Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Lập lại trật tự đô thị – sớm một ngày, hay một điều

Câu chuyện trật tự đô thị đang ngày càng nóng lên cùng với nhịp độ phát triển của thành phố trẻ. Những chiếc xe kinh doanh di động khắp nơi đổ về; quán hàng, quầy ốt, chợ cóc, chợ tạm, biển quảng cáo nhếch nhác, tùy tiện… đang xâm chiếm các vỉa hè, đường phố. Xe trật tự đô thị dẹp trước, hàng quán lại mọc sau, chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”!

Từ những gánh hàng rong

Cũng như bao đô thị khác trên cả nước, sự phát triển không ngừng của TP Hà Tĩnh trong những năm qua đã kéo theo một số lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh đến mưu sinh. Phần đa các lao động này có hoàn cảnh khó khăn, không được đào tạo nghề nên tìm đến những tuyến phố đông người với nhiều kế sinh nhai: bán hàng rong, dán xe máy, điện thoại, bán nước chè, rửa xe…

Một điểm buôn bán gia cầm trái phép tại đường 26/3 (phường Đại Nài).

Chẳng phải tìm đâu xa, chỉ cần dạo một vòng dọc theo tuyến đường Phan Đình Phùng, bất kể ngày hay đêm cũng có thể gặp lỉnh kỉnh xe đẩy, hàng rong. Tập trung nhiều nhất là ở vỉa hè trước khu vực Trung tâm Thương mại BMC, tại đây, có ít nhất 3 quán nước chè, gần 10 người dán xe máy và 3 người bán các loại đồ chơi trẻ em. Nhiều năm nay, đã không ít lần các lực lượng chức năng thành phố ra quân xử lý với đủ mọi biện pháp nhưng rồi chỉ mấy ngày sau là mọi chuyện “đâu lại vào đấy”.

Khi được hỏi lý do vì sao lại “cố tình” vi phạm, Nam – có thâm niên gần 5 năm làm nghề dán xe máy, điện thoại, quê tận Hưng Yên tâm sự: “Quê em nghèo lắm, kinh tế gia đình đã khó khăn lại đông con nên mấy anh em chưa học hết THPT đã phải tha hương kiếm sống. Nghe mấy người gần nhà bảo vào đây dễ làm hơn nên em đi theo. Không có tiền thuê địa điểm, em mới phải đánh liều ra làm ở vỉa hè. Bị nhắc nhở, xử phạt, đẩy đuổi nhiều lần cũng cực thân lắm nhưng vì miếng cơm, manh áo nên vẫn cứ phải làm liều…”.

Chị Nguyễn Thị Thủy (xã Thạch Ngọc, Thạch Hà), thường xuyên chở gà đi bán ở TP Hà Tĩnh giãi bày: “Tôi lặn lội vượt hơn 10 cây số xuống thành phố để kiếm thêm đồng lãi nuôi con ăn học. Thế nhưng, nếu bán tại chợ gia cầm ở tận cuối con ngõ nhỏ ở phường Văn Yên thì chẳng ai vào mua. Bán rong dọc đường cũng chẳng sung sướng gì vì bị đẩy đuổi thường xuyên. Nhưng họ đuổi, mình chạy, họ đi, mình lại ra bán. Có cả hàng chục người chứ riêng mình đâu”.

Đến nỗi khổ những con đường

Cách đây hơn 10 năm, đường Ngô Đức Kế chính là cổng vào của chợ trung tâm TP Hà Tĩnh. Thế nhưng, khi chợ mới được xây, phần cổng này được thành phố thiết kế lại làm một tuyến đường chính (Ngô Đức Kế hiện nay).

Tuy nhiên, một số người dân buôn bán tại đây vẫn không chuyển vào chợ mới mà dùng chính mặt bằng cũ để kinh doanh. Thị trường càng sôi động, các hộ này càng tìm cách lấn chiếm, cơi nới để cửa hàng của mình có thêm nhiều diện tích.

Nhiều quán cà phê trên địa bàn TP Hà Tĩnh biến lòng, lề đường thành “bãi” đổ xe.

Không chỉ lấn chiếm đường bằng lều bạt, 6 hộ dân ở đây còn “tự ý” đổ bê tông lên cả phần đường để làm mặt bằng kinh doanh các mặt hàng tổng hợp. Thời điểm đông khách, quán hàng đã lấn chiếm gần nửa con đường, người tham gia giao thông đành phải chen chúc trên một nửa phần đường còn lại. Khi người dân bức xúc phản ánh, đội trật tự đô thị thành phố ra quân, các cửa hàng lại lùi vào “lánh nạn”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, bức tranh lộn xộn trên tuyến phố này lại trở về nguyên trạng.

Đường Nguyễn Công Trứ (đoạn từ ngã tư Phan Đình Phùng đến ngã tư Hải Thượng Lãn Ông) nhiều năm trời trong tình cảnh quy hoạch “treo” vì thiếu vốn, dường như đã được “nhắm mắt cho qua” cả những hành vi lấn chiếm lòng, lề đường. Vỉa hè tạm bợ đã trở thành phố “ăn sáng”, phố “đồ gỗ” với hàng chục hộ kinh doanh. Vào lúc cao điểm, trên tuyến phố chính của thành phố này, nhiều tay xế “toát mồ hôi hột” mới có thể điều khiển 2 xe ô tô tránh nhau.

Mặc dù UBND thành phố đã sớm ban hành quy định về cho thuê vỉa hè phục vụ hoạt động kinh doanh, nhưng trên nhiều tuyến phố, quy định phải dành 2 – 2,5m cho người đi bộ đã bị các chủ cửa hàng cố tình lờ đi. Đường Võ Liêm Sơn với dãy quán ăn sáng, cà-phê; đường Nguyễn Du đoạn giáp đường Trần Phú với dãy quán nhậu nối nhau hơn 1 km, đã không còn vỉa hè dành cho người đi bộ.

Điều đáng nói, “góp sức” làm “xộc xệch” những con đường bình yên của thành phố không chỉ là những cá nhân thiếu ý thức, chạy theo lợi nhuận mà còn có không ít cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Công ty bảo hiểm Bảo Việt, Hội Người mù tỉnh cho thuê mặt bằng kinh doanh các mặt hàng dịch vụ ăn uống, lấn chiếm lòng, lề đường; Chi cục Thú y với dãy hàng quán xập xệ ngay trước cổng ra vào…

Dường như ý thức giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị vẫn chưa thấm sâu vào chính một số tổ chức, cá nhân mang trách nhiệm là những công dân của thành phố trẻ.

Ông Hồ Thạch Sơn – Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, một trong những hành vi sẽ gây ra không ít khó khăn cho quá trình thực hiện các quy hoạch về sau đó là việc vi phạm trật tự xây dựng.

Việc sai phạm các nội dung về cấp phép xây dựng công trình nhà xảy ra khá phổ biến. Do tâm lý nể nang, dửng dưng của không ít hộ dân nên sự đấu tranh, tố giác đối với các hành vi vi phạm này còn hạn chế.

Ngoài ra, năng lực thực thi công vụ của một số cán bộ làm công tác quản lý trật tự đô thị chưa cao nên những con số xử phạt chưa phản ánh hết thực trạng vi phạm trật tự quy hoạch – trật tự xây dựng trong thời gian qua.

*  “Liều thuốc” chưa đủ mạnh

Thực trạng vi phạm trật tự đô thị diễn ra ngay từ những ngày đầu thành phố khoác lên mình “chiếc áo” đô thị loại 3. Đội trật tự đô thị thành phố và các đội quản lý trật tự đô thị phường đã được thành lập, đi vào hoạt động góp phần hạn chế những hành vi gây hại đến diện mạo của thành phố trẻ.

Khi “cái bụng chưa no”

Tuy nhiên, do chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ xứng đáng nên hiệu quả hoạt động của lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí còn có hiện tượng lợi dụng vai trò, chức năng, biến tướng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Lập lại trật tự đô thị - sớm một ngày, hay một điều (Bài 2): “Liều thuốc” chưa đủ mạnh
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng nên “điểm đen” về trật tự đô thị trước cổng BVĐK tỉnh đã được xóa bỏ.

Sau gần 10 năm gắn bó với công tác quản lý trật tự (QLTT) đô thị, Đội trưởng Đội QLTT đô thị phường Tân Giang – Nguyễn Văn Hồng vẫn nhận mức lương theo hệ số 2.0, cộng với phụ cấp chức vụ được xấp xỉ 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu chủ yếu nuôi sống gia đình của một cán bộ QLTT đô thị. Cùng đội với ông Hồng, 4 cán bộ QLTT đô thị khác ở Tân Giang mỗi tháng chỉ nhận mức lương bèo bọt 1,9 triệu đồng và muốn tham gia BHXH, anh em cũng phải trích từ tiền lương ít ỏi của mình. Không phụ cấp, thiếu phương tiện, không được trang bị kiến thức… là thực trạng chung mà 47 cán bộ thực thi nhiệm vụ QLTT đô thị ở các phường trên địa bàn đang phải đối mặt.

Không quá bi đát như ở phường nhưng thu nhập, chế độ đãi ngộ dành cho Đội QLTT đô thị thành phố cũng chẳng khá hơn là bao. Theo Đội trưởng Đội QLTT đô thị thành phố Trương Hữu Chinh, với tính chất là đơn vị quản lý hành chính nhưng hiện tại, cán bộ, nhân viên trong đội chỉ được hưởng lương cơ bản, đời sống còn thấp so với những người hưởng lương từ ngân sách. Trong khi đó, đặc thù công việc đòi hỏi lực lượng QLTT đô thị phải thường xuyên giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trên địa bàn, thậm chí có lúc nguy hiểm. Bình quân đội phải bố trí lao động 26 ngày/tháng, trong khi đó, anh em không được hưởng phụ cấp, giờ làm thêm khi tham gia xử lý các vụ việc nẩy sinh và nhiệm vụ đột xuất.

Cũng theo ông Trương Hữu Chinh, việc kiểm tra và xử lý của đội trật tự đô thị liên quan đến rất nhiều lĩnh vực với hàng loạt thông tư, nghị định đi kèm, có những vụ việc, muốn xử lý phải căn cứ vào 9, 10 nghị định. Trong khi đó, chế tài xử lý lại vòng vo, thiếu tính răn đe. “Đội QLTT đô thị thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo ủy quyền của UBND thành phố (phường), khi phát hiện các hành vi sai phạm, chúng tôi chỉ được phép lập biên bản, tham mưu và chờ lãnh đạo thành phố (phường) ra quyết định rồi mới có thể xử phạt, do vậy, hiệu lực xử lý các vụ việc chưa cao” – ông Chinh chia sẻ.

Mờ nhạt vai trò quản lý

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh – Nguyễn Quốc Hà cho rằng, từ nhiều năm nay, vai trò quản lý của chính quyền cơ sở đối với các hoạt động trật tự đô thị còn hết sức mờ nhạt, thậm chí có nơi còn buông lỏng, khiến những hành vi lấn chiếm không được phát hiện, ngăn chặn khi mới manh nha, càng về sau càng phức tạp, kéo dài, rất khó giải quyết.

Lập lại trật tự đô thị - sớm một ngày, hay một điều (Bài 2): “Liều thuốc” chưa đủ mạnh
Bến xe bus được “bố trí” ngay dưới lòng đường.

“Trật tự đô thị ở TP Hà Tĩnh chưa được thiết lập một cách bền vững có nguyên nhân từ những hạn chế của công tác quy hoạch. Hệ thống chợ xây dựng chưa đồng bộ, vị trí có nơi chưa hợp lý; các khu vực, tuyến phố kinh doanh dịch vụ chưa được quy hoạch để tạo hạ tầng thương mại cho một bộ phận nhân dân giữ nghề mưu sinh đang là điểm nghẽn khiến thành phố có lúc không thể mạnh tay trong việc xử lý tình trạng vi phạm trật tự đô thị” – ông Hà nhấn mạnh.

Ở phường Đại Nài, trên đường Hà Huy Tập (điểm giáp với cầu Phủ) có thời điểm, tình trạng họp chợ lấn quốc lộ đã thành điểm nóng. Chợ tạm Cầu Phủ được xây dựng đã thu hút 32 hộ kinh doanh ở các ki-ốt dọc tuyến đường cùng 26 hộ buôn bán bên lòng, lề đường. Nhưng hiện nay lại xuất hiện những chiếc xe đẩy bán hoa quả di động tái lấn chiếm lòng, lề đường trước cổng chợ.

“Lực lượng trật tự đô thị phường đã nhiều lần thu xe, xử phạt nhưng không thể làm dứt điểm được” – Chủ tịch UBND phường Nguyễn Xuân Hương cho biết.

Không chỉ vậy, trên đường 26/3 đoạn giáp ranh với đường Hà Huy Tập vẫn đang tồn tại tình trạng họp chợ ngay giữa lòng đường vào buổi sáng sớm. Dẫu chợ Cầu Phủ đã bố trí khu vực chợ trời rộng rãi để người buôn bán nhỏ vào hoạt động nhưng chính quyền phường Đại Nài vẫn không thể giải quyết được tình trạng chợ cóc, chợ tạm đang diễn ra trên địa bàn.

Theo bà Đậu Thị Thủy – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thì để nhìn nhận nguyên nhân của những tồn tại trong công tác quản lý trật tự đô thị hiện nay, cần phải hiểu được vai trò của các cơ quan chức năng. Nếu như các đội QLTT đô thị có vai trò chủ yếu là quản lý hành chính và tổ chức tác nghiệp thực hiện xử lý các vụ việc thì các phòng, bộ phận chuyên môn như văn hóa, địa chính, đô thị… có nhiệm vụ tham mưu chính quyền các cấp về công tác quản lý trên các lĩnh vực của mình, trong đó có những nội dung liên quan đến trật tự đô thị. Nếu các bộ phận chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thì lực lượng cán bộ trật tự đô thị sẽ giảm bớt áp lực trong hoạt động xử phạt.

Đội trưởng Đội QLTT đô thị phường Tân Giang – Nguyễn Văn Hồng cho biết: “Cứ mỗi lần phát động, ra quân đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị, các địa phương thực hiện hoành tráng với đầy đủ các thành phần, lực lượng tham gia, nhưng xong việc, đâu lại vào đấy. Hiếm thấy cán bộ phụ trách văn hóa đi kiểm tra, xử lý tình trạng biển quảng cáo, băng rôn vi phạm trật tự đô thị hay cán bộ hội phụ nữ, thanh niên đến tận các điểm nóng để tuyên truyền về việc đảm bảo trật tự đô thị…”.

Sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng trật tự đô thị chưa nhuần nhuyễn và một số điểm thiếu thống nhất trong các quy định cụ thể ở thành phố cũng dẫn đến những vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ gìn giữ trật tự đô thị.

“Trước đây, chúng tôi đã vận động được bà con ở khu vực chợ cóc Đồng Vinh vào kinh doanh ở chợ Trung Đình, nhưng được một thời gian, không ít hộ đã quay lại để buôn bán. Lực lượng QLTT đô thị được huy động đến dẹp bỏ cũng bó tay bởi lần này, các hộ kinh doanh đã hợp đồng thuê mặt bằng của các hộ gia đình và đã có trong tay giấy phép kinh doanh”, Bí thư phường Tân Giang – Nguyễn Hữu Nam cho biết.

* Giải pháp phải từ gốc rễ

Thực tiễn đang chỉ ra rằng: giải quyết những điểm nghẽn trong công tác quản lý trật tự đô thị hiện nay đòi hỏi phải xây dựng một kịch bản mới bài bản và căn cơ hơn. Những giải pháp mang tính gốc rễ cho vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý trật tự đô thị sẽ xây nền móng vững cho một “đô thị kỷ cương, công dân thân thiện”.

Chuyên nghiệp lực lượng chủ công

“Quá trình nghiên cứu các mô hình quản lý trật tự đô thị ở các tỉnh bạn và thực tiễn về các vấn đề đặt ra ở TP Hà Tĩnh, chúng tôi đang xây dựng đề án về mô hình hoạt động mới của đội trật tự đô thị. Mục tiêu cơ bản là xây dựng một lực lượng mạnh, chuyên nghiệp, được trang bị đủ điều kiện hoạt động và được giám sát thường xuyên bởi một cơ chế quản lý chặt chẽ” – Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hà cho biết.

Lập lại trật tự đô thị - sớm một ngày, hay một điều (Bài 3): Giải pháp phải từ gốc rễ
Tìm lời giải bền vững cho các vấn đề đô thị ở chiếc “chìa khóa” quy hoạch là bước đi mà UBND thành phố đang hướng tới.

Đề án về xây dựng Đội trật tự đô thị thành phố sẽ bắt đầu từ việc tập trung toàn bộ lực lượng từ các phường, xã về một đầu mối quản lý. Lực lượng này sẽ được trang bị đầy đủ phương tiện làm việc, được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng tác nghiệp, giáo dục về đạo đức nghề nghiệp và có một chế độ đãi ngộ tương xứng. Không còn chịu sự chi phối của chính quyền phường, xã, cán bộ đô thị có quyền tự quyết cao hơn trong việc xử lý các vụ việc và sẽ được điều động luân chuyển thường xuyên giữa các địa bàn để nâng cao tính minh bạch, khách quan trong hoạt động. Đặc biệt, nút thắt về chế tài xử phạt sẽ được tháo gỡ khi thành phố đang nghiên cứu để ban hành quyết định ủy quyền “xử phạt nóng” cho đội trật tự đô thị đối với 98 hành vi vi phạm có mức tiền phạt từ 500 ngàn đồng trở xuống.

Đồng tình với mô hình mới đang từng bước được xây dựng, Đội trưởng Đội trật tự đô thị TP Hà Tĩnh – Trương Hữu Chinh cho biết: “Đội ngũ cán bộ trật tự đô thị ở các phường hiện nay chưa được trang bị nghiệp vụ và quản lý chặt chẽ, vì vậy, quá trình xử lý các vụ việc có lúc chưa thấu đáo. Bên cạnh đó, các lực lượng ở từng phường độc lập chưa có sự liên kết, phối hợp thường xuyên nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Bởi vậy, việc chuyên nghiệp hóa lực lượng cán bộ trật tự đô thị dưới một đầu mối quản lý là cần thiết”. “Đây cũng là mong muốn của những người thực hiện nhiệm vụ trật tự đô thị ở phường như chúng tôi bởi về lâu dài, với đồng lương ít ỏi và hoạt động chỉ bằng kinh nghiệm, thì chẳng mấy ai có thể tâm huyết với nghề” – Đội trưởng Đội trật tự đô thị phường Đại Nài – Lê Thanh Bình giãi bày.

Giải bài toán quy hoạch

Tìm lời giải bền vững cho các vấn đề đô thị ở chiếc “chìa khóa” quy hoạch là bước đi mà UBND thành phố đang hướng tới. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh – Nguyễn Quốc Hà cho rằng, không thể xem giải pháp “đẩy đuổi” của thời Trung cổ làm chủ đạo mà phải đi từ nền tảng là xây dựng quy hoạch và hình thành các tuyến phố chuyên doanh để đưa các loại hình buôn bán, kinh doanh vào hoạt động, đảm bảo cả 2 mục tiêu: việc làm, thu nhập cho một lực lượng người lao động và ổn định trật tự đô thị.

Lập lại trật tự đô thị - sớm một ngày, hay một điều (Bài 3): Giải pháp phải từ gốc rễ
Vóc dáng thành phố trẻ.

Bản “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050” đang được hoàn thiện để phê duyệt sẽ là cơ sở cho việc triển khai hàng loạt quy hoạch ngành, lĩnh vực của thành phố. Trong đó, các khu vực, tuyến phố kinh doanh sẽ được xác định và từng bước xây dựng theo lộ trình.

Theo ông Hà, trong tương lai, ở 6 cửa ô của thành phố sẽ lựa chọn điểm để đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ cho các loại hình dịch vụ, kinh doanh. Trước mắt, UBND thành phố đang tập trung vào những việc “cần làm ngay” như đưa chợ kinh doanh gia cầm đi vào nền nếp; hoàn chỉnh chợ Cầu Đông làm điểm đầu mối rau, củ, quả để lấy mặt bằng khu vực chợ trời ở chợ TP Hà Tĩnh cho các loại hình buôn bán vãng lai, bán lẻ vào hoạt động, chấm dứt tình trạng bán hàng xung quanh chợ.

Căn cơ câu chuyện quản lý

Xây dựng và giữ gìn trật tự đô thị, theo ý kiến của nhiều vị lãnh đạo TP Hà Tĩnh phải huy động sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. “Quản lý trật tự đô thị phải đi từ việc gắn chặt vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở với chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực trên địa bàn. Bên cạnh đó, phải có giải pháp để phát huy một cách hiệu quả vai trò của các bộ phận chuyên môn đối với việc thực hiện chức năng quản lý ở lĩnh vực của mình, như vậy mới kiểm soát tận gốc các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đậu Thị Thủy khẳng định.

Bên cạnh đó, theo bà Thủy, để khơi dậy ý thức giữ gìn trật tự đô thị của người dân, thời gian tới, thành phố sẽ yêu cầu Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tham gia tuyên truyền, vận động thường xuyên, tổ chức xây dựng các mô hình quản lý cộng đồng. Từng bước xã hội hóa công tác trật tự đô thị bằng sự tự giác tham gia tuyên truyền, giám sát của các tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống trên địa bàn thành phố. “Chỉ khi nào công tác quản lý nhà nước và thái độ, ý thức người dân gặp được nhau thì trật tự đô thị thành phố mới thực sự được thiết lập một cách bền vững” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định.

Siết chặt trật tự kỷ cương đô thị đang được thành phố hoạch định những chiến lược khá dài hơi, nhưng dường như từng bước đi đang khá chậm rãi và chưa thực sự quyết liệt. Trong khi đó, “căn bệnh” vi phạm trật tự đô thị lại đòi hỏi một “liều thuốc” đủ mạnh và chắc chắn sớm một ngày sẽ hay một điều.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đậu Thị Thủy:

Xiết chặt trật tự đô thị không thể bỏ qua những vấn đề liên quan đến miếng cơm, manh áo của người dân thành phố. Nhưng quan điểm xuyên suốt phải là: không được lạm dụng những vấn đề xã hội để làm mất tính hiệu lực của các chế tài.

Đối với những vấn đề mới phát sinh cần phát hiện sớm và kiên quyết xử lý; những sự việc do lịch sử để lại phải tìm giải pháp từ gốc rễ. Quản lý trật tự đô thị nếu không nghiêm, không kiên quyết thì sẽ không thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Chợ gia cầm thành phố được xây dựng khang trang, song, do vị trí không thuận lợi nên người bán lẫn người mua đều “nói không” với khu chợ.

Nhóm P.V Kinh tế/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP