Tuỳ bút Quê hương

Mùa xuân…tản mạn về hoa đào Thạch Quý

Mùa xuân, mùa của đất trời của sự nẩy mầm, đơm hoa…mùa của những mong ngóng ngày Tết của trẻ thơ, bồi hồi kỷ niệm của người già, tất bật-hối hả của cuộc sống, của những chuyến đi-về trên khắp mọi miền quê…

Tìm cho một niềm vui nho nhỏ khi mùa xuân về, khi không khí Tết bắt đầu chạm ngõ mọi nhà tôi lại về với Làng đào Trung Đình, phường Thạch Quý, không hẳn để chọn cho mình một cây đào ưng ý, cũng chẳng phải để quan tâm nhiều đến bán-mua của khách hàng, cũng không hẳn là hỏi thăm đời sống của những người dân một nắng, hai sương, sướng-khổ vì cây đào…Tôi đến để được cảm nhận được hơi thở mùa xuân nơi những vườn đào…một cảm nhận rất khó tả, vô hình, xuyến xao trong lòng…Xin không mạn đàm nhiều về loài hoa này vì nó là biểu tượng của ngày Tết, của mùa Xuân đất trời. Như là quy luật Tết đến-Xuân về cùng với cành đào, cây đào trong gia đình thì trên mỗi trang báo, trang tạp chí, những bức thiệp chúc mừng năm mới cũng không thể thiếu hình ảnh của những cành đào, hoa đào, cùng với nó là những trang viết về hoa đào ngày Tết; người ta viết về nó rất nhiều mà hình như giống như mùa Xuân, hoa đào mỗi năm lại được viết ở những góc độ khác nhau, tươi mới tràn trề…

Cây hoa đào đối với người dân Hà Tĩnh nói chung và người dân Thành phố Hà Tĩnh, phường Thạch Quý nói riêng là một loại cây mới được du nhập và trồng đại trà không thật lâu, một cây mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, tạo cảnh quan đô thị và góp phần làm thêm xuân hơn của đất trời Hà Tĩnh…

Tôi được nghe rất nhiều câu chuyện kể về cây đào Nhật Tân trên mảnh đất Thành Sen, cái nguyên cớ để cây đào Nhật Tân đến với vùng đất Hà Tĩnh…Trong cái rạo rực đón chờ mùa Xuân, trong sắc đào thắm của làng đào Trung Đình đón chào Tết Nguyên đán, xin được ghi lại câu chuyện của cuộc sống, của tình yêu mà may mắn tôi được nghe kể…và cũng là sự khởi đầu của hoa đào Nhật Tân trồng trên đất Thành phố Hà Tĩnh.

Chuyện kể rằng:

Năm 1990, anh C người con của mảnh đất Trung Đình, Thạch Quý là người lính của Binh chủng Thông tin-liên lạc, đơn vị anh đóng quân không xa với làng hoa đào Nhật Tân…Cũng chẳng biết từ bao giờ mỗi lần đi qua làng hoa đào nổi tiếng lòng người lính trẻ lại rộn ràng, thổn thức…Tết năm 1991, C phải trực, không về quê nhà ăn Tết…nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của những chiều cuối năm se lạnh của Hà Nội đưa C đến với làng đào Nhật Tân. Lần này không chỉ ngắm nhìn từ xa, anh xuống tận vườn đào chọn cho đơn vị một nhành đào đón Tết. C chọn rất lâu, rất cầu kỳ, cố chọn cho được một nhành đào đẹp cho đơn vị chuẩn bị trang hoàng những ngày Tết của người lính xa nhà để làm vơi đi nổi nhớ quê hương khi khoảng khắc giao thừa điểm… C dừng lại rất lâu ở vườn đào có người con gái trẻ, duyên dáng…Anh bộ đội đẹp trai ơi, mua cành đào này cho em đi! Em bán rẽ cho! Tiếng cô gái trong trẽo mời chào. Một chút bối rối, C trấn tĩnh…Anh không mua rẽ đâu, đắt cũng được nhưng em phải cho anh biết nhà em ở đâu và cho anh làm quen!… Cô gái thẹn thùng trước câu trả lời của anh lính trẻ, hình như quân phục màu xanh mới tinh của C, hay là giọng nói Hà Tĩnh đặc sệt, hay là khuôn mặt đẹp của chàng lính binh nhì làm cô gái ấn tượng…Và rồi cành đào đã theo C về đơn vị, mang theo cả lời hứa, lời mời của người con gái làng đào Nhật Tân…Tết năm đó tuy không về quê ăn Tết cùng gia đình, bạn bè nhưng C lại rất vui, hạnh phúc vì được đón Tết cùng đơn vị và làm quen được với D cô gái làng đào nổi tiếng…

Cùng với thời gian, mối tình của anh lính thông tin với cô gái làng đào Nhật Tân đã nẩy nở, một mối tình quân-dân, một mối tình của hai miền quê…Năm 1992, C hoàn thành nghĩa vụ quân sự và sau thời gian đó không lâu C và D đã làm đám cưới. D theo chồng về quê C, bỏ lại sau lưng những vườn đào thân thuộc, bỏ Hà Nội phồn hoa về làm dâu ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh…

Với cuộc sống sau quân ngũ, với người vợ làng hoa Nhật Tân nổi tiếng, sinh sống ở quê hương Trung Đình đất rộng nhưng đất vẫn luôn phụ người đã làm cho C và D nhiều đêm trăn trở…Và rồi một quyết định trồng đào Nhật Tân trên đất Hà Tĩnh đã được 2 vợ chồng thực hiện, với sự giúp đỡ nhiệt tình của 2 gia đình…

Chính thức năm 1992 đào Nhật Tân được trồng đầu tiên tại mảnh vườn ông N, xóm Trung Đình, Thạch Quý, Thị xã Hà Tĩnh…Cũng như sự vất vả của cuộc sống đôi vợ chồng trẻ, cây đào Nhật Tân ngày đầu trồng ở mảnh đất Trung Đình cũng nhiều gian truân; trồng đào chẳng phải đơn giản, nghề chơi cũng lắm công phu. Những năm đầu, đào ra hoa, nhưng cây thường yếu và màu sắc không đẹp. Với kinh nghiệm trồng đào của D và đặc biệt là sự giúp đỡ của bố chồng C và rút kinh nghiệm về khí hậu Hà Tĩnh, thổ nhưỡng của đất Trung Đình. C và D áp dụng phương pháp lai ghép đào Nhật Tân với giống đào tại chỗ. Gốc ghép là đào địa phương, cây khỏe, nhưng màu hoa trắng nhợt, ít hoa, cành thẳng, không đẹp. Cùng với thời gian giống đào Nhật Tân được lai ghép với giống đào Hà Tĩnh đã mang lại kết quả ngoài mong đợi đối với gia đình ông N, anh C và chị D…và làng hoa đào Trung Đình cũng hình thành nên từ đó, sau này giống đào này phát triển trên nhiều vùng quê Hà Tĩnh.


Bác Trần Hữu Sỹ kiểm tra độ bung nở của hoa đào. Ảnh: hatinh.vn

Hoa đào Trung Đình là loại đào ghép từ đào Nhật Tân với đào địa phương. Đào Trung Đình có màu sắc đỏ tươi đẹp như đào Nhật Tân. Mặt khác những người trồng đào ở Trung Đình tạo ra cây đào thế, chứ không phải bán cành đào, nên càng hấp dẫn khách mua đào và có giá. Lần đầu tiên tại vùng quê này có những vườn đào nở rực rỡ. Có thể nói ở phường Thạch Quý và làng Trung Đình trồng nhiều cây đào thế nhất. Đào thế Trung Đình có dáng trực, mỗi cành có hình rồng uốn lượn rất đẹp.

Giống đào Nhật Tân trồng trên đất Hà Tĩnh tuy lượng hoa ít hơn đào Nhật Tân trồng ở đất gốc nhưng cánh hoa to, màu sắc đậm, cành có nhiều lộc hơn…đó là nhận xét của những người trồng đào Trung Đình và những người sành chơi đào.

Với lời nhận xét mang tính đặc trưng như vậy về cây đào Trung Đình làm tôi liên tưởng đến mối tình của anh C và chị D: Mối tình của người con trai đất Thạch Quý với người con gái Nhật Tân; nếu ở góc độ tình cảm đơn thuần thì có lẽ chẳng cần phải bàn cãi vì tình yêu luôn là thế! rất tình cờ, không có khoảng cách về thời gian và không gian…và cũng chẳng ai có thể cắt nghĩa được tình yêu trọn vẹn…Họ gặp nhau, yêu nhau, thành vợ-thành chồng, sinh con-đẻ cái…đã như là một quy luật của cuộc sống. Anh C và chị D cũng không là ngoại lệ, họ đã có một tình yêu, một tổ ấm gia đình và những đứa con ngoan ngoãn, học giỏi…Nhưng với tôi tình yêu, cuộc sống của họ có cái rất riêng…qua tình yêu, cuộc sống chính họ đã làm nguyên cớ hình thành nên cây đào, làng đào Trung Đình của Thành phố Hà Tĩnh…Không viết nhiều thì chúng ta cũng sẽ có cái gì đó so sánh, không phải là câu chuyện cổ tích nhưng ít nhiều chúng ta vẫn thấy trong tình yêu của họ bắt đầu từ nhành đào như là một mối lương duyên, để sau này cũng là dấu mốc, dấu ấn của cây đào Nhật Tân trên đất Hà Tĩnh, hình thành nên làng hoa đào Trung Đình và hiện nay là rất nhiều làng đào khác trên mảnh đất Hà Tĩnh.

Làng đào Trung Đình đã vào Xuân dẫu hoa đào chưa thắm nụ, hình như nó cố nén cái rét cắt da, cắt thịt, nén những cơn mua phùn-gió bấc để chắt chiu những màu đỏ thắm của cánh hoa, nở lộc xanh tràn trề đem mùa xuân đến với mọi nhà. Thoang thoãng mùi trầm Tết nhà ai đốt sớm, rộn ràng trong tiếng nói chào hỏi thăm sắm Tết, những cây đào Trung Đình lại đi-về muôn nẽo mang sắc xuân về với mọi nhà-mọi người, mang cả nổi niềm của người trồng đào gửi gắm, đem cả thành quả của những nhọc nhằn bón chăm ròng rã của 12 tháng trong năm để có những cây đào nở đúng dịp Tết như thể quên đi chưa từng có những ngày mưa lũ, bão tố của miền Trung và có cả mối tình tôi vừa kể, tình duyên của một làng đào.

Xã Thạch Quý đã trở thành phường Thạch Quý, xóm Trung Đình ngày hôm qua hôm nay đã là khối phố Trung Đình, tên gọi-cách gọi thay đổi cũng là tất yếu mang tính tương đối cho sự phát triển. Tốc độ đô thị hóa mà mặt trái của nó làm ít dần những diện tích trồng đào, ít dần những vườn đào đẹp…Làng đào Nhật Tân-Hà Nội đã không còn, người trồng đào ở Nhật Tân phần nhiều đã chuyển nghề…song làng đào Nhật Tân còn mãi trong tiêm thức rất nhiều người trong lòng Hà Nội, cả trong lòng những người Hà Tĩnh. Khối phố Trung Đình tự hào là mảnh đất cây đào Nhật Tân lần đầu đứng chân, tồn tại và phát triển.

Tôi viết những dòng cảm xúc này khi năm cũ sắp qua, góp thêm như là một lời đề dẫn, lời giới thiệu về làng đào Thạch Quý; dành tặng riêng cho những người trồng đào Trung Đình, những người góp phần làm thêm sắc xuân cho Thành phố trẻ Hà Tĩnh.

Hậu Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP