Tin Hà Tĩnh

Kè chống sạt lở sông Ngàn Sâu 48 tỉ: Vì sao có dư luận trái chiều?

UBND xã Gia Phố (Hương Khê-Hà Tĩnh) cho rằng dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đi qua địa phương là cần thiết, hầu hết người dân đều đồng thuận. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn có ý kiến trái chiều, cho rằng dự án không cần thiết, lãng phí và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Huyện Hương Khê dự định phá những hàng cây lâu năm chắn lũ bên bãi bồi để xây kè chống sạt lở 48 tỉ. Ảnh: Quang Đại

Dân đề nghị dừng dự án

Bờ sông Ngàn Sâu qua xã Gia Phố với hàng cây cối um tùm, không có hiện tượng sạt lở nhưng vẫn được đầu tư xây kè chống sạt lở. Ảnh: Trần Tuấn


Như Lao Động đã thông tin, dự án kè chống sạt lở sông Ngàn Sâu đi qua xã Gia Phố (Hương Khê-Hà Tĩnh) được phê duyệt vào năm 2015, tổng kinh phí 48 tỉ, đến nay chưa thi công.
Vừa qua nhiều hộ dân xã Gia Phố kiến nghị không triển khai dự án vì lãng phí và tạo nguy cơ mất an toàn tài sản, tính mạng người dân.

Theo những hộ dân này, vị trí thực hiện dự án đã được dân trồng cây tạo thành lũy vững chắc, nhiều đoạn thành bãi bồi, nếu làm kè phải chặt hàng cây chắn lũ gây nguy hiểm, lãng phí ngân sách.

Sau khi báo đăng, lãnh đạo UBND xã Gia Phố cho rằng dự án là cần thiết, đại đa số nhân dân đều đồng thuận, chỉ còn 2 hộ dân chưa đồng ý.

Để xác thực thông tin, ngày 19.5, phóng viên đã có mặt tại xã Gia Phố để kiểm chứng. Hộ ông Nguyễn Văn Trang- bà Phạm Thị Hóa tại thôn Trung Hải nhà sát bờ sông, đã xây dựng nhà cửa kiên cố.

“Gia đình tôi cư trú ở đây đã hơn 40 năm. Trước đây sông có sạt lở, nhưng từ năm 1981, địa phương vận động nhân dân trồng tre ven sông. Nay tre, cây cối đã xanh tốt, tạo thành thành lũy vững chắc. Phù sa bám vào, tạo thành bãi bồi, dân sống yên tâm. Việc xây kè là không cần thiết” – ông Nguyễn Văn Trang phân tích.

“Tại sao dự án làm đẹp, kiên cố bờ sông, còn được hưởng tiền đền bù mà chúng tôi lại phản đối? Bởi vì để làm kè, phải chặt hạ toàn bộ hàng cây cổ thụ ven sông, khi nước lũ dâng cao, vượt qua mặt kè hàng chục mét, toàn bộ gỗ, rác trôi vào, nhà cửa chúng tôi chắc chắn sụp đổ”- bà Hóa, vợ ông Trang nói.

Bà Hóa giải thích thêm là gia đình bà không phản đối dự án. Nhưng nếu Nhà nước kiên quyết làm thì phải lập phương án đền bù toàn bộ tài sản, cây cối, đất đai để gia đình bà đi nơi khác.

Ông Hán Duy Thạch và vợ là Nguyễn Thị Hồng-thôn Thượng Hải cũng có ý kiến tương tự. “Nếu chặt cây làm kè, gia đình chúng tôi không thể ở đây được, đề nghị nhà nước bồi thường, tái định cư nơi khác”- bà Hồng nói.

Được biết, dự án làm kè ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ dân sống ven sông, có nhà cửa ổn định. Hiện nhiều hộ có chung ý kiến là đề nghị không làm kè, nếu làm kè thì phải tái định cư cho dân.

Vì sao có nhiều hộ dân “đồng thuận”?

Ông Hán Duy Thạch (thôn Thượng Hải- xã Gia Phố) bên hàng cây cổ thụ sẽ bị chặt bỏ để xây kè chống sạt lở. Ảnh Trần Tuấn


Khi phóng viên hỏi vì sao có nhiều hộ dân khác trong vùng đồng thuận làm kè, bà Phạm Thị Hóa giải thích: “Nguyên nhân do các hộ đó nhà cách xa bờ sông, chặt cây xây kè không ảnh hưởng, lại có đất bãi được bồi thường nên họ thích dự án. Còn 8 hộ dân ở ven sông, nếu chặt hàng cây chắn sóng thì nhà cửa, tính mạng bị uy hiếp, nên chúng tôi phản đối”.

Ông Đặng Viết Long – Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phố cho biết: “Dự án làm kè là cần thiết, vừa qua chúng tôi tổ chức họp, hầu hết các hộ dân đã đồng thuận, chỉ còn 2 hộ phản đối”. Theo ông Long, hai hộ còn phản đối là hộ bà Trần Thị Khuyên và ông Trần Phát Đạt.

Tuy nhiên qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án đều chưa đồng thuận, hoặc đề nghị bố trí tái định cư nếu huyện quyết tâm làm bằng được.

Trường hợp bố trí tái định cư cho cả 8 hộ dân này, sẽ phát sinh chi phí lớn, trong khi toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án đã được phê duyệt chỉ 1 tỉ đồng.

Làm việc với phóng viên, Sở NNPTNT Hà Tĩnh nêu quan điểm tiếp tục thi công dự án. Đơn vị này cung cấp các hồ sơ liên quan, tuy nhiên không có biên bản khảo sát thực trạng sạt lở của bờ sông Ngàn Sâu để làm cơ sở lập dự án xây kè.

Tác giả: QUANG ĐẠI-TRẦN TUẤN

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP