Chăm sóc sức khỏe

Nguồn gốc hoa quả trên thị trường Hà Tĩnh: “Bắc thang lên hỏi ông trời”!

Hiện nay, trên thị trường Hà Tĩnh tràn ngập các loại hoa quả được giới thiệu là hàng nhập từ Mỹ, Úc, Thái Lan… nhưng ít ai biết trong số đó có khá nhiều hoa quả không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng Trung Quốc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang “đội lốt” các loại hàng “xịn” để đánh lừa người tiêu dùng. Không chỉ người dân, vấn đề đáng nói là, ngay cả cơ quan chức năng cũng “tù mù” về nguồn gốc của các sản phẩm này…

Trong vai người cần mua số lượng lớn hoa quả để chuẩn bị đám cưới, chúng tôi ghé vào gian hàng khá lớn ở chợ TP Hà Tĩnh. Bắt được khách “sộp”, chị bán hàng đon đả quảng cáo một loạt sản phẩm “hàng chất lượng”: “Xoài Thái Lan 40.000 đồng/kg, nho Mỹ 240.000 đồng/kg, măng cụt Thái Lan 45.000 đồng/kg… Em yên tâm mà chọn, toàn hàng chất lượng cả. Bây giờ ai ăn hàng Trung Quốc nữa mà bán”. Thế nhưng, nhìn vào những sạp hàng đủ thứ hoa quả, chẳng có loại nào được gắn nhãn mác xuất xứ. Tất cả đều “nhập nhèm” khiến chúng tôi như rơi vào ma trận của những lời giới thiệu mỹ miều về nguồn gốc mà chẳng biết thực hư thế nào.

Nguồn gốc hoa quả trên thị trường Hà Tĩnh: “Bắc thang lên hỏi ông trời”!
Lo sợ hoa quả không rõ nguồn gốc, ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm đến mặt hàng nông sản sạch

Tại một quầy hàng hoa quả ở TX Hồng Lĩnh, khi chúng tôi băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ của các loại hoa quả, một chủ quầy khẳng định: “Hàng xịn cả đấy. Giờ ai bán hàng Trung Quốc nữa mà lo. Hàng đểu họ tịch thu liền, bán đâu được”. Thế nhưng, những loại hoa quả được giới thiệu là hàng xịn cũng chẳng khác gì các loại hoa quả được bày bán khắp nơi trên thị trường Hà Tĩnh.

Không chỉ trong chợ, mà tại một cửa hàng hoa quả nổi tiếng ở TP Hà Tĩnh như T.H, khi hỏi mua táo Mỹ, người bán hàng chỉ tay vào một kệ táo và khẳng định đó là táo Mỹ. Táo Mỹ được cửa hàng này giới thiệu chẳng khác gì các loại táo ở chợ, không có nhãn mác. Còn lấy gì để chứng minh đó là táo Mỹ thì có lẽ… hỏi ông trời!

Chị Thái Thị Thảo (phường Nam Hà – TP Hà Tĩnh) cho biết: “Gia đình tôi ai cũng thích ăn hoa quả. Biết có lúc mua phải hàng không đảm bảo ATVSTP nhưng cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác”. Còn chị Lê Thị Vân (thị trấn Tây Sơn – Hương Sơn) cho hay: “Có lần tôi mua mấy quả cam để thắp hương, quên cả tháng không ăn mà vẫn tươi rói, đến cuống cũng không rụng. Hàng hóa như vậy nhưng người bán luôn khẳng định là hàng chất lượng; cũng chẳng thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý”.

Hoa quả trôi nổi trên thị trường hiện nay nếu không gắn cho hàng ngoại nhập thì cũng gắn cho hàng Việt Nam, tuyệt đối không nghe ai giới thiệu là hàng Trung Quốc. Theo quan sát của chúng tôi, các quầy hàng hoa quả ở chợ đều bày bán nhiều mặt hàng giống nhau và nếu không phải của Thái, Mỹ thì cũng khẳng định như “đinh đóng cột” là hàng Việt Nam. Hàng loạt mặt hàng được giới thiệu là hàng Việt Nam: nào là nhãn Hưng Yên, cam Hà Giang, đào Lạng Sơn… nhưng tất cả đều được đựng trong mấy hộp chằng chịt chữ Trung Quốc!

Một cán bộ thuộc Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: “Theo quy định, hàng hoa quả nhập khẩu, nếu không đóng bao thì không phải gắn nhãn mác, vì vậy, rất khó để kiểm soát chất lượng. Muốn khẳng định loại hoa quả nào đó vi phạm ATVSTP hay không thì phải lấy mẫu, gửi đi giám định thì mới có kết luận chính xác và mới tiến hành xử lý được. Trong khi, hoa quả là mặt hàng tiêu thụ nhanh, mau hỏng, mẫu giám định phải gửi ra tận Hà Nội và mất nhiều ngày mới có kết quả, nên rất khó thực hiện. Nếu giữ hàng hóa lại để lấy mẫu giám định mà cho kết quả không vi phạm thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?!

Trao đổi về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoa quả, ông Nguyễn Hồng Dũng – Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, hàng từ Thái Lan nhập về qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo gồm nhãn, sầu riêng, măng cụt… nhưng không nhiều. Mỗi tuần chỉ vài tờ khai. Theo quy định, hàng có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật là chúng tôi làm thủ tục cho thông quan. Còn chất lượng hàng hóa như thế nào thì do đơn vị cấp chứng nhận kiểm dịch thực vật chịu trách nhiệm. Chất lượng hoa quả trong nội địa thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng khác chứ không phải của Hải quan”.

Cũng chung câu hỏi này, một cán bộ QLTT cho rằng, chất lượng ATVSTP là do Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm. Đơn vị có phòng quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, thực hiện kiểm tra, gửi mẫu giám định… QLTT không có chuyên môn để kiểm tra chất lượng ATVSTP, không có kinh phí để gửi mẫu giám định mà chức năng của QLTT là kiểm tra các loại thủ tục, giấy tờ. Nếu người bán khai là hoa quả nhập khẩu như hàng Mỹ, Úc, Thái Lan… thì QLTT yêu cầu xuất trình hóa đơn, giấy tờ liên quan; nếu không có sẽ bị xử lý. Nếu họ nói là hàng Việt Nam thì đành chịu”. Trong khi đó, ông Lê Tùng Dương – Phó phòng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT) cho rằng: “Xung quanh vấn đề chất lượng sản phẩm nông nghiệp, chúng tôi quản lý chuỗi sản xuất, còn hàng hóa ngoài thị trường không thuộc chức năng của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đang tiến hành lấy một số mẫu, sắp tới sẽ gửi đi kiểm tra…”.

Thực tế hiện nay, chất lượng ATVSTP hoa quả đang được thả nổi. Các cơ quan chức năng thì mỗi nơi một lý, nhưng chung quy lại không ai chịu trách nhiệm về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hoa quả trên thị trường. Và, hàng ngày, hàng chục loại hoa quả kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn “song hành” cùng những hàng hóa đảm bảo ATVSTP bày bán khắp nơi trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuệ Anh – Chính Thu/ Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP