Hà Tĩnh ngày nay

Sở Thông tin – Truyền thông Hà Tĩnh: Nỗ lực vươn lên trong quá trình hội nhập

Sau 5 năm chính thức thành lập và đi vào hoạt động, Sở Bưu chính Viễn thông nay là Sở Thông tin – Truyền thông Hà Tĩnh dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh và Bộ TT – TT đã từng bước hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, không ngừng vươn lên trong quá trình hội nhập, ngày càng lớn mạnh toàn diện. Với sự kiên trì, năng động, nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ, viên chức, 5 năm qua sở đã ghi tên mình vào những đóng góp trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh.

Buổi sơ khai, sở chỉ có 8 người với 4 máy tính, đến nay đã có 42 CBVC với 6 phòng, 1 trung tâm trực thuộc và 100% CBVC có máy tính kết nối Internet. Hệ thống tổ chức phát triển tới cấp huyện, cấp xã. Với 26 nhiệm vụ được giao trên 5 lĩnh vực, Sở TT – TT là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực với những đặc điểm riêng biệt: Vừa là ngành kinh tế kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn vừa là công cụ hàng đầu trên mặt trận tư tưởng và là ngành phát triển nhanh, mạnh cả diện rộng và bề sâu công nghệ. Ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, 5 năm qua CBVC của sở đã nỗ lực sáng tạo, vận dụng tối đa các nguồn lực, phối hợp với các ngành nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó ngành cũng tranh thủ sự chỉ đạo về chuyên môn của bộ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh nên công tác quản lý nhà nước được triển khai đồng bộ, toàn diện và từng bước ổn định, đi vào nề nếp. Trong lĩnh vực quản lý báo chí, xuất bản tuy mới tiếp nhận 2 năm nhưng đã có chuyển biến rõ nét. Không chỉ tiếp nối công việc quản lý mà còn đổi mới, từng bước đưa hoạt động giao ban báo chí định kỳ hàng tháng đi vào nề nếp, có hiệu quả thiết thực, góp phần định hướng thông tin, hỗ trợ các báo, tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đồng hành cùng tỉnh trong quá trình đổi mới và phát triển. Đây chính là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị bởi báo chí, xuất bản là công cụ, phương tiện nòng cốt, chủ lực trong công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, trong việc định hướng dư luận và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt đời sống KT – XH.


Nỗ lực vươn lên trong quá trình hội nhập


Giao ban công tác báo chí.


Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện cũng từng bước được tăng cường: Quy hoạch BCVT đã được xây dựng và phê duyệt; Thẩm định các kế hoạch phát triển viễn thông hàng năm; ban hành các quy định cần thiết trong quản lý và phát triển hạ tầng mạng… Nhờ đó mạng lưới BCVT trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển và mở rộng vùng phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Hạ tầng viễn thông phát triển mạnh. So với năm 2006, đến nay số lượng trạm thu phát sóng thông tin di động tăng 31,8 lần, chiều dài mạng cáp quang tăng 3,7 lần. Các dịch vụ điện thoại, Internet tăng nhanh. Đến nay tổng thuê bao điện thoại tăng 8,4 lần so với năm 2005, mật độ điện thoại tăng 8 lần đạt 63 máy/ 100 dân, thuê bao ADSL phát triển nhanh với 18.248 thuê bao. Dịch vụ BCVT từ chỗ chỉ có 2 đơn vị cung cấp nay đã có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin giữa các vùng miền, đảm bảo thông tin trong bão lũ, thiên tai, cung cấp cơ bản đủ các nhu cầu về nghe, nhìn, đọc, trao đổi thông tin của nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT – XH, đảm bảo QPAN.


Bên cạnh những thuận lợi đó, công tác quản lý về CNTT và hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước được thiết lập chủ yếu qua đề án 112, còn lại là tự phát trong các doanh nghiệp và nhân dân, chưa có định hướng cụ thể. Trong quá trình triển khai đề án lại gặp sự cố, quá trình ứng dụng bị chậm lại. Mặt khác vai trò của người đứng đầu cơ quan với việc lập kế hoạch tổ chức ứng dụng CNTT chưa đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp đều rất sẵn sàng trong việc ứng dụng CNTT, chính nhờ đó mà đến nay, 100% cơ quan có mạng LAN và đường truyền Innternet dung lượng đạt trung bình 3 Mpbs, 40% sở, ngành, địa phương có Website, trên 72% CBVC có máy tính làm việc, 11 sở, ngành, UBND 2 huyện đã sử dụng hiệu quả văn phòng điện tử di động, nhiều dự án được tỉnh đầu tư xây dựng như: Sàn giao dịch điện tử, Cổng thông tin điện tử, Báo Hà Tĩnh điện tử, hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến… Riêng khối doanh nghiệp có hơn 100% đơn vị sử dụng máy vi tính, trong đó 50% kết nối Internet và 60/1500 doanh nghiệp có Website. Ngoài ra tại các cơ quan, rất nhiều CBVC đã nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các phần mềm chuyên môn như: Quản lý và chi trả bảo hiểm xã hội, kiểm soát môi trường, thi trắc nghiệm, quản lý điểm thi v.v…


Sau 5 năm xây dựng và trưởng thành, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực TT – TT còn bộc lộ nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, phát triển chưa tương xứng đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa của CBVC toàn ngành. Trong thời gian tới, Sở TT – TT sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và tận dụng những cơ hội, thời cơ để hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản của mình nhất là việc cùng với xu thế của cả nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng coi TT – TT là ngành có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có đóng góp lớn vào GDP và đã chỉ đạo đến năm 2015 hình thành Công nghiệp CNTT ở tỉnh giúp đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân.


Nguyễn Đình Phú- GĐ Sở TT – TT

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP