thật sự độc lập và khách quan. Vả lại, điều rất khó hiểu là TVGS dự án này lại là liên danh giữa Tecco 497 và Tedco 4. Tại thời điểm triển khai dự án, Công ty Tecco 497 (mới đây, ngày 9-7, Bộ trưởng Đinh La Thăng tại chuyến kiểm tra đã phát hiện chủ đầu tư vẫn để lọt tư vấn thiết kế bị Bộ GTVT “cấm cửa” là Tecco 497 tham gia vào dự án và sử dụng TVGS chưa có kinh nghiệm) là công ty “con” của Cienco 4. Thử hỏi, việc giám sát ấy có thật sự chuẩn mực khi “con” được “cha” thuê giám sát việc làm của mình?! Liệu có hay không sự “bắt tay” làm ngơ giữa TVGS với các đơn vị liên quan để làm bừa, làm ẩu?

Để minh chứng những dấu hiệu nghi vấn, thiếu minh bạch, chúng tôi xin đơn cử một số tài liệu liên quan đến sự việc đổ BTN dưới trời mưa, bão ngày 14-10-2013. Theo bản tường trình số 457 của Ban điều hành (BĐH) dự án QL1A ngày 15-10-2013: “Diễn biến trong ca rải BTN đoạn Km 496+910 đến Km 497+069 do Công ty PVC-Trường Sơn (Quảng Bình) thực hiện ca thi công bắt đầu từ 17 giờ và đến 18 giờ 30 phút trời có mưa bay nhẹ. Thời gian mưa bay khoảng 10 phút với lượng mưa dạng mưa bụi nhỏ (mọi người vẫn đứng được ở ngoài trời). Cho đến 22 giờ 30 phút, BĐH và TVGS rời công trường… Đến 23 giờ, BĐH và TVGS nhận được thông báo của Sở GTVT Hà Tĩnh về việc đơn vị thi công PVC đang rải BTN trong mưa. Đến 23 giờ 20 phút BĐH có mặt tại công trường lập biên bản và yêu cầu PVC bóc bỏ toàn bộ khối lượng 35 tấn BTN. Công ty PVC hứa sẽ bóc bỏ vào ngày mai (15-10-2013)”.

Vệt hằn, lún vệt bánh xe đoạn qua thị trấn Nghèn – Can Lộc (Ảnh chụp ngày 10-7).

Trên thực tế (theo băng hình chúng tôi có được) tại thời điểm thi công, lượng mưa lúc rải thảm rất nặng hạt (ảnh minh họa). Nhưng không hiểu lý do gì mà trong bản tường trình số 457 lại ghi: “Thời gian mưa bay khoảng 10 phút với lượng mưa dạng mưa bụi nhỏ (mọi người vẫn đứng được ở ngoài trời). Hơn nữa, trong biên bản nghiệm thu công việc xây dựng ngày 15-10-2013, đối tượng nghiệm thu: Tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn 1,0 kg/m2. Các thành phần TVGS (liên danh Tecco 497 và Tedco 4) cùng lãnh đạo BĐH Dự án và đơn vị thi công (PVC-Trường Sơn) đã ký văn bản nghiệm thu: “Công việc rải nhựa trên đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, phù hợp thiết kế” vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 15-10 và kết luận “chấp nhận nghiệm thu, đồng ý cho triển khai các công việc xây dựng tiếp theo…”. Tuy nhiên, theo báo cáo của VP Ban Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh tại thời điểm đó: “Các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Can Lộc, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 11 đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được từ vài chục đến vài trăm mi-li-mét…”.

Nhiều câu hỏi đặt ra, trong điều kiện mưa, bão, thi công khó khăn như vậy, nhà thầu có thể làm “nhanh đến mức” bóc, thu gom hơn 35 tấn BTN trong vài tiếng đồng hồ…?! Vậy phải chăng từ lời hứa ngày mai (15-10) sẽ bóc… đến 9 giờ ngày 15-10 đơn vị thi công đã hoàn thành nhanh một khối lượng cào bóc đến mức không tưởng và BĐH, TVGS có thể hoàn thành biên bản “kịp thời” như vậy! Có hay không sự tiếp tay của TVGS, BĐH mới có thể “đẻ” ra văn bản nghiệm thu kiểu này?

Chất lượng và sự công bằng ở đâu ?

Trong quá trình đi tìm hiểu việc HLVBX, chúng tôi được người dân ở dọc đoạn đường nâng cấp này cung cấp chứng cứ “tố” việc thi công không bảo đảm chất lượng, lợi dụng đêm tối đổ thảm BTN trong điều kiện mưa bão… Một số người dân sống bên cạnh đường tỏ ra ngán ngẩm khi phải chờ một thời gian dài thi công mở rộng đường gây bụi, đi lại khó khăn nhưng khi đường vừa làm xong đã phải xới lên làm lại, gây tốn kém, ảnh hưởng hoạt động giao thông. Theo kết quả kiểm định của Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải ngày 23-1, chất lượng thi công các lớp kết cấu áo đường, trong đó chiều dày bê-tông nhựa lớp trên kiểm tra 10 vị trí có kết quả 3/10 không đạt yêu cầu; chiều dày bê-tông nhựa lớp dưới kiểm tra 11 vị trí kết quả 5/11 vị trí không đạt yêu cầu; chiều dày lớp móng trên cấp phối đá dăm (base) kiểm tra 11 vị trí kết quả 4/11 vị trí không đạt yêu cầu. Thành phần hạt số mẫu không đạt yêu cầu 5/10 và hàm lượng nhựa số mẫu không đạt yêu cầu 2/10… Hậu quả do quy trình thi công chưa đúng quy định tại địa bàn huyện Can Lộc, Thạch Hà (trong đó có những đoạn nêu trên) đã bị HLVBX và hiện nay Cienco 4 và nhà thầu đang khẩn trương tổ chức cào bóc, thảm lại BTN mới.

Anh Trần Văn Phượng, xóm 11 Bắc Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) bức xúc: “Nhà tôi ở cạnh tuyến đường nên hằng ngày chứng kiến hoạt động của đơn vị thi công. Đoạn đường này thi công xong, khi trời mưa nước đọng lại tại các vết hằn, lún trên mặt đường, xe máy, ô-tô đi lại nước bắn tung tóe và dễ mất tay lái. Đường vừa xong, gần đây lại thấy phân luồng bắt đi chậm; nhất là mới đây cho máy móc cào lên, làm lại, ảnh hưởng đến đời sống, đi lại của người dân”.

Theo quan sát của chúng tôi, một số đoạn mà trước đây PV Báo Nhân Dân đã phản ánh, thi công chưa bảo đảm chất lượng phải bóc thảm đi làm lại như đoạn thị trấn Nghèn, Vượng Lộc (Can Lộc); Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh)… thì nay đã xuất hiện lại hiện tượng HLVBX. Xin được nói thêm, hơn 35 km đoạn QL này do Cienco 4 đầu tư thí điểm theo hình thức BOT và được xem tuyến đường “kiểu mẫu” của ngành sẽ được phép thu phí khoảng 20 năm…

Lái xe 37N-3924 Nguyễn Hồng Quang thường xuyên đi trên đoạn đường này phàn nàn: “Từ ngày 8-6-2014, giá vé qua các cầu Bến Thủy tăng lên gấp hai lần. Điều này thật không công bằng khi lái xe chúng tôi đi trên đoạn đường phải đóng một khoản phí cao, lại phải chịu hậu quả do đường quá xấu, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông”. Chưa hết, liên quan đến bất cập việc tăng phí qua các cầu Bến Thủy, ông Nguyễn Văn Hải ở phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh và nhiều người dân thường xuyên qua lại TP Vinh làm ăn đều tỏ ra bức xúc: “Thật vô lý, khi chúng tôi hầu như không đi qua các đoạn đường BOT này, nhưng vẫn phải chịu phí chung khi đi qua cầu Bến Thủy”.

Với những thực tế nêu trên, điều đọng lại vẫn là nỗi hoang mang, rằng nếu cứ thi công liều và ẩu như vậy thì làm sao công trình bảo đảm chất lượng? Tương tự, với chất lượng công trình như thế, liệu có xứng với đồng tiền người dân bỏ ra mua vé tham gia trên tuyến đường này, và như thế người dân biết tìm sự công bằng ở đâu?

Một lỗ hổng lớn chúng tôi phát hiện ra trong công tác quản lý, đó là việc thực thi tư vấn thiết kế cũng như TVGS đối với các dự án BOT chưa thật sự độc lập và khách quan.
Đối với các vị trí mặt đường BTN, nếu thi công trong điều kiện mưa, chắc chắn sẽ nhanh hỏng hơn và hỏng ở nhiều dạng vẻ.

Nhóm phóng viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP