Tin Liên Quan

Kỳ 1: Những cuộc ngã giá tiền tỉ

“Chúng tôi vừa đánh lưới được một con hải cẩu, các anh mua không, nếu không chúng tôi bán lại cho thương lái!” – cuộc điện thoại trong đêm có đầu số 038 đã kéo Bùi Quang Nghị, cán bộ viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hoà) rời khỏi giường để bắt đầu một hành trình mới. Sau khi xác minh thông tin, Nghị và anh Bùi Thế Phiệt, chuyên viên ngư học cùng một lái xe tức tốc chạy xe ra Hà Tĩnh ngay trong đêm. “Đối với những người làm công việc săn tìm và tiếp nhận những mẫu sinh vật biển quý hiếm, bị dựng đầu dậy vào những cữ khuya khoắt như thế này đã là một thói quen”, Nghị kể.

Giải cứu sinh vật biển quý hiếm


LTS: Tự coi mình mắc nợ đại dương, những nhà khoa học ấy đã miệt mài theo dấu các loài sinh vật biển quý hiếm, giải cứu chúng thoát khỏi hoạt động đánh bắt trái phép, đưa về thuần hoá rồi thả lại biển khơi hoặc làm tiêu bản phục vụ nghiên cứu. Đằng sau những chuyến đi ấy không chỉ có mồ hôi, sự nguy hiểm chực chờ mà còn có cả những cuộc đấu trí căng thẳng để bảo vệ giống nòi quý hiếm cho đại dương. Từ số báo này Sài Gòn Tiếp Thị khởi đăng loạt bài về hậu trường của những chuyến đi tìm kiếm và bảo vệ các loài sinh vật biển quý hiếm tại Việt Nam.



Áp tải hải cẩu lúc nửa đêm



Có mặt tại Hà Tĩnh, lúc này hàng trăm người hiếu kỳ vẫn tụ tập chiêm ngưỡng chú hải cẩu khoảng một tuổi, nặng khoảng 10kg đang bị cô lập trong một chiếc thùng lớn. Loài này vốn sống ở vùng biển lạnh của Nhật Bản nhưng bị trôi lạc vào vùng biển Hà Tĩnh và bị ngư dân bắt được. “Người bắt được con hải cẩu đã ra giá một tỉ đồng. Họ cho rằng đây là loài động vật quý hiếm, nhất định không chịu giảm giá nếu không sẽ bán cho thương lái”, Nghị nhớ lại. Tuy đã tiếp nhận hàng trăm loài sinh vật biển quý hiếm, đã trải qua nhiều cuộc đấu trí và ngã giá căng thẳng nhưng các nhà nghiên cứu đang vấp phải tình huống khó. Số tiền thách giá cao như vậy thì cơ quan không thể chi được, trong khi loài này rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu phải dùng luật và nhờ tác động của cơ quan hữu trách ở địa phương. Rằng với những loài động vật hoang dã thì không được mua bán, các nhà khoa học sẽ trả công đánh bắt và chăm sóc cho ngư dân này, nếu không cơ quan chức năng sẽ tịch thu. Nghe cũng thấu tình đạt lý, chủ ghe đã đồng ý để các cán bộ tiếp nhận con hải cẩu và nhận 10 triệu đồng tiền bồi dưỡng.


Điều khó khăn tiếp theo là làm sao để vận chuyển hải cẩu về an toàn “Nếu để hải cẩu chết, mà lại chết ngay trong tay các nhà khoa học thì rất mang tiếng”, Nghị bộc bạch. Việc vận chuyển được tiến hành ngay trong đêm. Những băng ghế sau của chiếc xe 12 chỗ được tháo rời, nhường chỗ cho chiếc thùng nhốt hải cẩu “Suốt chặng đường tụi tôi không tài nào chợp mắt được. Mỗi khi nghe trong thùng im lìm là cứ lo hải cẩu có mệnh hệ gì, cứ đi một quãng đường lại phải ghé biển để thay nước”, Nghị nhớ lại. Đến một giờ sáng thì các nhà nghiên cứu cũng áp tải được hải cẩu về cơ quan an toàn.

“Một người dân ở Khánh Hoà thông báo bắt được một loài sinh vật biển chưa từng thấy trên trái đất và ra giá bán một tỉ đồng. Đến chừng các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu thì đó chỉ là… cục bột mì”


Cú lừa cục bột mì giá 1 tỉ đồng


Thông thường, các cán bộ nghiên cứu ở viện Hải dương học Nha Trang tiếp nhận những loài sinh vật biển nhờ thông tin từ các ngư dân hay các cơ quan hữu trách địa phương. Chỉ cần đánh bắt hay phát hiện ra một loài có hình dạng kỳ lạ, họ sẽ báo để rao bán hoặc kêu các nhà khoa học đến tiếp nhận.


Cũng vì đặc thù “săn” sinh vật biển trên bờ như vậy nên có không ít lần các nhà nghiên cứu bị đặt vào những tình huống bị động. Anh Chu Anh Khánh, cán bộ viện Hải dương học Nha Trang kể một kỷ niệm nhớ đời, cách nay chưa lâu, một người dân ở Vạn Ninh (Khánh Hoà) thông báo bắt được một loài sinh vật biển chưa từng thấy trên trái đất. Thông tin này lập tức thu hút hàng ngàn người tụ tập đến chiêm ngưỡng “sinh vật quý”. Cả một đoạn quốc lộ 1A kẹt cứng người. Cơ quan hữu trách lập tức thông báo các cán bộ viện Hải dương học Nha Trang xuống thẩm định. “Người chủ nhất quyết không cho coi con vật lạ và đề nghị phải trả 1 tỉ đồng mới được mang đi. Chúng tôi thuyết phục nếu đúng là loài quý hiếm thì sẽ trả giá cao. Nhìn qua, chúng tôi thấy một vật có hình thù kỳ dị và khi quan sát kỹ thì đó chỉ là…một cục bột mì, vật này không có giá trị gì cả. Sau phát hiện đó, cả đám đông đường ai nấy đi còn chủ nhà thì tiu nghỉu”, anh Khánh cười lắc đầu nhớ lại. Cũng theo anh Khánh, khi đi thu nhận mẫu vật, những tình huống thách giá và trả giá như vậy không phải ít. “Nhiều khi giá thực tế chỉ có 10 triệu nhưng họ nghĩ mình cần nên thách giá 100 – 200 triệu, có khi lên cả tiền tỉ. Đặc biệt, có người bắt được những loài có trong sách đỏ nhưng khi làm việc họ vẫn thét giá trên trời. Chỉ khi chúng tôi cung cấp thông tin, phân tích hết tình lý họ mới đồng ý cho tiếp nhận”, anh Khánh kể.


Phập phồng mua hớ và công cốc


Không phải chuyến đi nào cũng xuôi chèo mát mái. Đã có những lần đi tưởng chừng không về được hay khi đến nơi thì mẫu vật không còn nguyên. Chẳng hạn, chuyến đi thu mẫu bộ xương nàng tiên cá (con bò biển) ở Côn Đảo để về làm tiêu bản (mẫu để lưu giữ, sau này làm cứ liệu đối chiếu – PV), anh Khánh cùng một cán bộ phòng bảo tàng gặp bão lớn, mất liên lạc với đất liền. Mất gần hai tuần lênh đênh trên biển, cả người và mẫu vật mới may mắn về đất liền an toàn. Hay một lần khác, mất một tháng trời, anh Khánh và cộng sự mới mang được bộ xương cá voi lưng gù khổng lồ từ Nam Định về Nha Trang…


Có những chuyến đi, vì nhận được thông tin trễ, khi đến nơi mẫu vật đã không còn nguyên dạng. Mới đây nhất là việc suýt mua hớ con cá mập mà ngư dân bắt được ở Quy Nhơn, loài cá được cho là thủ phạm gây ra nhiều vụ cá tấn công người tắm biển ở vùng biển này. Tuy nhiên khi đã thương lượng được giá, kiểm tra lại thì phát hiện con cá mập này đã bị cưa răng, đành phải từ chối mua. Hay trước đó, có những con cá heo, cá voi bị dạt vào bờ biển miền Trung, khi các nhà nghiên cứu đến thì người dân đã chôn và lập miếu thờ, nhất quyết không cho mang đi… Khó khăn chưa dừng lại ở đó bởi khi thu được mẫu, việc vận chuyển về để nuôi hoặc bảo quản cũng hết sức đặc thù. Với những loài lớn, nếu còn sống phải dùng xe bồn cỡ lớn. Nếu không may con vật đã chết lại phải thuê xe đông lạnh, cứ đi một chặng là phải tiếp đá để mẫu vật không bị phân huỷ bởi chuyến đi có khi kéo dài cả tháng trời…


(còn tiếp)


Trung Dũng

Nhiều loài quý được biếu không


Bên cạnh một số người coi việc bắt giữ được những sinh vật biển quý hiếm là một thương vụ cần trao đổi sòng phẳng, cũng có nhiều người dân thấy được giá trị việc làm của các nhà nghiên cứu nên đã tình nguyện chung tay góp sức, bàn giao sinh vật quý hiếm cho viện Hải dương học Nha Trang để phục vụ nghiên cứu mà không đòi hỏi thù lao. Như năm 2003, các ngư dân ở Kiên Giang bắt được con bò biển dài 275cm, nặng 400kg tại xã Gành Dầu (Phú Quốc) hay tháng 2.2005, một số ngư dân ở Vũng Tàu bắt được một con cá nhám voi dài khoảng 4m, nặng 1 tấn… Nhiều người khác khi đánh bắt được những loài cá, tôm, mực có hình thù kỳ dị cũng trực tiếp mang đến biếu mà không nhận tiền công.

SGTT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP