Địa Chí Hà Tĩnh

Hương Khê – Quá khứ, Hiện tại và Tương lai

Vùng đất hoang vu, cằn cỗi rừng là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc; từng bị những cơn mưa lũ tàn phá nặng nề, mới đây nhất là cơn bão số 2… Thế nhưng chiến tranh, mưa lũ đi qua, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) lại vươn mình đứng dậy để tiếp tục xây dựng và phát triển.

Lịch sử oai hùng Năm 1867 huyện Hương Khê chính thức thành lập sau khi hợp 5 tổng: Phương Ðiền, Chu Lễ, Phúc Lộc, Hương Khê và Quy Hợp. Huyện Hương Khê ra đời chứng tỏ vị trí chiến lược của Hương Khê trong tiến trình phát triển của Hà Tĩnh nói riêng cả nước nói chung. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hương Khê là một trong những địa bàn quan trọng trong cả nước lúc bấy giờ. Vua Hàm Nghi đã có một thời đóng đô ở xã Phú Gia, nay còn để lại nhiều dấu tích lịch sử, bằng chứng là một xã của huyện Hương Khê còn mang tên vua: xã Hàm Nghi. Cũng thời kỳ đó, Phan Ðình Phùng lập căn cứ chống Pháp ở núi Vũ Quang suốt 10 năm. Xa hơn, thời Lê – Trịnh cánh quân Tây Sơn trên đường hành quân từ Phú Xuân ra Bắc Hà tiêu diệt quân Thanh đã dừng lại ở Hương Khê để mộ thêm lính, lấy thêm lương thực, thực phẩm. Dấu chân của những người lính “áo vải cờ đào” cũng đã góp phần vào truyền thống yêu nước của người dân Hương Khê trong các cuộc biểu tình rầm rộ ở Phúc Trạch, Ðô Khê, Hà Linh qua phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Thời kỳ đó, giặc Pháp đánh phá ác liệt gây ra tội ác giết hại hơn 30 em học sinh tiểu học Hương Phúc. Chúng còn rải bom bi cướp đi sinh mạng hàng chục người dân xã Hương Lạc. Máu của nhiều đảng viên và quần chúng nhân dân bị đàn áp trong cuộc biểu tình Rôộc Cồn (xã Phú Phong) đã tô thắm thêm lịch sử oai hùng của vùng đất Hương Khê – Hà Tĩnh. Chín năm trường kháng chiến chống thực dân Pháp, Hương Khê là vùng ATK (an toàn khu) của Liên khu 4. Nhân dân Hương Khê đã góp người, góp của cùng cả nước viết nên trang sử Ðiện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước con đường giao liên Trường Sơn Ðông đi dọc Hương Khê qua Phúc Trạch vào Quảng Bình nối liền đường 559 đêm đêm rầm rập bước chân của nhiều đoàn quân ra trận. Hương Khê nổi tiếng với phà Ðịa Lợi, hầm Lộc Yên, căn cứ Bộ Chỉ huy Binh đoàn 559 với hình ảnh “O du kích nhỏ giương cao súng” và con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã nâng đỡ bước chân của đoàn quân ra trận. Từ trong chiến tranh, Hương Khê đã ghi dấu lịch sử oai hùng, góp phần làm nên chiến thắng của Việt Nam. Và cũng từ trong máu lửa, Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Ðô đã trở thành xã anh hùng. Tiếp tục “vượt sóng”






Hương Khê là huyện miền núi, điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi. Trải qua 140 năm, người dân Hương Khê đã bộc lộ những phẩm chất cao đẹp như truyền thống cần cù lao động, yêu nước, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng và phát triển. Phần lớn diện tích đất ở Hương Khê đồi núi nhưng để sinh sống được với nghề nông, người Hương Khê đã phải cải tạo đất đai, khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, dùng sức người chế ngự thiên nhiên. Ðể cải thiện đời sống, nhân dân huyện Hương Khê còn tìm ra một số nghề thủ công như đan lát, mộc, rèn, chế biến lương thực thực phẩm… Từ một vùng đất hoang vu, cằn cỗi, Hương Khê chuyển mình mạnh mẽ và trở thành một trong những huyện miền núi có nền kinh tế ổn định và phát triển. Thế nhưng, người dân Hương Khê vẫn giữ lối sống giản dị, mộc mạc, trọng nghĩa tình. Ở đâu, người Hương Khê cùng nhớ về quê hương, lập các hội đồng hương đóng góp sức lực cho công cuộc xây dựng quê hương. Hương Khê còn là vùng đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học… Năm 2007, bão số 2 gây ra cơn lũ lịch sử vào tháng 8 và tiếp đó bão số 5 gây mưa lũ lớn trên diện rộng làm 14 người chết, 43 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, trâu bò bị chết. Thế nhưng, ngay sau khi mưa lũ đi qua, địa phương đã khẩn trương tổ chức, khắc phục hậu quả để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh cũng đã đến huyện Hương Khê ngay sau bão để thăm hỏi, chỉ đạo, khắc phục hậu quả. Theo đó, UBND huyện Hương Khê đã rà soát lại mức độ thiệt hại và tiến hành cấp phát kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình có nhà ở thiệt hại từ 41% trở lên; hộ có người chết, người bị thương và hộ có trâu bò bị chết. Ðến nay, tỷ lệ giải ngân đạt 91% so với thiệt hại thực tế. Ngoài ra, UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ hàng tỷ đồng để khắc phục các công trình bị hư hỏng. Cơn bão số 2 chưa qua thì cơn bão số 3 đã ập đến gây ra mưa lũ trên diện rộng toàn huyện làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nhân dân. UBND huyện Hương Khê tiếp tục chỉ đạo sản xuất vụ đông muộn và triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp 2008 trên toàn huyện. Mưa lũ đi qua, Hương Khê lại đứng dậy tiếp tục xây dựng quê hương. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Ðảng bộ và nhân dân huyện đã không ngừng nỗ lực vượt khó để đưa vùng đất nghèo trở thành huyện phát triển về nhiều mặt kinh tế, văn hóa – xã hội, giáo dục, an ninh – quốc phòng… Bên cạnh đó, Hương Khê còn là một “miền đất hứa” với nhiều điểm nhấn về văn hóa – du lịch. Mặc dù dải đất hẹp Phúc Trạch – Hương Khê không có một vị Thành Hoàng để thờ cúng nhưng lại có một dòng sông chảy ngược, sông Ngàn Sâu, hướng về phương bắc, hướng về Thăng Long – Ðông Ðô – Hà Nội, góp một tính cách riêng, một nét văn hóa riêng vào hồn thiêng đất nước. Núi Thống Lĩnh chín chóp, núi Phù Lê bên bờ sông Ngàn Sâu, nơi cất giấu lương thực, vũ khí thời nhà Lê; khu căn cứ chống Pháp của vua Hàm Nghi, Phan Ðình Phùng trên núi Vũ Quang… cũng hứa hẹn là những điểm du lịch về nguồn hấp dẫn. Chung tay xây dựng quê hương




Và những ngày cuối năm 2007, đến đâu của Hương Khê cũng rộn ràng không khí thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 140 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Ðảng và Nhà nước trao tặng. Các cụm pa-nô, áp-phích, băng cờ, khẩu hiệu được trang hoàng đẹp đẽ. Nhiều hoạt động nổi bật, như xuất bản sách Hương Khê – văn hóa – danh thắng, ra mắt website huyện Hương Khê, tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa – nghệ thuật, các cuộc thi tìm hiểu và sưu tầm tư liệu giới thiệu về Hương Khê… đã tạo nên không khí vui tươi trong quần chúng nhân dân. Nhiều hoạt động thăm hỏi, gặp mặt các cán bộ lão thành, nhân chứng lịch sử cũng được tổ chức chu đáo. Kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục có những chuyển biến. Năm 2007, tổng giá trị sản xuất: 833.068 triệu đồng; đạt 15,88%; cơ cấu kinh tế nông – lâm nghiệp là 60,54%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng là 27,44%; thương mại – dịch vụ 12,02%; thu ngân sách trên địa bàn 9.294 triệu đồng, đạt 92% kế hoạch tăng 3,37% so với năm 2006. Trong những năm tới, huyện Hương Khê tiếp tục phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ mọi nguồn đầu tư, đồng thời khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra để phát triển kinh tế – xã hội với nhịp độ nhanh và bền vững. Từ đó, Hương Khê sẽ đẩy mạnh phát triển nông – lâm nghiệp theo hướng CNH, HÐH, chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tập trung nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Hương Khê còn là vùng nổi tiếng với loại cây gió trầm và trồng thử nghiệm rừng cao-su. Bên cạnh phát triển nông – lâm – ngư nghiệp Hương Khê chú trọng thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa cảnh quan thiên nhiên có giá trị, hình thành nhiều điểm du lịch ở huyện. Hiện tại, Hương Khê đang có nhiều dự án đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Nâng cấp hệ thống lưới điện, trường học, giao thông, trạm y tế cũng không nằm ngoài kế hoạch phát triển lâu dài của huyện. Với đà phát triển này, tiềm năng và cơ hội mới, cùng với sức mạnh của toàn dân, Hương Khê hứa hẹn sẽ đạt được những bước tiến dài và vững chắc trên con đường CNH, HÐH.


(nguoihuongkhe.net)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP